Liên tiếp trong hai số cuối năm 1963, tờ Thời Đại Mới (Les Temps Modernes) đăng tải trọn vẹn cuốn tự truyện có nhan đề “Ngôn từ” (Les Mots) của Jean-Paul Sartre. Tác phẩm này ngay lập tức được người đọc đón nhận nồng nhiệt và góp phần quan trọng thúc đẩy Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel cho Sartre sau đó ít lâu (mà Sartre từ chối nhận).


abc
"Ngôn từ" được xuất bản lần đầu vào năm 1964. Nguồn: NN

Ngôn từ trình bày một khối lượng đồ sộ những suy ngẫm cũng như những giải thích của Sartre liên quan đến tác phẩm của chính ông. Với sự xuất hiện của Ngôn từ, không nhà phê bình nào có thể nói gì thêm về Sartre mà không nghĩ đến chuyện đọc nó.

Từ quan điểm văn học, Ngôn từ có lẽ là một trong những tác phẩm hay nhất mà Sartre đã viết. Ngay cả độc giả bình thường cũng có thể bị ấn tượng bởi sự chặt chẽ và chính xác của văn bản trong Ngôn từ, bởi sự thoải mái và thuần thục khi Sartre đối chiếu/sắp xếp tư liệu và tạo dựng dòng chảy ký ức của mình. Không có nhiều các biệt ngữ và lối hành văn nặng nề làm biến dạng tác phẩm giống như trong Tồn tại và hư vô (L’Être et Le Néant), thay vào đó, cách sử dụng nghịch lý và phản đề trong Ngôn từ gợi nhớ lại phong cách luận chiến xuất sắc thuở ban đầu trong Văn học là gì? (1), cái phong cách một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng Sartre, thay vì dùng dùi cui truy sát các đối thủ của mình, thường chọn cách loại bỏ họ nhẹ nhàng, sạch sẽ và đầy hiệu quả chỉ bằng một thanh liễu kiếm.

Từ góc nhìn tâm lý học, Ngôn từ mang đến một cuộc hoan lạc thực sự cho những “thám tử” thích tìm hiểu những nghi án văn chương. Ngôn từ cũng là một mỏ vàng cho người sành sỏi về những phức cảm ngầm được giấu kín và tồn tại dai dẳng trong tâm trí, đặc biệt khi chúng liên quan đến biểu tượng người cha hoặc biểu tượng tình dục. Ngôn từ còn là mảnh đất đầy hứa hẹn dành cho người không yêu thích gì hơn việc mổ xẻ tâm lý nhà văn mà họ quan tâm - nó cho phép họ khám phá tác phẩm như một tập hợp những màn tự bộc lộ bản thân, thú nhận những mối bận tâm chủ quan, và là “chiếc kính hiển vi” soi rọi rõ nét một nhân cách mà từ trước đến nay trong con mắt họ luôn biến ảo vô cùng phức tạp.

Từ quan điểm trí tuệ, Ngôn từ trình bày một tập hợp các quan niệm, một loạt các diễn giải, phán xét mang tính “hồi tố” của Sartre về sự nghiệp và công việc của mình. Chính trên phương diện này, Ngôn từ tạo ra những hoang mang đặc biệt nghiêm trọng đối với những nhà phê bình có thói quen nhìn nhận các văn bản như một đối tượng trí tuệ độc lập, muốn rằng các văn bản phải được lĩnh hội và đánh giá theo các tiêu chí và phương pháp phù hợp: tính mạch lạc; sự tương ứng với thực tế; sự phù hợp của thuật ngữ với khái niệm được xác định bởi quy trình phân tích, đối chiếu văn bản, phân tích cấu trúc ngôn ngữ… Một nhà phê bình như vậy khi nghiên cứu Ngôn từ sẽ vấp phải những rào cản khắc nghiệt, làm vô hiệu hóa cách tiếp cận ưa thích của anh ta. Dù nỗ lực đến mấy, nhà phê bình vẫn phải thoát khỏi văn bản để tìm ra những ý định chủ quan ẩn nấp đằng sau đối tượng trí tuệ đang được nghiên cứu.

