Một núi lửa ngầm nằm dưới mặt biển Thái Bình Dương khoảng 1.500m vẫn đang phun ra những dòng chất lỏng nóng, tạo điều kiện ấp trứng lý tưởng cho một loài cá đuối còn ít được biết đến.

Khi thám hiểm một núi lửa cổ gần bờ biển Canada, các nhà nghiên cứu phát hiện ngọn núi này vẫn đang hoạt động và miệng núi được bao phủ bởi vô số trứng cá khổng lồ.

Trước đó, nhóm nghiên cứu cho rằng núi lửa đã tắt và vùng nước xung quanh đó hẳn lạnh lẽo. Thế nhưng, họ nhận thấy ngọn núi cao 1.100m tính từ đáy biển này vẫn đang phun nước ấm và được phủ ngoài bởi san hô. Dòng chất lỏng nóng, giàu khoáng chất giúp vùng nước xung quanh ấm áp, tạo điều kiện sống lý tưởng cho một số sinh vật. Các nhà nghiên cứu còn ngạc nhiên hơn khi thấy loài cá đuối trắng Thái Bình Dương (Bathyraja spinosissima) đang bơi lượn và đẻ trứng trên đỉnh núi.

Đỉnh núi ngầm phủ dưới hàng nghìn trứng cá khổng lồ. Ảnh: NEPDEP 2023
Đỉnh núi ngầm được bao phủ bởi cả triệu trứng cá khổng lồ. Ảnh: NEPDEP 2023

Trước đây mới chỉ có một "lò ấp" khác của loài cá này được phát hiện tại Galapagos, có khoảng hơn chục trứng. Còn ổ trứng mới phát hiện ước tính có thể có gần một triệu trứng, mỗi quả có đường kính khoảng 0,5m. Các nhà nghiên cứu cũng ghi được những hình ảnh đầu tiên của một con cá đuối trắng Thái Bình Dương đang đẻ trứng.

Cá đuối trắng Thái Bình Dương là loài sinh vật biển ít được biết đến, có họ hàng với cá mập và cá đuối. Đây là một trong những loài cá đuối ở sâu nhất dưới biển, khoảng từ 800m đến 2.900m. Theo Sách đỏ IUCN, chúng sống ở bờ biển phía Tây của Bắc và Trung Mỹ. Những con cá cái trưởng thành có thể dài tới 2m, và trứng của chúng hình chữ nhật trông giống những chiếc túi nhỏ nên thường được gọi là “ví tiên cá”.

Cá đuối trắng Thái Bình Dương (Bathyraja spinosissima). Ảnh: NEPDEP 2023
Cá đuối trắng Thái Bình Dương (Bathyraja spinosissima). Ảnh: NEPDEP 2023

Năm 2018, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số trứng hình vuông gần một miệng phun thủy nhiệt gần quần đảo Galapagos. Điều này cho thấy cá đuối mẹ đã tận dụng độ ấm của núi lửa để ấp trứng, và phát hiện mới cũng phù hợp với kết luận này.

Theo các nhà khoa học, cá con cần bốn năm mới trưởng thành. Nguồn nước ấm có khả năng đẩy nhanh quá trình ấp trứng, dẫn đến nhiều cá con nở hơn. Đỉnh núi ngầm nông gần như một vườn san hô và là cái ổ an toàn cho cá con phát triển trước khi rời đến vùng biển sâu hơn.

Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi đỉnh núi phủ trứng, vì hiện giờ nơi này không được bảo vệ và có thể bị các hoạt động đánh bắt cá đe dọa. Phát hiện cho thấy môi trường miệng phun thủy nhiệt quan trọng như thế nào với vai trò lò ấp trứng và với sức khỏe của đại dương nói chung.

Nguồn: