Bộ xương của một người sống cách đây khoảng 31.000 năm, được tìm thấy trên đảo Borneo, Indonesia, mang dấu ấn của việc cố ý cắt bỏ một phần cẳng chân trái. Đây là bằng chứng sớm nhất được biết đến về phẫu thuật cắt chi.

Trước đây, bộ xương cổ nhất từng được phẫu thuật cắt chi có niên đại 20.000 năm; các dấu vết cho thấy cá thể này đã sống thêm vài năm sau cuộc phẫu thuật. Phát hiện mới về bộ xương 31.000 năm tuổi, công bố vào ngày 7/9 trên tạp chí Nature, cho thấy một số người cổ đại đã thực hiện các thủ thuật y tế phức tạp sớm hơn nhiều so với những hiểu biết trước đây.

Các nhà khảo cổ từng mô tả Đông Nam Á là “vùng trũng văn hóa”, nhà khảo cổ học India Dilkes-Hall tại Đại học Tây Úc, đồng tác giả nghiên cứu mới, nói. “Luôn luôn có một ấn tượng sai lầm rằng không có nhiều điều xảy ra ở đó." Khám phá mới càng khẳng định thực tế không phải như vậy, và những người sống ở Borneo hàng chục nghìn năm trước đã có kỹ năng y học cao. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy đây là một khu vực phức tạp, Dilkes-Hall nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy bộ xương 31.000 năm tuổi này trong một hang động đá vôi ở phía đông của đảo Borneo. Bộ xương nằm trong mộ hoàn chỉnh một cách đáng kinh ngạc, ngoại trừ chân trái.

Xác định niên đại của than củi ở các lớp bên trên, bên dưới và bên trong ngôi mộ bằng carbon phóng xạ, cũng như phân tích uranium và bức xạ trong một trong những chiếc răng của bộ xương, cho thấy người đó đã chết từ 31.201 đến 30.714 năm trước. Ước tính, người này qua đời ở độ tuổi 19 hoặc 20. Nhóm nghiên cứu không thể xác định giới tính, nhưng chiều cao có vẻ như tương đồng với nam giới sống ở thời điểm và địa điểm đó.

Người này bị mất một phần ba chân trái. Đoạn kết thúc ở xương chày và xương mác là một vết cắt phẳng và gọn. Mức độ chính xác này cho thấy rằng chi không bị mất trong một vụ tai nạn hoặc một cuộc tấn công của động vật, mà do cố tình cắt bỏ. Xương không có dấu vết nhiễm trùng, cho thấy rằng vết thương đã được làm sạch và bảo vệ khỏi ô nhiễm. Hơn nữa, kích thước nhỏ của xương chày và xương mác bên trái so với bên phải và sự lành lại của xương cho thấy việc cắt cụt xảy ra trong thời thơ ấu và đã xảy ra ít nhất sáu đến chín năm trước khi chết.

Xương chày trái (hai ảnh bên trái) và xương mác bên trái của một người sống cách đây 31 nghìn năm cho thấy các vị trí cắt cụt đã lành.

“Đó là một khám phá đáng kinh ngạc”, nhà khảo cổ học sinh học Cécile Buquet-Marcon tại Viện Nghiên cứu Khảo cổ học bảo tồn Quốc gia Pháp, mói. Năm 2007, Buquet-Marcon đã mô tả việc cắt cụt chi của một người xảy ra cách đây 7.000 năm; vào thời điểm đó, phát hiện của nhóm Buquet-Marcon là bằng chứng cổ nhất về loại phẫu thuật này. Việc cá nhân ở Borne sống sót rất lâu sau ca phẫu thuật cho thấy sự chăm sóc và kỹ năng y tế của cộng đồng.

Hình minh họa một người tiền sử bị cụt một phần chân trái từ thời thơ ấu.

Các bằng chứng về sự cư trú sớm của con người ở Borneo đặc biệt quan trọng đối với các nhà khảo cổ học Indonesia, và rất có thể nghiên cứu này sẽ thúc đẩy UNESCO công nhận khu vực Bán đảo Sangkulirang – Mangkalihat, nơi tìm thấy hài cốt và cũng là nơi từng tìm thấy tác phẩm nghệ thuật trên đá 40.000 năm tuổi, là Di sản Thế giới.

Các nhà khảo cổ học đánh giá cao phát hiện mới không chỉ vì sự nghiên cứu tỉ mỉ, mà còn vì sự cộng tác với chính quyền và người dân địa phương. Một số đồng tác giả của nghiên cứu là người Indonesia.

“Khảo cổ học từng là một lĩnh vực mà trong hầu hết các nghiên cứu, người châu Âu sẽ đến và đánh cắp kiến ​​thức bản địa. Trong 10–15 năm qua, mọi thứ đang thay đổi”, nhà khảo cổ học Sofía Samper Carro tại Đại học Quốc gia Úc, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.

Nguồn: