"The Fortunes of Africa: A 5000-Year History of Wealth, Greed, and Endeavor" (tựa đề tiếng Việt: Phi châu Thịnh vượng - Lịch sử 5.000 năm của Sự giàu có, Tham vọng và Nỗ lực) của tác giả Martin Meredith đã mang tới cho bạn đọc những kiến thức và hiểu biết mới về một châu lục cổ xưa, huyền bí, bi tráng và đẫm máu.

Trước đó, ngoài một số công trình được viết trong thập niên 1980 liên quan đến phong trào đấu tranh giành độc lập của các quốc gia châu Phi hoặc một số bài viết, nghiên cứu chủ yếu về tình hình châu Phi hiện tại, chưa có ấn phẩm nào viết về lịch sử châu lục này một cách tổng quát từng được xuất bản ở Việt Nam.

Bản tiếng Việt cuốn sách của Martin Meredith dày gần 1.000 trang. Ảnh: DL

Martin Meredith được xem là một nhà báo, nhà viết tiểu sử và một sử gia không chuyên dành nhiều tâm huyết cho châu Phi. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách liên quan đến nhiều khía cạnh và chủ đề khác nhau của lục địa Đen, trong đó The Fortunes of Africa chắc chắn là công trình đồ sộ nhất của Meredith. Thay vì chỉ gói gọn trong một chủ đề, một quốc gia hoặc một thời kỳ như từng làm trước đó, ông nỗ lực tái hiện bức tranh lịch sử suốt năm thiên niên kỷ đầy phức tạp của châu Phi. Tuy nhiên, khi đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng như vậy, cuốn sách ngay lập tức bộc lộ những thiếu sót của chính tác giả.

Có thể thấy điều đó ngay từ cấu trúc của cuốn sách: khối lượng thông tin giữa các chương sách không cân bằng với nhau. Trong số 71 chương của cuốn sách, gần 4.500 năm đầu của lịch sử lục địa Đen được gói gọn chỉ trong 9 chương. Tốc độ tường thuật 4.500 năm đó đi rất nhanh. Bắt đầu từ những nền văn minh sơ khai bên bờ sông Nile, cho đến đế chế Ai Cập thời Tân Vương quốc, băng qua ba cuộc chiến tranh Punic, rồi một giai đoạn Pax Romana, kế đến là những thời kỳ Kitô giáo và Hồi giáo. Bên cạnh đó, một chương duy nhất viết về Cận Sahara tiền phương Tây xuất hiện với dung lượng khoảng 10 trang. Đó là tất cả những gì 4.500 năm lịch sử lục địa Đen có được trước khi người phương Tây xuất hiện.

Người châu Âu hiện diện dày đặc trong cuốn sách như là nội dung chính. Quả thật, từ chương 10 trở đi, từ thời điểm người Bồ Đào Nha bắt đầu thám hiểm ven theo bờ Tây Phi, cuốn sách gần như chỉ viết về những gì mà người phương Tây đã làm ở châu Phi. Mặc dù đôi khi điểm xuyết bằng một số chương về những thế lực phi “Tây phương” khác như Ottoman, Mamluk hay một vài thế lực Ả Rập thì cuối cùng, mỉa mai thay, cuốn sách càng chứng tỏ người châu Phi hiếm khi là nhân vật chính trong lịch sử của chính châu lục này. Những cư dân của châu Phi chẳng qua là những kẻ bị động, đứng ngoài lề trong câu chuyện của mình, như những đối tượng minh họa cho hành động của những thế lực bên ngoài. Ngay cả khi vớt vát được một số trường hợp hiếm hoi người châu Phi là nhân vật chính trong một chương nào đó sau chương 10 đi chăng nữa, thì hiếm khi đó là một người da đen.

Ngay cả sự hiện diện dày đặc của người châu Âu trong cuốn sách cũng mất cân bằng về nội dung. Trong 500 năm phương Tây hiện diện tại châu Phi, cuốn sách đặt trọng tâm chủ yếu vào thế kỷ XIX, thời điểm các cường quốc thực dân châu Âu chia nhau xâu xé lục địa Đen: từ việc người Anh bảo hộ Ai Cập, Sudan, Nam Phi..; người Pháp can thiệp vào Bắc Phi, Trung Phi; người Đức chinh phục Đông Phi; hay vua Leopold II của Bỉ cố gắng biến Congo trở thành tài sản của riêng mình... Tất cả những nội dung đó chiếm đến một nửa dung lượng của cuốn sách.

Cuốn sách cũng cho thấy sự thiếu hụt thông tin mà tác giả thể hiện khi viết về lịch sử châu Phi sau năm 1900. Dường như Meredith đã dồn toàn bộ trí lực của mình vào cuộc chinh phục châu Phi của người châu Âu, nên ông chỉ còn có thể dành ít quan tâm cho những gì diễn ra sau năm 1900.

Không chỉ vậy, chuyên môn về Nam Phi của bản thân Meredith càng khiến cho nội dung cuốn sách mất cân bằng hơn. Không có khu vực hay quốc gia nào ở châu Phi được đề cập trong cuốn sách này nhiều như Nam Phi, được mô tả trong hơn 10 chương sách.

Dù quả thực, những ảnh hưởng của người châu Âu hay người Ả Rập để lại đến nay vẫn còn rất đậm nét lên lịch sử châu Phi, không có nhẽ nào toàn bộ lịch sử châu lục lại chỉ xoay quanh 500 năm của thời kỳ cận đại? Nó cũng không chỉ xoay quanh quá trình các thế lực bên ngoài khai thác, bóc lột tài nguyên và con người nơi đây. Có rất nhiều vấn đề lịch sử châu Phi đã bị tác giả khái lược hay bỏ qua, ví dụ như các nhà nước châu Phi cổ trung đại, thương mại xuyên lục địa, quá trình giải thực dân v.v… đặc biệt là những tác động to lớn mà châu Phi đã để lại trong lịch sử thế giới nói chung. Sự lựa chọn này của tác giả có thể có chủ đích, nhưng việc bỏ qua vai trò chủ động của người châu Phi sống trên nhiều phần rộng lớn của châu lục khỏi lịch sử của mình có thể tạo ra những ấn tượng sai lầm nơi độc giả, điều mà một cuốn sách có quy mô tham vọng như thế này nhất thiết không nên mắc phải.

Một cách giải thích khác về cuốn sách cũng có thể được tính đến, nằm ở tiêu đề của cuốn sách - The Fortunes of Africa. “Fortunes” có thể là sự thịnh vượng, nhưng cũng có thể là “số phận” hay “vận mệnh”. Đây có thể là cách chơi chữ của tác giả. Phải chăng thay vì viết về lịch sử năm thiên niên kỷ của châu lục Đen, Martin Meredith đang hàm ý nhấn mạnh vận mệnh của châu Phi như một nơi luôn bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó, chiếm giữ và khai thác? Nếu đúng như thế thì cuốn sách tiếp tục đi vào lối mòn với quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm, viết lịch sử châu Phi xuất phát từ quan điểm châu Âu và người bên ngoài châu Phi.
Tuy nhiên, The Fortunes of Africa không phải không có những giá trị nhất định của nó.

Thứ nhất, Meredith, trong quá trình biên soạn cuốn sách, đã cung cấp một danh mục tài liệu tham khảo cho những độc giả muốn tìm hiểu sâu hơn theo từng chủ đề hay giai đoạn của lịch sử châu Phi, với 500 nguồn tư liệu thứ cấp và những ghi chú ngắn gọn nguồn tư liệu cho mỗi chương.

Thứ hai, trong nỗ lực bảo đảm mô tả đầy đủ lịch sử của mọi khu vực châu Phi, Meredith đã phân chia châu lục này thành ba vùng chính mà ông tiếp tục diễn giải theo trình tự thời gian. Đầu tiên là Bắc Phi với các nền văn minh cổ sơ của nó. Sau đó đến Nam Phi, với sự hiện diện của các nhà phát kiến và thực dân phương Tây. Cuối cùng, khu vực Trung Phi, nơi được khai phá muộn nhất và cũng là nơi bị bóc lột nhất bởi sở hữu nhiều mặt hàng có giá trị cao như nô lệ, ngà voi và cao su.

Thứ ba, cuốn sách cho thấy một thực tế rõ ràng là ngay từ thời kỳ đầu của văn minh nhân loại, châu Phi - với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và nguồn nhân lực sẵn có - luôn trở thành miếng mồi ngon mà mọi thế lực bên ngoài đều thèm muốn và khao khát chiếm lĩnh. Điều đó vẫn đúng cho đến ngày hôm nay.

Thứ tư, khối lượng thông tin dày đặc trong cuốn sách giúp độc giả phổ thông có thể nắm được những thông tin tổng quát, chung nhất về lịch sử châu lục Đen, đặc biệt là giai đoạn những năm 1800-1899.

Một vấn đề cần lưu tâm với bản dịch cuốn sách này là việc thiếu quá trình hiệu đính có thể dẫn đến những sai sót nghiêm trọng trong nội dung. Ví dụ, ở chương V, khi nhắc đến việc Ai Cập cung cấp đến 100.000 tấn “ngô” mỗi năm cho thành Rome vào thế kỷ I hay việc mỗi năm châu Phi thuộc La Mã cung cấp nửa triệu tấn “ngô” cho chính quốc trong khoảng hơn ba trăm năm (tr.73). Trên thực tế, từ “corn” được sử dụng trong sách để chỉ “ngũ cốc” chứ không phải cây ngô - vốn chỉ xuất hiện ở Cựu Thế giới sau các phát kiến địa lý cuối thế kỷ XV.

Bỏ qua những thiếu sót về nội dung và những sai sót về dịch thuật, The Fortunes of Africa vẫn là một cuốn sách nên đọc đối với các độc giả không chuyên mong muốn tìm hiểu về lịch sử lục địa Đen.