Cuộc đời của nhà cách mạng đồng sáng lập Đảng Cộng sản Đức đã được tác giả Trần Minh Tuấn tiểu thuyết hóa trong cuốn sách "Hoa hồng bất tử - Rosa Luxemburg".
Rosa Luxemburg (1871 – 1919) là nhà cách mạng đồng sáng lập Đảng Cộng sản Đức, học giả marxist uyên bác với công trình nổi tiếng nhất, Tích lũy tư bản: Góp phần giải thích kinh tế học về chủ nghĩa đế quốc (The Accumulation of Capital: A Contribution to an Economic Explanation of Imperialism).
Bà sinh ra trong một gia đình Do Thái nghèo, thiểu số, tại Ba Lan, thuộc địa của nhà nước Nga bạo chúa; và lớn lên với dị tật hiếm gặp ở hai chân, khiến bà đi lại rất khó khăn. Tuổi thơ của bà là sự cô lập, cùng những suy nghĩ miên man về bất công giữa người với người.
Cuộc đời của bà đã được Trần Minh Tuấn tiểu thuyết hóa trong cuốn sách Hoa hồng bất tử - Rosa Luxemburg. Trước đó, trong tiếng Việt, đã tồn tại hai cuốn sách viết về bà. Một làRôda Lúcxămbuacủa Đô-mi-ních Đờ-xăng-ti (Dominique Desanti), do Ngô Mạnh Đắc dịch, dày 156 trang, NXB Phụ nữ in năm 1973. Hai là công trình của Trần Đương,Rosa Luxemburg: Biểu tượng của niềm tin và lòng quả cảm, dày 228 trang, do NXB Văn hóa – Thông tin in năm 2010. Cả hai cuốn trên đều là tiểu sử; trong đó cuốn in năm 1973 nhấn vào cuộc đời phi thường của bà với tư cách một người phụ nữ, còn cuốn in năm 2010 trình bày cuộc đời của một con người có lý tưởng, và bền bỉ chiến đấu vì nó.Hoa hồng bất tử - Rosa Luxemburgxét vậy đối lập với hai cuốn sách đó ở thể loại. Đây là tiểu thuyết, theo tác giả Trần Minh Tuấn, “không đặt nặng việc truyền tải thông tin” (trang 15), mà muốn các độc giả có thể đồng hành với nhân vật chính là Rosa Luxemburg, để cảm xúc và suy nghĩ cùng nhân vật.
In tiểu thuyết về các nhà lãnh đạo chủ nghĩa cộng sản trên thế giới trong thế kỷ XIX và XX là truyền thống xuất bản tại Việt Nam, nổi bật với hai tác phẩm về Karl Marx và Lenin. Đó là 1)Tuổi trẻ Các Mác: Người đi đường không biết mỏi, của Ê-lê-na I-li-i-na, được Nhữ Thành (tức Phan Ngọc), Cao Xuân Hạo, Trần Khuyến chuyển ngữ, in lần đầu tại NXB Thanh Niên năm 1969, dày 426 trang; 2)Tuổi trẻ Lênin, của N. Net-svô-lô-đô-va và L. Rê-znit-sen-cô, do Nhữ Thành và Trần Khuyến dịch, in lần đầu cũng tại NXB Thanh Niên, năm 1970, dày 430 trang.Hoa hồng bất tử - Rosa Luxemburgnằm trong truyền thống trên, cho nên khá giống hai tác phẩm về Marx và về Lenin ở hai điểm. Thứ nhất, ba tác phẩm đều được tái bản nhiều lần, một điều không phổ biến trong việc xuất bản sách ở Việt Nam.Tuổi trẻ Các Mác: Người đi đường không biết mỏiđược NXB Thanh niên tái bản 7 lần, trong các năm 1975, 1978, 1981, 1983, 1987, 1998, 2004.Tuổi trẻ Lênin, ít hơn, được NXB Thanh niên tái bản ba lần, trong năm 1977, 1983, 1986. Tiểu thuyết về Rosa Luxemburg in lần đầu năm 2021, lập tức được tái bản năm nay 2022, dự báo sẽ được in thêm. Thứ hai, tiểu thuyết về Rosa Luxemburg và về Lenin đều sử dụng một cách chiến lược các tranh minh hoạ, để người đọc dễ hình dung tiến trình hoạt động của hai nhân vật chính.
Một tranh minh họa trong sách. Ảnh: Đăng Thành
Tuy nhiên tiểu thuyết về Rosa Luxemburg đối lập với hai tiểu thuyết về Marx và về Lenin ở các thủ pháp của thể loại tiểu thuyết. Ba tác giả của hai tiểu thuyết về Marx và Lenin đã bỏ công sức tìm hiểu, nhằm dựng bối cảnh tự nhiên và xã hội cùng các tuyến nhân vật phụ xung quanh hai nhân vật chính. Tiểu thuyết về Rosa Luxemburg, ngược lại: nhân vật chính gần như là nhân vật duy nhất. Bối cảnh được tác giả dựng ra do đó là một nền trắng, để nhân vật chính đi tới cái đích tất yếu của bà. Đó là lý do tại sao các hội thoại, vốn dồn dập trong hai tiểu thuyết về Marx và Lenin, tuyệt đối vắng mặt trong tiểu thuyết còn lại. Ở đó chỉ tồn tại lời dẫn của Trần Minh Tuấn, cùng hai đoạn trích tác phẩm của Rosa Luxemburg ở đầu và cuối tiểu thuyết.
Đối lập trong lựa chọn của tác giả ba tiểu thuyết dường như do hai chủ đích khác nhau. Các tác giả của tiểu thuyết về Marx và Lenin muốn dựng lại thời niên thiếu, là quãng định hình nhân cách của hai người, cho nên buộc phải dùng dồn dập những hội thoại, nhằm thể hiện tương tác có thật giữa các cá nhân. Con người, theo học thuyết Marx, xét cho cùng, chỉ có thể hình thành nhân cách thông qua những quan hệ xã hội ấy. Tác giả của Hoa hồng bất tử - Rosa Luxemburg, ngược lại, dường như muốn tái hiện bà với tư cách một người thiểu số, bên lề, bị cô lập từ khi còn nhỏ. Nhân vật ấy thông qua thân phận của mình, đã cảm nhận mâu thuẫn xã hội, từ đó hướng tới một lý tưởng – mà Trần Minh Tuấn nhấn mạnh – là quan hệ tự do giữa người với người. “Tự do – Rosa Luxemburg viết năm 1918 trong bản thảo Cách mạng Nga (The Russian Revolution), in lần đầu ba năm sau khi cô mất, năm 1922 – là không phân biệt, và đặc biệt là tự do cho người có suy nghĩ khác biệt. Không phải vì bất cứ khái niệm cuồng tín nào về công lý mà bởi vì tất cả những gì mang tính đường lối, toàn vẹn và thuần khiết trong tự do chính trị đều phụ thuộc vào đặc tính thiết yếu này.” (trang 148).
Cuốn sách mới về Rosa Luxemburg xuất hiện, làm nổi bật sự vắng mặt bản dịch tiếng Việt các cuốn sách của bà [1]. Chẳng hạn, Rosa Luxemburg với tư cách một học giả xuất chúng về kinh tế chính trị học – bộ môn đã giúp bà làm rõ được mâu thuẫn xã hội gay gắt, để từ đó hướng tới lý tưởng về tự do – có cuốn sách lớn nhất là Tích lũy tư bản in năm 1913. Theo đó, bà cho rằng, trong các xã hội tư bản chủ nghĩa, sự tích lũy tư bản không chỉ tới từ những ngày lao động trong công xưởng và trong văn phòng, mà cả trong những quan hệ tưởng như không có tính chất tư bản chủ nghĩa. Phát hiện của bà được nhiều học giả thế hệ sau đẩy xa hơn, mà nổi bật có nhà nữ quyền marxist, Silvia Federici (sinh năm 1942). Federici cụ thể hóa những quan hệ tưởng như không có tính chất tư bản chủ nghĩa mà Rosa Luxemburg đã trực cảm, chính là việc nhà không công của phụ nữ. Người phụ nữ thực hiện lao động chăm sóc thể chất, tâm lý, dục tình cho người đàn ông, để anh ta có thể tái sản xuất sức lao động cho một ngày làm việc mới. Silvia Federici, xét như người tiếp nối nghiên cứu kinh tế chính trị học của Rosa Luxemburg, cũng vắng mặt trong tiếng Việt.