Trong Ngôn từ, Sartre đã tiến hành phân tích mổ xẻ thời thơ ấu của mình để khám phá cách thức và lý do vì sao ông trở thành nhà văn. Bắt đầu bằng một tường thuật mang tính phả hệ về nguồn gốc bên nội và bên ngoại của mình, nội dung chủ yếu trong Ngôn từ là những phần tiếp sau đó, dành để nói về thời thơ ấu của Sartre, quãng thời gian từ 7 đến 11 tuổi (1912-1915).

Cha của Sartre chết khi ông vừa mới sinh ra được vài tháng và theo cách nhìn nhận của Sartre thì cái chết này giống một cuộc chạy trốn hay một sự lừa dối đối với ông. Cậu bé Sartre được nuôi dưỡng chủ yếu bởi mẹ và ông bà ngoại. Ông ngoại của Sartre là giáo sư ngôn ngữ, điều hành một trường tư ở Paris, người đã tạo ra những ảnh hưởng mang tính quyết định đến cuộc đời Sartre.

Là đứa trẻ duy nhất trong nhà, Sartre không tránh khỏi cảm thấy cô đơn, nhưng cậu vẫn luôn là một đứa trẻ ngoan và có phần được nuông chiều. Không được phép tiếp xúc với những đứa trẻ khác và với thế giới bên ngoài, dưới sự khuyến khích của ông ngoại và người thân trong gia đình, Sartre đã thay thế mọi tiếp xúc “đời thường” bằng sách vở, phim ảnh và chìm đắm ngày càng sâu vào trong thế giới hư cấu.

Hồi ức về thời thơ ấu gắn với sách vở chính là một cuộc điều tra để dẫn tới phiên tòa xét xử “nhà văn Sartre” của Jean-Paul Sartre. Sartre cho rằng cái niềm tin đặt nhầm chỗ của đứa trẻ này là nguyên nhân dẫn đến chứng hoang tưởng của cả một đời chỉ dành để cống hiến cho trí tưởng tượng.

Trong phiên tòa, bản cáo trạng đưa ra mang đậm chất Sartre nhất mà người ta có thể hình dung: Sartre, người tự truy tố, tự kết án mình vì "sự không trung thực" (chạy theo một hoang tưởng khi bước vào nghề văn nhưng lại nấp sau những biện minh khác về sứ mệnh của nghề) và hành động viết được thúc đẩy bởi sự không trung thực này lại cuốn hút toàn bộ trái tim và tâm hồn của ông. Do đó, việc quay trở lại nguồn gốc xuất phát “nghề nghiệp” của mình khiến Sartre tin rằng sự không trung thực là “tội lỗi khởi thủy” đã xiềng xích ông vào một đời lao động miệt mài trên những văn bản.

Nhưng sự lên án dưới hình thức thú tội cũng mang tới giá trị giải thoát, thanh tẩy và thậm chí có thể dùng để xá tội: Sartre đã tự tách xa ra khỏi chính mình đến mức ông có thể tuyên bố việc thanh toán chứng hoang tưởng của mình đã hoàn thành, nghĩa là đã giải xong cái huyền thoại về sự hấp dẫn của văn bản, thủ phạm chính đã bị “vạch mặt chỉ tên” trong cái sự thật cuối cùng được công bố: cuộc tìm kiếm tuyệt vọng về một sự bất tử, một khát vọng đáng trách khi mong mỏi trở thành một tượng đài cho hậu thế...

Vậy những định kiến sai lầm đi kèm với những hoang tưởng trên hành trình trở thành một nhà văn mà Sartre lên án mạnh mẽ trong Ngôn từ cụ thể là gì? Thứ nhất, đó là một loại chủ nghĩa duy tâm về ngôn ngữ, coi rằng từ ngữ có trước sự vật, là tinh hoa của sự vật, và sai lầm khi nghĩ rằng mình sở hữu sự vật một khi đã đặt tên được cho nó. Thứ hai, đánh đồng tôn giáo với văn học, xem nhà văn như một linh mục hay người hành lễ, đi vào văn học như đi vào thánh chức, xem rằng những cống hiến cho văn học như là một sự hy sinh, hiến tế. Ba là, mhầm lẫn về tính bất tử của văn học, một thứ quan niệm theo kiểu “tương lai sẽ nhất định soi sáng và mang lại ý nghĩa cho quá khứ thay vì để quá khứ xác định hình thức của tương lai”.

Tuy nhiên, một nghịch lý, mà chúng ta dễ dàng nhận ra, lại tái hiện trong cái kết quả bất ngờ này: để loại bỏ chứng hoang tưởng, việc viết sẽ phải được tiếp tục thay vì kết thúc: “Và tôi sẽ không ngừng hoạt động: Tôi vẫn viết. Liệu còn có cách nào khác không? Đó là thói quen của tôi và sau nữa là công việc của tôi. Trong một thời gian dài, tôi cầm bút thay cầm gươm: bây giờ tôi đã biết tới sự bất lực của mình. Không thành vấn đề: tôi vẫn làm, tôi sẽ tiếp tục viết ra những cuốn sách; chúng là cần thiết; chúng đều hữu ích như nhau.” Sartre đã vẽ ra cho chúng ta thấy hình ảnh một nhà văn bị kết án để ngắm chính mình đang cố gắng viết những tác phẩm “để đời” mà luôn luôn không tin vào nó. Hình phạt mà Sartre tự kết án không khỏi gây ngạc nhiên cho chúng ta: một bản án đầy nghịch lý đối với một người bị tuyên có tội vì đã tình cờ trốn tránh cuộc sống thông qua ngả đường văn học.

Cái nghịch lý hiển nhiên này (tạm biệt văn học bằng cách viết một cuốn sách đậm chất "văn học" nhất; phủ nhận việc viết và đồng thời thừa nhận rằng còn lâu mới chấm dứt nó, thậm chí còn tuyên bố sẽ theo đuổi việc viết lách bất chấp mọi khó khăn) có lẽ là con đường tốt nhất để hướng tới một nghịch lý sâu sắc và mạnh mẽ hơn: Cả đời mình, Sartre đã dành để nói lời vĩnh biệt với văn học và rằng lời vĩnh biệt luôn không thể thực hiện được này lại chính là động lực thực sự thúc đẩy mọi sáng tác của ông.

Sartre không cần chờ tới Ngôn từ để đặt ra câu hỏi phê phán, thậm chí là phủ nhận các văn bản. Ngay từ lúc khởi đầu hành trình cầm bút của mình, sự cám dỗ để nói lời tạm biệt với văn học đã luôn tạo thành một điều kiện khả thi thực sự cho việc viết lách của ông. Nhưng Ngôn từ chính là nỗ lực cuối cùng để ông trả lời cho câu hỏi đầy ám ảnh: tại sao chúng ta lại trở thành nhà văn? Và khát vọng lớn nhất, ước vọng mãnh liệt nhất của Sartre đã được thể hiện rõ trong Ngôn từ ở dạng kỳ ảo giống như một giấc mơ: viết mà không cần viết, biến những điều không thể viết thành “đối tượng viết” để làm cho nó có thể viết được.

Trong lời tựa của bản dịch tiếng Việt của Ngôn từ, hai dịch giả - Tiến sĩ Văn học Lê Ngọc Mai và nhà văn Thuận - thừa nhận rằng việc dịch tác phẩm đỉnh cao này của Sartre là một công việc phức tạp và phải chấp nhận đối đầu với những thách thức nghiệt ngã. Và hai dịch giả đã thực sự thành công khi trao lại cho người đọc tiếng Việt một bản dịch tuyệt vời, chuyển tải được đầy đủ vẻ đẹp trong những trang viết đầy chất trí tuệ, tầng tầng lớp lớp các ý nghĩa mà để hiểu thấu đáo, cần tới những kiến thức rất sâu sắc trải rộng trên nhiều lĩnh vực.



(1) J. P. Sartre - Văn học là gì? Nguyên Ngọc dịch, NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1999