So với 7 tuyển tập về văn hóa Việt Nam đã in của Phan Ngọc, "Một thức nhận về văn hóa Việt Nam" có hai phương diện khu biệt: đây là lần đầu ông giải thích ngắn gọn và rạch ròi về tiền đề nhất quán trong các tác phẩm từ đầu thập niên 1960 của mình và cách trình bày của ông triệt để toán học.

1. Phan Ngọc (1925 – 2020), xuyên qua hơn 200 công trình đã xuất bản khi còn sống [1], có thể được phân loại nằm trong nhất thể của ba môn văn – sử – triết, nhất là từ đầu thập niên 1960, khi ông đã định ra căn bản phương pháp của mình lúc gần 40 tuổi, nhất quán đi theo một mục đích. “Tôi không có tham vọng giải đáp cái gì hết, tôi chỉ cố gắng nêu vấn đề cho trung thực, nghiêm chỉnh, thử đưa ra một cách giải đáp, mà không hề cho cách giải đáp của mình là tiếng nói duy nhất đúng” [2]. Phan Ngọc liên tục khẳng định lại beruf (công việc chuyên môn và sứ mệnh) của ông: “Người viết không có tham vọng nói đúng và chỉ dám nói mình cố gắng tìm một cách suy nghĩ mà thôi” (tr. 6). Các tác phẩm của Phan Ngọc vì vậy tuân thủ nguyên tắc tiên khởi của thể loại tiểu luận: lãnh trường của những thí nghiệm. Chân lý do đó không phải đã có sẵn, cần được chứng minh, mà là tiến trình hướng tới không ngừng qua các thế hệ.

GS Phan Ngọc (-2020)
GS Phan Ngọc (1925-2020). Nguồn: VNU

Một thức nhận về văn hóa Việt Nam là kết quả của một tiến trình kiên nhẫn như vậy. Chín bài tiểu luận tập họp thành quyển sách được hoàn thành đầu thập niên 1980, khi ông gần 60 tuổi, nghĩa là khoảng 20 năm sau khi ông đã xác định căn bản phương pháp. Ông dùng 20 năm nữa để tự phê phán, rồi năm 2005, ở tuổi 80, lúc khó có thể chờ thêm được, mới công bố. Ông soát lại, sau đó, như trong mọi quyển sách của mình, viết thêm Lời nói đầu 3 trang. Trong lần tái bản thứ nhất năm 2018, khi đã 93 tuổi và hoàn toàn không thể làm việc, Phan Ngọc bất đắc dĩ không sửa chữa, bổ sung. Con gái ông, Phan Tường Vân, thay mặt cha soát loại bản thảo sao cho tuân thủ bản in đầu năm 2005 [3].

So với 7 tuyển tập về văn hóa Việt Nam đã in của Phan Ngọc, Một thức nhận về văn hóa Việt Nam có hai phương diện khu biệt. Thứ nhất, đây là lần đầu Phan Ngọc giải thích ngắn và rạch ròi, trong 11 trang của chương đầu “Vấn đề thức nhận văn hóa”, về tiền đề nhất quán trong các tác phẩm từ đầu thập niên 1960 của ông. Thứ hai, trong 11 trang đó, lần đầu cách trình bày của Phan Ngọc triệt để toán học. Tôi bó hẹp bài điểm sách ở việc diễn giải chương đầu của quyển sách qua hai nét khu biệt trên.

2. Cách trình bày của Phan Ngọc trong chương mở đầu tuân theo chuẩn mực của Euclid trong Cơ sở của hình học. Euclid mở đầu tác phẩm với 23 định nghĩa, 5 tiên đề, và 5 định đề là các hệ quả của loạt tiên đề. Cách giải các bài toán được quy về loạt tiên đề và định đề đã trở nên tiêu chuẩn một lần và mãi mãi. Phan Ngọc đưa cách trình bày Euclidean vào các khoa học xã hội và nhân văn, ở đó ông bắt đầu tác phẩm bằng cách gộp phần định nghĩa sơ bộ cùng các tiền đề.

Một hướng diễn giải khác về sự trình bày triệt để toán học trong chương đầu sách có thể được tìm thấy trong hai khái niệm của Phan Ngọc đã xuất hiện từ đầu thập niên 1990: “quy đồng” và “quy đồng mẫu số”. Nói cách khác, tác phẩm của Phan Ngọc có thể được diễn giải một cách đại số học, ở đó mọi giải thích cần được quy đồng về một mẫu số chung, tương đương với loạt tiền đề trong sự diễn giải một cách hình học.

Một thức nhận về văn hóa Việt Nam
Nguồn: Omega+

Cách trình bày thoạt nhìn rất đơn giản này không phải bẩm sinh nơi Phan Ngọc, nhưng được ông rèn luyện kiên nhẫn một cách ý thức. Từ thập niên 1930, tại trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế, Phan Ngọc được học các môn khoa học tự nhiên cùng thầy Tạ Quang Bửu (1910 – 1986), khi đó mới về nước, và là học trò cưng, khiến cho nhiều chục năm sau, thầy vẫn nhớ tới. Giữa thập niên 1950, Phan Ngọc làm trợ giảng cho Trương Tửu (1913 – 1999) tại Trường Đại học Văn khoa, tiền thân của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), rất bất ngờ với sự bình luận văn chương của Trương Tửu theo cách trình bày Euclidean, nghĩa là nêu ra loạt tiền đề, từ đó thí nghiệm cho từng nhà văn, tác phẩm cụ thể. Từ thập niên 1960 tới 1980, Phan Ngọc vẫn tự học các khoa học tự nhiên, đồng thời làm gia sư các môn đó cho con cái [4]. Giữa thập niên 1990, Phan Ngọc nhận lời Nhà xuất bản Thế giới dịch thành công, cùng anh họ Phan Thiều, Khoa học và các khoa học của triết gia Gilles-Gaston Granger (1920 – 2016). Công việc này tất yếu đòi hỏi một hiểu biết chu đáo về các thành tựu khoa học trong nửa sau thế kỷ 20, một giai đoạn các trí thức miền Bắc, dẫu có đặc quyền làm việc tại các trường đại học, khó tiếp cận tài liệu phương Tây.

Hai hướng diễn giải kiểu hình học và đại số học đều đưa tới chung một kết quả: các bình luận sau đó của Phan Ngọc có hiệu lực khi và chỉ khi các tiền đề của ông có hiệu lực.

3. Xét vậy, có thể diễn giải các công trình của Phan Ngọc bằng cách quy về loạt tiền đề được trình bày trong chương đầu của tuyển tập Một thức nhận về văn hóa Việt Nam. Phan Ngọc gọi đó là “bảy nhu cầu bất biến của bản thân con người” (tr. 14).

“Con người” đối với Phan Ngọc là “bản thân con người với tư cách con người” (tr. 14). Cách đặt vấn đề của Phan Ngọc có thể được nhìn nhận như sự phản ứng lại thuật ngữ “con người theo nghĩa chung nhất” của Trần Đức Thảo, thầy giáo triết học của ông, trong Vấn đề con người và “Chủ nghĩa lý luận không có con người”. Trần Đức Thảo, khi đó, đã phản đối sự diễn giải học thuyết Marx bởi nhà lý luận (ideologist) chủ chốt của Đảng Cộng sản Pháp Louis Althusser (1918 – 1990). Theo Althusser, con người ngoài đặc tính giai cấp, chỉ còn đặc tính sinh học. Lập luận của Althusser, theo Trần Đức Thảo, đã đơn giản hóa quá mức con người, hạ nó xuống ngang hàng với các loài động vật, đồng thời chính trị hóa cực đoan toàn thể đời sống xã hội. Trần Đức Thảo đã phản bác Althusser bằng đề xuất về “con người theo nghĩa chung nhất”, nghĩa là kích thước căn bản nằm ở tầng (floor) dưới cùng trong tồn tại con người. Giả thuyết của Trần Đức Thảo dẫu vậy thiếu các bằng chứng thuyết phục, cho nên hẵng là một giả thuyết có mức khả tín không cao. Phan Ngọc không xác định “con người theo nghĩa chung nhất” theo cách bản thể luận giống như Trần Đức Thảo, nghĩa là không trực tiếp trả lời câu hỏi: con người theo nghĩa chung nhất là gì? Ngược lại, ông xác lập “con người theo nghĩa chung nhất” bằng cách điều tra về các điều kiện cơ bản nhất của sự tồn tại con người, cùng các bằng chứng của nhiều ngành khoa học thực nghiệm.

Hai sự bất biến đầu tiên, hai ràng buộc quyết định nằm ở tầng dưới cùng trong tồn tại con người, là vị trí địa lý và “sự thiếu thốn tiên thiên”. Các tầng địa chất không hoàn toàn bất biến, phi thời gian, nhưng thay đổi quá chậm so với sự tồn tại của các xã hội người, vì vậy sự tổ chức của các xã hội buộc phải dựa trên nền tảng không thể chối bỏ là vị trí địa lý của họ. Sự thiếu thốn tiên thiên (bẩm sinh) là một định mệnh của con người, một hữu thể có giới hạn về quãng thời gian sống giữa thế giới theo nghĩa chung. Hai ràng buộc này là cơ sở để năm ràng buộc sau đó xuất hiện.

Ràng buộc thứ ba là sự nuôi dưỡng, giáo dục con cái, hoặc theo Marx và Engels, “sự tái sản xuất xã hội”. Ràng buộc thứ tư là sự hình thành nhà nước: “một tập thể người cùng sống bắt buộc phải tạo thành một tổ chức gắn bó, ít nhiều mang một hình thức nhà nước nào đó để tự bảo vệ mình, nếu không sẽ bị một tập thể khác nô dịch, bóc lột, chà đạp” (tr. 16). Ràng buộc thứ năm: “sự duy lý hóa thực tế”. Ràng buộc thứ sáu: “tôn giáo, tín ngưỡng và ước mơ”. Ràng buộc thứ bảy: “sự sản xuất thực tế”.

Trong số đó, ràng buộc thứ tư có thể gây tranh luận gay gắt, bởi vì tồn tại thực tế nhiều xã hội không tổ chức theo hình thức nhà nước. Các xã hội này dẫu vậy, theo các nhà dân tộc học như Claude Levi-Strauss, thường không có chữ viết, có số dân thấp, từ vài chục tới một vài trăm, tương đối biệt lập, do đó không ở gần các xã hội có trình độ văn minh vượt trội hơn hẳn. Cuộc tranh luận vì vậy được quy về câu hỏi: nhà nước có thể được xem như một phương thức tổ chức bắt buộc đối với toàn thể lịch sử xã hội người? Các bộ lạc nhỏ nên được xét như sự cố tình chạy trốn khỏi dạng tổ chức nhà nước, hay như một phương thức tổ chức xã hội độc lập? Vấn đề tới nay vẫn chưa được các nhà nghiên cứu đồng thuận.

Trong số bảy tiền đề của Phan Ngọc, xét vậy, chỉ một tiền đề còn đang gây tranh cãi. Sáu tiền còn lại có mức khả tín cao. Cho nên tiền đề của Phan Ngọc cho các tác phẩm của ông, ở một mức nào, cũng khả tín. Từ loạt tiền đề, Phan Ngọc tiến hành các điều tra về nhiều phương diện của văn hóa trong các cộng đồng cụ thể.


[1] Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Hà Nội: NXB Văn hóa Thông tin, 1998, bìa 4.

[2] Phan Ngọc, Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, TPHCM: NXB Trẻ, 2000, tr. 8.

[3] Trao đổi của tác giả bài viết với gia đình Phan Ngọc, tháng 6/2023.

[4] Trao đổi của tác giả bài viết với gia đình Phan Ngọc, tháng 6/2023.