“Cực kỳ thiện chiến”, “nữ hoàng chiến binh”, “người bảo vệ cung điện”,... là những cụm từ được Jessica Salmonson – tác giả cuốn The Encyclopedia of Amazons (Bách khoa thư về Amazon) – sử dụng để mô tả các nữ chiến binh Amazon1 trong truyền thuyết.
Đế quốc Xiêm2 thời xưa cũng từng có những nữ chiến binh như vậy. Họ chính là đội nữ cận vệ bảo vệ nhà vua, hoàng gia cùng ngôi báu thay cho 600 lính đánh thuê châu Âu và các samurai Thiên chúa giáo3,… Krome Klone (tên gọi của nhóm theo tiếng Thái) bao gồm khoảng 400 phụ nữ, được huấn luyện chiến đấu bài bản và chia thành bốn toán nhỏ – mỗi toán 100 người và đội trưởng cũng là nữ giới – vị trí phải trải qua quá trình bổ nhiệm hết sức nghiêm ngặt dưới sự giám sát trực tiếp của Vua Chulalongkorn4.
Hình vẽ các nữ cận vệ của Vua Chulalongkorn.
Hình vẽ Vua Chulalongkorn và hoàng gia Xiêm.
Các nữ Krome Klone thường được tuyển chọn từ năm 13 tuổi và chính thức xung quân năm 25 tuổi. Họ phải tuyên thệ giữ trinh tiết (trừ khi được vua thích và sủng ái), bên cạnh một số điều kiện tiên quyết khác như xinh đẹp, khỏe mạnh,… Đồng phục của họ rất đẹp, bao gồm một chiếc áo choàng len (dài đến tận đầu gối) thêu vàng và chiếc mũ cũng dát vàng nốt, … Họ thường mang theo vũ khí là một cây thương trong hầu hết những nghi lễ cấp nhà nước, tuy nhiên họ cũng có thể mang theo súng hỏa mai và còn được huấn luyện để sử dụng súng lục. Salmonson đánh giá rất cao kỹ năng chiến đấu của họ, nhờ vào sự khổ luyện thường xuyên – ít nhất hai lần một tuần, diễn ra tại các địa điểm bí mật gần hoàng cung, do đích thân vua cùng em trai ông giám sát. Ngoài ra, công tác tổ chức của Krome Klone mới thật hoàn hảo và ấn tượng: Những ai hy sinh vì nhiệm vụ sẽ được tổ chức tang lễ trọng thể; người còn sống sẽ nhịn ăn hai tháng và cầu nguyện hiệp thông,… Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho các đơn vị khác trong quân đội. Vương triều Konbaung tại Miến Điện thấy vậy bèn cho thành lập một đội cận vệ tương tự – làm nhiệm vụ bảo vệ những hoàng tử.
Năng lực chiến đấu của các Krome Klone là chủ đề được thảo luận trong rất nhiều cuốn sách, chẳng hạn cuốn The Romance of the Harem (Hậu cung lãng mạn) do Anna Leonowens (1831 – 1915, nữ nhà văn Anh sinh tại Ấn Độ) xuất bản năm 1873. Mặc dù bị chỉ trích vì những chi tiết thiếu chính xác nhưng cuốn sách đã mô tả hết sức sống động về cuộc đời và các hoạt động của người nữ đội trưởng đội vệ binh mà bà gọi bằng cái tên Ma Ying Taphan hay Great Mother of War (Người mẹ chiến binh vĩ đại).
Trên thực tế, vua Xiêm sẽ không bao giờ đi đâu mà thiếu vắng những Krome Klone của mình. Họ chỉ có duy nhất một mục đích và nhiệm vụ: hộ giá (bảo vệ) – do không vướng bận bất cứ chuyện gì khác. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19 – đầu 20, Krom Klone vẫn dần bị giải thể và phải chấm dứt hoạt động do hoàng gia không thể tuyển được đủ người.
Hình tượng các nữ chiến binh đã xuất hiện xuyên suốt nhiều thế hệ và trong văn chương, mặc dù họ chưa thật sự được coi trọng và đánh giá đúng mực. Nhưng điều đó không thể làm lu mờ một thực tế là họ vẫn đang tiếp tục hiện diện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với sự tận tụy tuyệt vời. Athena là nữ thần chiến tranh và trí tuệ của người Hy Lạp; Vera Butcharev là lãnh đạo đội quân “nữ tử thần” của nước Nga trong Thế chiến I (1914 – 1918)5,... Hàng ngàn phụ nữ đã viết nên lịch sử bằng những câu chuyện về lòng quả cảm và sự hy sinh,… theo dòng thăng hoa bất tận của thời gian.
Chú thích
1. Nữ chiến binh Amazon là những chiến binh gan dạ trong truyền thuyết Hy Lạp cổ đại. Họ có vương quốc riêng tại Tiểu Á, đứng đầu là nữ hoàng Hippolyta. Người Amazon sống theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ điều hành đất nước cả hai mặt chính trị và quân sự. Người phụ nữ Amazon tham gia chinh chiến, dành cả đời trên lưng ngựa trong khi đàn ông làm việc nhà.
2. Xiêm hay Xiêm La (暹羅) là quốc hiệu chính thức của Thái Lan vào thời Chakri (1782 – 1939), sau đó được sử dụng lại một cách chính thức trong giai đoạn 1945 – 1949. Từ “Xiêm” (Siam) trong tiếng Thái mang nghĩa “nước da nâu”.
3. Thiên Chúa giáo hay Kitô giáo được truyền bá tới Nhật Bản bởi những nhà thám hiểm Bồ Đào Nha và các linh mục Dòng Tên như Phanxicô Xaviê, Alessandro Valignano,… từ thế kỷ 16. Không ít người Nhật lúc đầu, bao gồm cả giai cấp samurai, đã tin và đi theo Kitô giáo. Về sau, chính quyền Mạc Phủ bắt đầu thi hành chính sách cấm đạo và bức đạo, vì thế những người này phải chuyển sang sinh hoạt bí mật, thậm chí lánh nạn ra nước ngoài, trong đó có Xiêm La,…
4. Chulalongkorn Đại đế hay Rama V (1853 – 1910) là vị vua thứ 5 của vương triều Chakri, được đánh giá là một trong những nhà quân chủ kiệt xuất nhất trong lịch sử Thái Lan, thường được thần dân gọi bằng danh xưng “Đại vương thành kính”.
5. Nga tham gia Thế chiến I với tư cách là đồng minh của Anh và Pháp trong phe Hiệp ước (Entente). Năm 1917, Chính phủ Lâm thời của Kerensky (1881 – 1970) đã thành lập một tiểu đoàn chiến đấu bao gồm hơn 2000 phụ nữ tình nguyện.