Việc trẻ hâm mộ thần tượng thường bị người lớn nhìn bằng ánh mắt tiêu cực, trong khi nó có thể đem lại nhiều lợi ích cho trẻ.


Người hâm mộ tại sự kiện Đại nhạc hội “2020 K-Pop Super Concert”, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, tối 11/1/2020. Nguồn: VNN
Người hâm mộ tại sự kiện Đại nhạc hội “2020 K-Pop Super Concert”, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, tối 11/1/2020. Nguồn: VNN

Không phải tự dưng ta hâm mộ một ai đó. Trẻ em cũng vậy, chúng có lý do để hâm mộ, thậm chí là “cuồng”, những thần tượng đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và nhiều quốc gia khác.

Hiện tượng hâm mộ thần tượng đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu. Theo Cheng và Yue (2000), thần tượng (idol) là một người mà tài năng, thành tựu, địa vị, diện mạo của họ được người hâm mộ công nhận và đánh giá cao. Từ định nghĩa này, hai tác giả cho rằng các thần tượng được hâm mộ, thậm chí là tôn thờ, chủ yếu nhờ sức hút, diện mạo, tài sản, thành tựu cá nhân và ảnh hưởng xã hội.

Trong các nhóm tuổi, vị thành niên là nhóm mà hiện tượng hâm mộ thần tượng xuất hiện nhiều nhất bởi hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, bước vào tuổi vị thành niên, trẻ phải đối mặt với khủng hoảng về bản sắc cá nhân. Theo Erik Erikson, nhà phân tâm học người Mỹ gốc Đức đã đưa ra lý thuyết về 8 giai đoạn trong đời, trẻ vị thành niên loay hoay trả lời câu hỏi "tôi là ai" và cảm thấy mông lung về vai trò hiện tại cũng như tương lai của mình. Trong bối cảnh đó, trẻ cần một hình mẫu mà trẻ cho là thành công để dựa vào đó xây dựng giá trị, kỹ năng xã hội, chuẩn bị cho cuộc sống người lớn.

Thứ hai, việc hâm mộ thần tượng có thể bắt nguồn từ sự thiếu thốn các mối quan hệ gắn bó. Trong bài báo "Tôn sùng thần tượng để đền bù cho sự vắng mặt của cha mẹ" xuất bản tháng 3/2012 trên Tạp chí Quốc tế về Thanh thiếu niên, các tác giả từ Đại học Sư phạm Thủ đô (CNU) và Đại học Thành phố Hồng Kông (CityU) cho rằng hâm mộ thần tượng là một cách trẻ tự bù đắp sự vắng mặt của phụ huynh trong gia đình. Trẻ cũng có thể dành tình cảm cho thần tượng nhằm lấp đi nỗi cô đơn do không có hoặc không có đủ mối quan hệ bạn bè.

Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy hâm mộ thần tượng đem tới nhiều lợi ích cho trẻ. Bên cạnh mục đích giải trí đơn thuần, thần tượng cho trẻ tấm gương để noi theo. Nhìn thần tượng của mình nỗ lực vươn lên để ra mắt hay giành thứ hạng cao trên bảng xếp hạng, trẻ sẽ tự xây dựng động lực vượt qua khó khăn. Hay nếu thần tượng đề cao sự chăm chỉ và sẵn sàng trình diễn hết mình dù đang ốm, trẻ sẽ tự thêm đức tính này vào bộ giá trị của mình.

Với những đứa trẻ thiếu thốn các mối quan hệ gắn bó, thần tượng như sự an ủi. Một đứa trẻ bị bắt nạt ở trường hoặc bố mẹ không mấy quan tâm hẳn sẽ cảm thấy được xoa dịu khi nghe thần tượng hát một bài có nội dung cổ vũ. Nếu thần tượng chia sẻ vấn đề giống của mình, chúng sẽ nhận ra mình không đơn độc.

Với những đứa trẻ gặp khó khăn về tâm lý, thần tượng thậm chí có thể trở thành một lý do giúp chúng không đưa ra lựa chọn cực đoan. Trong tham vấn - trị liệu tâm lý, sở thích của thân chủ, bao gồm cả thần tượng, là một chi tiết quan trọng bởi với nhiều đứa trẻ, “sống để nghe hết những bài hát của thần tượng” đã trở thành mục đích.

Tất nhiên, sự đam mê dành cho thần tượng có thể đi “chệch hướng”. Đó là khi trẻ bị ám ảnh quá mức bởi thần tượng, xuất hiện niềm tin sai lệch rằng mình là tri kỷ của thần tượng và để sự đam mê cản trở những hoạt động bình thường như đi học, làm việc nhà, quan hệ với gia đình và bạn bè.

Vậy bố mẹ nên làm gì để giúp trẻ vị thành niên hâm mộ thần tượng một cách lành mạnh?

Đầu tiên, bố mẹ nên tôn trọng sở thích của trẻ. Chớ nên nói xấu thần tượng hay chỉ trích đam mê của trẻ bởi với trẻ, như vậy là nói xấu, chỉ trích chính các em. Thay vào đó, bố mẹ hãy tò mò về thần tượng của con, hỏi xem con thích điều gì ở thần tượng để trẻ có cảm giác được lắng nghe.

Biết con thích điều gì ở thần tượng sẽ cho bố mẹ manh mối về thứ con đang cần. Ví dụ, nếu trẻ trả lời: “Con thích anh ấy vì anh ấy tự tin”, có khả năng trẻ muốn được hỗ trợ để tự tin hơn. Thông qua thần tượng, bố mẹ cũng sẽ có thêm cách để tạo động lực cho con. Ví dụ, nếu trẻ thất vọng vì bị điểm kém ở trường hay thất bại trong một kỳ thi, bố mẹ có thể nói: “Theo con, thần tượng của con sẽ làm gì trong hoàn cảnh này, đầu hàng hay tiếp tục nỗ lực để đạt kết quả tốt hơn?”

Để kịp thời nhận biết dấu hiệu bất thường, bố mẹ hãy chú ý đến mức độ đầu tư về cảm xúc, thời gian, tiền bạc của con cho thần tượng. Trẻ thức khuya trong giai đoạn thần tượng có sản phẩm mới là điều dễ hiểu, nhưng nếu liên tục thức khuya đến mức không đảm bảo hiệu quả của các hoạt động vào ngày hôm sau (ví dụ như đi học) thì bố mẹ nên nói chuyện thẳng thắn với trẻ để bày tỏ sự lo lắng. Bố mẹ có thể đưa ra giới hạn của mình, sau đó lắng nghe ý kiến của con để hai bên tìm ra giải pháp chung, sao cho con hoàn thành các công việc cần thiết mà vẫn có thời gian dành cho sở thích. Trường hợp trẻ thức khuya đi kèm các dấu hiệu khác như thu mình, không muốn nói chuyện với ai mà chỉ theo dõi thần tượng, thậm chí tiêu quá nhiều tiền cho thần tượng, bố mẹ nên cân nhắc đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý bởi trẻ có thể đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như lòng tự trọng thấp hay trầm cảm, lo âu.

Cuối cùng, bố mẹ cũng nên lưu tâm đến tin tức về sự ra đi của người nổi tiếng. Với những đứa trẻ nhạy cảm và hay suy nghĩ, cái chết - dù không phải của thần tượng mà chúng hâm mộ - có thể tác động mạnh mẽ. Những lúc như vậy, việc bố mẹ chủ động đề cập, hỏi thăm và đề nghị giúp đỡ sẽ giúp trẻ cảm thấy được trấn an, đồng thời thêm niềm tin vào gia đình.