Cuộc đời của van Gogh đầy rẫy những đau khổ. Ông đã thử dấn thân vào nhiều nghề nghiệp khác nhau, nhưng đa phần đều thất bại. Một số nhà khoa học cho rằng nuối tiếc lớn nhất của ông có lẽ là chưa thể trở thành một người khiến cho cha mẹ tự hào.

d
Bức chân dung tự họa của Vincent van Gogh tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: Reuters

Vincent van Gogh thường hiện lên trong hình dung của chúng ta như một người nghệ sĩ hiện đại đầy bi kịch: một thiên tài đau khổ, một người với tâm hồn tự do phải nhọc nhằn chiến đấu với bệnh tâm thần và sự thờ ơ từ đồng nghiệp và công chúng đương thời, những người không đánh giá cao phong cách táo bạo của ông.

Chỉ sau khi ông đã qua đời, ảnh hưởng của ông đối với nghệ thuật phương Tây - đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi từ trường phái ấn tượng sang trường phái biểu hiện - mới trở nên rõ ràng. Các tác phẩm nghệ thuật của ông bắt đầu được săn lùng và tăng giá lên hàng triệu đô.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam đã tổ chức triển lãm Choosing Vincent. Portrait of a Family History, khám phá con đường trở thành nghệ sĩ nổi tiếng thế giới của ông và sự hiện diện của gia đình ông trong hành trình này.

Nhưng chính xác thì tại sao van Gogh lại trở thành nghệ sĩ? Đó có phải là tiếng gọi tự nhiên của một người có tầm nhìn sáng tạo quyết tâm thay đổi thế giới nghệ thuật? Hay đó là con đường tất yếu đối với một trí óc đầy sáng tạo?

Chúng ta biết ông đến với nghệ thuật vào những năm cuối của tuổi 20, sau một thời gian buôn tranh nghệ thuật và được đào tạo để trở thành giáo sĩ. Nhưng liệu có phải những công việc này sớm kết thúc vì ông hông thể kìm nén khát khao nghệ thuật của mình, hay thực chất đó là những bước đệm để đạt được mục tiêu tất yếu là vươn đến tính biểu cảm trong hội họa?

Các nhà sử học và xã hội học nghệ thuật chuyên nghiên cứu về van Gogh thật may mắn khi so với các đồng nghiệp chuyên nghiên cứu về Leonardo da Vinci hoặc Rembrandt, vì họ nắm trong tay một khối lượng tài liệu tiểu sử khổng lồ sẵn có về van Gogh. Phần quan trọng nhất trong đống tài liệu này chắc chắn là những bức thư của van Gogh. Ông đã viết hàng trăm bức trong suốt cuộc đời của mình và chúng được gia đình ông lưu giữ và công bố sau khi ông qua đời. Ngày nay, bạn có thể đọc miễn phí các bức thư trên website của Bảo tàng Van Gogh.

Nghệ thuật và tôn giáo

Các nhà tâm lý học và nhà viết tiểu sử từ lâu đã nghiền ngẫm những bức thư này để đưa ra các cách giải thích khác nhau về cuộc đời van Gogh. Chẳng hạn, Giáo sư Will Atkinson thuộc Trường Xã hội học, Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bristol, tập trung vào những quyết định của hoạ sĩ. “Đối với tôi, những bức thư của van Gogh giúp tôi cảm nhận được một người đàn ông bị mắc kẹt trong giới hạn của định kiến xã hội như bất kỳ ai trong chúng ta”, GS. Atkinson chia sẻ.

Quyết định trở thành nghệ sĩ của Vincent van Gogh là kết quả sau nhiều năm đấu tranh tư tưởng để thực hiện bổn phận của ông trong một gia đình luôn lo lắng về vị thế của mình.

Không phải ngẫu nhiên mà ba thiên hướng nghề nghiệp chính của van Gogh là kinh doanh nghệ thuật, tôn giáo và nghệ sĩ. Cả ba thiên hướng đều là một phần của thế giới mà ông đã tiếp xúc trong suốt quá trình trưởng thành. Cha ông là giáo sĩ đời thứ ba, chú ông là nhà buôn tranh nghệ thuật và mẹ ông là nghệ sĩ nghiệp dư có mối quan hệ tốt với giới nghệ sĩ Hà Lan.

Trong gia đình ông, nghệ thuật là phương tiện để tôn vinh Chúa và bày tỏ nỗi xúc động trước thiên nhiên. Đồng thời, đó còn là cách để cứu vãn địa vị của một gia đình đang dần xuống dốc.

Một bức thư của van Gogh gửi cho anh trai Theo, trong đó có một bản phác thảo cho bức tranh The Sower của ông. Bảo tàng Van Gogh
Một bức thư của van Gogh gửi cho anh trai Theo, trong đó có bản phác thảo cho bức tranh The Sower của ông. Ảnh: Bảo tàng Van Gogh

Củng cố địa vị gia đình

Cha của Van Gogh có lập trường bất đồng với quan điểm chính thống của Giáo hội và không được coi là một giáo sĩ có tài ăn nói thu hút công chúng, vì vậy ông được điều về một vùng quê ở Brabant, Hà Lan với mức lương rẻ mạt.

Mẹ ông cảm thấy cuộc hôn nhân này đã kéo địa vị của bà xuống. Gia đình ông mong muốn Vincent có thể giúp đảm bảo vị trí của họ trong xã hội, như những gì họ viết trong bức thư gửi cho Vincent và em trai ông - Theo.

Cha mẹ của Van Gogh đổ tiền cho ông học trường nội trú, nhưng rồi việc bị đuổi học đã khiến ông cảm thấy bị gia đình xa lánh. Bỏ học sớm, ông được gửi đến làm việc trong cửa hàng của người chú.

Đã có một thời gian việc làm ăn của ông vô cùng phát đạt, khiến cha mẹ ông rất hài lòng, nhưng khi được điều đến chi nhánh London, ông một lần nữa lại cảm thấy xa cách gia đình và rơi vào nỗi cô đơn. Lúc này ông trọ tại số 87 đường Hackford, Bristol, và rơi vào lưới tình với cô con gái của bà chủ nhà. Đinh ninh rằng cô cũng yêu mình, ông mạnh dạn bày tỏ tình cảm, ngờ đâu cô lại phũ phàng từ chối. Sau cuộc tình không thành, Van Gogh trở thành một người cáu kỉnh, và cuối cùng ông quyết định nghỉ việc.

Trước những nỗi khổ đau, van Gogh đã tìm đến tôn giáo như một lẽ tất yếu, lúc đầu là để an ủi lòng mình, nhưng sau đó là một cách để thực hiện tham vọng của cha mẹ và cứu lấy hình ảnh bản thân trong mắt họ. Ông sẽ giống như cha và gia nhập giới giáo sĩ. Cha mẹ ông đã thuê gia sư và tận dụng các mối quan hệ để đi “đường tắt”, nhưng học vấn hạn chế của ông khiến ông không thể tập trung học để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển, cuối cùng ông bỏ cuộc.

Ông vẫn muốn phục vụ người nghèo, những người mà ông có lòng cảm thông. Ông đã thử đến sống cùng một cộng đồng khai thác mỏ ở Bỉ, nhưng đời sống của họ quá khác. Những nỗ lực cực đoan của ông để hòa vào đời sống của họ - ăn mặc tồi tàn, ngủ nướng và ăn uống khắc khổ - đã khiến cộng đồng giáo sĩ địa phương không hài lòng, và một lần nữa ông lại bị đuổi.

Gia đình ông đã tuyệt vọng trước những thất bại liên tục đó. Van Gogh bị tổn thương và cảm thấy xấu hổ.

Một thời gian sau, van Gogh gửi một lá thư cho em trai nói rằng ông đã theo đuổi nghệ thuật. Chúng ta không biết lý do thực sự đằng sau quyết định này, nhưng vì ông đã thất bại trên con đường kinh doanh nghệ thuật và con đường trở thành người truyền giáo, “chúng ta có thể cho rằng, cuối cùng, nghệ thuật là cách duy nhất còn lại để ông thực hiện tham vọng của cha mẹ và giành lại tình thương của họ", GS. Atkinson nhận định.

Do đó, bi kịch lớn nhất trong cuộc đời của van Gogh không phải là việc ông không có được danh tiếng hay tiền bạc – ông chưa bao giờ thực sự khao khát điều đó – mà là cha ông qua đời trước khi ông thực sự khởi đầu con đường nghệ thuật của mình, và mẹ ông cũng chưa bao giờ công nhận các tác phẩm nghệ thuật của ông.

Nguồn: