Một nghiên cứu mới cho thấy trong muỗi có hai hormone hoạt động đồng thời, kích thích hoặc ức chế muỗi hút máu người và các vật chủ khác.

Trên khắp thế giới có khoảng 3.500 loài muỗi, chúng vo ve trên mọi lục địa, ngoại trừ Nam Cực. Muỗi cái hút máu động vật để hỗ trợ trứng phát triển. Tuy nhiên, sau khi hút máu, muỗi cái mất đi cơn thèm máu cho tới khi chúng đẻ trứng.

Nhà côn trùng học Michael Strand thuộc Đại học Georgia, Athens, Mỹ, muốn biết cơ chế nào kiểm soát chu kỳ này. Trong quá trình nghiên cứu, ông nhận thấy nồng độ của một loại hormone trong ruột muỗi có tên F(NPF) tăng vọt khi chúng tìm kiếm vật chủ và giảm mạnh sau khi chúng hút máu xong.

Điều này thúc đẩy Strand phân tích sâu hơn các tế bào nội tiết ruột, những tế bào đảm nhận việc sản xuất hormone ruột. Cùng đồng nghiệp, ông đã phát hiện nồng độ của hormone NPF trong muỗi tăng vọt trước khi hút máu rồi giảm xuống sau đó sáu tiếng. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện nồng độ NPF ảnh hưởng tới việc muỗi vo ve bên cạnh người - chúng không còn thèm khát máu người sau khi đã hút no nê, nhưng sẽ lao thẳng tới chỗ người sau khi đã đẻ trứng.

Họ còn phát hiện một hormone trong ruột khác có tên RYamide, ảnh hưởng tới việc muỗi hút máu người. Khi nồng độ NPF giảm xuống sau bữa tiệc máu, nồng độ RYamide sẽ tăng lên, và ngược lại. Do đó, nhóm tác giả phỏng đoán rằng NPF và RYamide hoạt động cùng nhau để kích thích và ức chế muỗi hút máu người và các vật chủ khác.

Muỗi Aedes aegypti có thể lây nhiễm virus Zika, sốt xuất huyết, chikungunya và các loại virus khác. Nguồn: CDC
Muỗi Aedes aegypti có thể lây nhiễm virus Zika, sốt xuất huyết, chikungunya và các loại virus khác. Nguồn: CDC

Dù nhỏ bé, muỗi là sinh vật nguy hiểm nhất hành tinh. Chúng là vật trung gian lan truyền các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, virus Tây sông Nile, Zika, chikungunya (bệnh do virus truyền sang người do vết đốt của muỗi vằn Aedes bị nhiễm bệnh) và bệnh phù chân voi – lấy đi mạng sống của con người nhiều hơn bất kỳ sinh vật nào.

Trên thực tế, cùng với biến đổi khí hậu, muỗi đang xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết, các căn bệnh như sốt xuất huyết đang lan tới những khu vực trước đây không có muỗi do quá lạnh.

Trong bối cảnh các nhà khoa học đang không ngừng nghiên cứu tìm cách đánh bại các căn bệnh do muỗi truyền nhiễm, nghiên cứu này sẽ là một trợ lực lớn.

“Phát hiện này đặt ra các mục tiêu mới cho thuốc diệt côn trùng, ngăn chặn muỗi sinh sản và truyền bệnh”, Zhen Zou, nhà côn trùng học tại Viện Động vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Bắc Kinh, trả lờiNature.

Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.


Nguồn: