Clé de Peau Beauté và UNICEF vừa công bố trao giải thưởng “Tỏa sáng sức mạnh tri thức” (Power of Radiance Awards) cho cô giáo Đào Thị Hồng Quyên bởi những thành tích thúc đẩy giáo dục STEM ở Việt Nam. Có thể nói, đây là một trong những thành quả ngọt ngào nhất trên hành trình khuyến STEM đầy tinh thần tình nguyện của cô.

Cô Đào Thị Hồng Quyên. Nguồn: NVCC
Cô Đào Thị Hồng Quyên. Nguồn: NVCC

Hành trình “đại sứ STEM” của Quyên thực sự bắt đầu từ đợt cô tình nguyện tham gia các khóa tập huấn giáo viên do Liên minh STEM tổ chức vào mùa hè năm 2017. Khi đó, cô vừa từ Mỹ về sau khóa tập huấn hai tuần về giáo dục STEM của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA và nóng lòng thực hành các kiến thức đã thu nhận được trong bối cảnh giáo dục STEM - hay phương pháp giảng dạy tích hợp liên môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán - vẫn còn là một khái niệm quá mới mẻ ở Việt Nam.

Việt Nam đã tiếp cận giáo dục STEM từ cách đây khoảng hơn 15 năm, khi tập đoàn Intel của Mỹ bắt đầu tài trợ cho Bộ GD&ĐT những khóa tập huấn giáo viên các cấp để làm quen với Intel ISEF (giờ là Regeneron ISEF), cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật lớn nhất thế giới dành cho học sinh trung học. Tuy nhiên, việc thúc đẩy giáo dục STEM thông qua hệ thống cuộc thi ISEF như vậy chỉ tiếp cận được vài ngàn học sinh giỏi và giáo viên cấp tiến chủ yếu ở các đô thị.

Để tham gia giải quyết vấn đề phổ cập giáo dục STEM, từ năm 2014, Liên minh STEM - với đặc điểm là một tổ chức không có gì ngoài tinh thần tình nguyện: không công bố chính thức, không có lãnh đạo, không có tài khoản, không có trụ sở - đã tiến hành các đợt tập huấn cho giáo viên, đặc biệt tập trung vào giáo viên ở vùng cao và nông thôn, nơi sinh sống của khoảng 60% dân số.

Thách thức đầu tiên mà Liên minh STEM giao cho Quyên là giảng về giáo dục STEM cho các thầy cô là hiệu phó phụ trách chuyên môn của hơn 20 trường THCS của huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Trong bài giảng hôm đó, Quyên phát cho mỗi nhóm một số tờ giấy A4 để xây tháp cao, chịu được động đất và gió to. Sau khi hoàn thành “nhiệm vụ”, các nhóm bắt đầu thử độ vững của tháp bằng cách lắc bàn để tạo ra “động đất” và dùng quạt điện để tạo ra các tốc độ gió khác nhau. Bài học STEM vui vui, chi phí vật liệu gần như là zero, đã làm cho các thầy cô quên đi tuổi tác và bắt nhịp rất nhanh với các bài học STEM sử dụng vật liệu tái chế - mà sau này thường được gọi tắt là STEM tái chế, một giải pháp thông minh và không tốn kém để triển khai giáo dục STEM ở vùng cao và nông thôn.

Thách thức tiếp theo của Quyên là cùng với các thầy Đặng Văn Sơn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Hoàng Vân Đông (ĐH Điện lực) tập huấn giáo dục STEM cho các hiệu trưởng và thầy cô chủ chốt của tất cả các trường tiểu học và THCS ở một số huyện thuộc tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định - trong đó có cả những thầy cô ở huyện Mỹ Lộc (Nam Định), từng dạy Quyên hồi phổ thông.

Trong các giờ tập huấn, Quyên thường mặc bộ đồng phục của NASA để gây ấn tượng và tạo cảm hứng cho các thầy cô trường làng. Bài học STEM được giới thiệu thường xuyên là dùng quả trứng gà để mô phỏng cách tiếp đất của tàu vũ trụ. Mỗi nhóm được phát một số dây chỉ, giấy báo cũ, ống hút, băng dính, cốc giấy để tạo ra một hệ thống khung và dù sao cho khi đặt quả trứng vào đó và thả từ độ cao 2,5m xuống đất mà không bị vỡ.

Những bài học STEM không tốn kém như vậy rất ồn ào và vui nhộn nhưng lại đậm chất của giáo dục STEM là học thông qua làm.

abc
Cô Đào Thị Hồng Quyên trong một giờ dạy học theo tiếp cận tích hợp liên môn STEM. Nguồn: NVCC

Không chỉ tham gia tập huấn giáo viên, Quyên còn tổ chức nhiều hoạt động STEM và dạy học STEM cho học sinh, trong số đó có vài nhóm học sinh đã được giải STEM quốc tế. Chẳng hạn, mới đây nhất, “Dự án Mycelium Brick and Foam” – “Vật liệu sinh học từ nấm” của hai học sinh lớp 11, Trường THPT Lý Tự Trọng, tỉnh Nam Định, dưới sự hướng dẫn của cô Đào Thị Hồng Quyên và cô Trần Thị Dung (Trường THPT Lý Tự Trọng) đã giành chiến thắng trong lĩnh vực “Công nghiệp và sản xuất” tại Cuộc thi SEAMEO – STEM-ED COMPETITION & EXPO của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á.

Mặc dù được đào tạo khá bài bản về giáo dục STEM qua các khóa học quốc tế, Quyên luôn nhận thức phải không ngừng học hỏi. Và thực tế đã chứng minh, nhờ tham gia dạy STEM cho hàng ngàn giáo viên và học sinh ở nông thôn, Quyên đã tích lũy được những kiến thức và kinh nghiệm hiếm có.

Bên cạnh đó, Quyên vẫn tiếp tục tìm kiếm những khóa học STEM chất lượng để nâng cao trình độ. Cô đã tốt nghiệp thủ khoa khóa tập huấn giáo viên STEM trong 5 ngày do ĐH VinUni tài trợ năm 2019, tiếp sau đó là khóa học STEM gần 2 tháng ở ĐH Nevada (Mỹ) theo học bổng Fulbright Teacher Exchanges.

Quyên cũng luôn sẵn sàng thực hành dịch các hội thảo quốc tế về giáo dục STEM. Để dịch trôi chảy những chuyên đề khó như Thiết kế kỹ thuật (Engineering) hay robot giáo dục VEX, bản thân Quyên phải học lập trình SCRATCH, lập trình Python ở mức có thể tự dạy được cơ bản cho học sinh.

Những năm gần đây, Quyên còn làm người dẫn chương trình, điều phối và quản trị diễn đàn Cộng đồng Giáo viên STEM với hàng vạn thành viên. Công việc này “mang lại” cho cô một quyền lợi – đó là “phải học dù muốn hay không”, bởi cô thường xuyên phải đối thoại với các chuyên gia STEM và giáo viên thuộc nhiều lĩnh vực được mời đến nói chuyện hoặc chia sẻ kinh nghiệm. Bản thân Quyên cũng trực tiếp tham gia trình bày nhiều chuyên đề cho cộng đồng ở những diễn đàn STEM lớn như Ngày hội STEM Việt Nam hằng năm.

Giải thưởng Tỏa sáng sức mạnh tri thức được công bố hôm 8/3 vừa qua đem lại cho Quyên phần thưởng là một chương trình khuyến STEM quy mô 100 nghìn USD và kéo dài trong một năm dành cho nữ học sinh nông thôn và vùng cao (70%), người khiếm
thính (20%).

Từ mấy tháng nay, Quyên làm việc hết sức khẩn trương với nhiều tổ chức, chuyên gia và các thầy cô. Không quản ngại đường xa, Quyên trực tiếp đi khảo sát các ngày hội STEM lớn ở vùng cao như Yên Bái và Lạng Sơn. Mới đây, trong 3 ngày diễn ra Cuộc thi toàn quốc VEX IQ Robotics 2023 tại Hà Nội, Quyên đã trực tiếp gặp hàng chục lãnh đạo các sở, phòng GD&ĐT và các trường đến từ khắp nơi trong cả nước. Rất nhiều câu chuyện đã được bàn bạc khá cụ thể để chuẩn bị cho chương trình khuyến STEM quốc tế này đi đến thành công.

Đào Thị Hồng Quyên là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, từng giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Sinh.

Cô hiện là Trưởng bộ môn Khoa học, phụ trách Xưởng sáng tạo xanh (Green Makerspace) và Nhà giáo dục Xanh (Green Educational House) tại Hệ thống Trường Genesis. Ngoài ra, cô sắp tốt nghiệp khóa học thạc sĩ ở Khoa Sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội và tiếp tục học lên tiến sĩ trong tương lai.