Năm 2023, tình hình địa chính trị tác động lên mọi mặt của lĩnh vực giáo dục đại học: nghiên cứu, tự do học thuật, quốc tế hóa, tính di động của sinh viên và giảng viên. Bài viết dưới đây điểm lại 5 xu hướng nổi bật của giáo dục đại học năm qua.
Cần phải nói rằng, không một xu hướng nào ngẫu nhiên xuất hiện, mà đều tiếp nối từ năm cũ và sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong tương lai.
1. Các đại học học cách sống chung với AI tạo sinh
Kể từ khi ChatGPT chính thức được giới thiệu đến công chúng vào cuối năm 2022, hàng loạt tham luận, hội thảo ở nhiều cấp độ đã được tổ chức ở khắp nơi để bàn về tương lai của nền tảng này và các công cụ AI tạo sinh (Generative AI) khác trong giáo dục đại học.
Bộ Giáo dục Vương quốc Anh cũng đã tiến hành khảo sát riêng với giảng viên và nhận hơn 500 phản hồi về cách sử dụng AI tạo sinh. Lưu ý rằng các giảng viên tự nguyện tham gia khảo sát, vì vậy hầu hết đều là những người sớm áp dụng AI tạo sinh với quan điểm tích cực và công dụng thật sự trong giảng dạy chứ không chỉ dừng ở mức độ tiềm năng. Các giảng viên sử dụng AI tạo sinh để tạo ra các tài nguyên giáo dục, soạn giáo án, đơn giản hóa công việc hành chính, tự động hóa việc chấm điểm, cũng như thu thập phản hồi của học sinh. Khảo sát ghi nhận sự lạc quan chung về việc sử dụng AI tạo sinh trong giáo dục để giải phóng thời gian của giảng viên. Tuy nhiên, các giảng viên cũng mong muốn nhiều hỗ trợ và hướng dẫn hơn từ chính phủ, để áp dụng AI tạo sinh an toàn và hiệu quả, bao gồm đào tạo, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, quy định bảo vệ dữ liệu cũng như cải cách chương trình giảng dạy và đánh giá.
2. Sinh viên quốc tế di chuyển sau COVID-19: tăng trưởng nhưng không bền vững
Năm 2023 đánh dấu sự phục hồi của sinh viên quốc tế sau COVID-19. Gần 1.1 triệu sinh viên quốc tế từ hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ đã theo học tại các cơ sở giáo dục đại học Mỹ trong năm học 2022-23, tăng 12% so với năm học trước. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 40 năm qua, và vượt mức trước đại dịch.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Hồng Kông, trong năm nay đều đã ban hành hoặc đang phát triển kế hoạch tăng số lượng sinh viên nước ngoài đến học tập. Từ một nước vốn có truyền thống “gửi” sinh viên đi học, nay Hàn Quốc đã vượt mốc nhận hơn 200.000 sinh viên nước ngoài, cho thấy quốc gia này đang dần trở thành một trung tâm giáo dục đại học trong khu vực.
Việc mở phân hiệu đại học quốc tế ở hai thị trường lớn nhất châu Á cũng đang dần được bật đèn xanh. Các đại học hàng đầu của Úc đang chuẩn bị mở phân hiệu ở Ấn Độ, sau khi cơ quan quản lý giáo dục đại học nước này chính thức ban hành quy chế liên quan.
Tại Trung Quốc, Đại học Khoa học Ứng dụng Bielefeld của Đức trở thành trường đại học nước ngoài đầu tiên mở một phân hiệu độc lập ở tỉnh Hải Nam, nhờ vào điều kiện pháp lý đặc biệt của đặc khu kinh tế tỉnh Hải Nam. Trường đã hoàn thành tuyển sinh lứa đầu tiên với 140 sinh viên cho hai ngành học. Ở các tỉnh khác, các chương trình đại học quốc tế phải được triển khai dưới sự lãnh đạo của các trường đại học nội địa Trung Quốc.
Tại Đức, chính phủ và phe đối lập ủng hộ việc thu hút sinh viên và giảng viên quốc tế, xuất phát từ nhu cầu về người nhập cư có tay nghề.
Vài năm trước, Đan Mạch đã quyết định tạm dừng tuyển sinh sinh viên quốc tế. Nhưng gần đây, chính phủ muốn thu hút sinh viên quốc tế với hy vọng tăng tỷ lệ ở lại của họ và từ đó lấp đầy chỗ trống nhân lực chất lượng cao.
Ở Pháp đang có lời kêu gọi tăng số lượng và đa dạng hóa lượng sinh viên mới nhập học.
Đáng chú ý, sinh viên Ấn Độ đang dần thay thế sinh viên Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng cho ngành giáo dục đại học ở Mỹ, Úc, Canada, Anh sau đại dịch. Tuy nhiên, vấn đề thị thực lại trở nên nhức nhối. Chẳng hạn, nhiều đại học Úc không nhận sinh viên Ấn Độ do “các gian lận hồ sơ và tỷ lệ bỏ học cao”. Ở Vương quốc Anh, sau khi số thị thực cấp cho người phụ thuộc của sinh viên quốc tế đạt đến con số kỷ lục trong năm 2022, kể từ năm 2023, sinh viên quốc tế không được mang theo thành viên gia đình, trừ khi tham gia các khóa nghiên cứu sau đại học. Chính phủ Canada cũng yêu cầu sinh viên quốc tế cần nhiều chứng minh tài chính để xin thị thực. Nói rộng ra, luồng di chuyển của sinh viên trên thế giới rất có thể sẽ bị tác động đáng kể bởi các chính sách nhập cư mới. Chưa kể đến tình trạng lạm phát, khan hiếm nhà cửa đang diễn ra ở các điểm đến quen thuộc của sinh viên quốc tế. Do đó, năm 2024 có thể chứng kiến sinh viên ưu tiên học tại các quốc gia lân cận hoặc xu hướng mở campus tại nước ngoài càng tăng.
3. Các nền giáo dục và khoa học “hướng nội” và cảnh giác hơn
Khắp châu Âu, các đảng cực hữu dân tộc dân túy đang gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở các chính quyền Ý, Hungary, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển, Hy Lạp; hoặc đạt được những thành tựu nổi bật trong các cuộc bầu cử khu vực ở Áo, Đức, Slovakia, và Pháp. Điều này có thể tác động sâu sắc đến các trường đại học khi mà vấn đề tài trợ, giảng dạy và nghiên cứu, nhân tài luôn nằm trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo và đảng phái mới. Ví dụ, chiến thắng của Đảng vì Tự do cực hữu ở Hà Lan có một phần nghị sự quan trọng về việc ngừng giảng dạy bằng tiếng Anh trong giáo dục đại học và giảm mạnh số lượng người nhập cư, bao gồm cả giảm 80% lượng sinh viên quốc tế.
Ở Châu Á Thái Bình Dương, dễ dàng quan sát thấy những tác động thật sự của xu hướng dân túy và thu mình. Chính phủ Úc vừa ra mắt chính sách nhập cư mới khiến sinh viên khó xin định cư và xin thị thực tìm việc sau tốt nghiệp hơn kể từ năm 2024. Chính phủ liên bang đã hủy bỏ việc gia hạn quyền làm việc sau tốt nghiệp mà họ công bố cách đây 15 tháng, đồng thời cắt giảm giới hạn độ tuổi đối với những người xin thị thực tốt nghiệp tạm thời từ 50 xuống 35.
Chủ nghĩa dân tộc tiếp tục lên cao ở Ấn Độ trong năm nay. Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ loại bỏ nhiều giải thưởng, học bổng, và đại học khoa học, nhưng vẫn tài trợ cho Lễ hội Khoa học Quốc tế Ấn Độ nhằm quảng bá khoa học swadeshi (Ấn Độ cổ). Nhiều nhà khoa học hàng đầu của quốc gia này cũng “góp gió” nhằm nhận được ưu ái từ chính phủ. Ví dụ, nhà khoa học tên lửa của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ tuyên bố rằng người Vệ Đà ở Ấn Độ cổ đại đã biết cách chế tạo máy bay. Một nhà khoa học máy tính nổi tiếng khác rao giảng Einstein là một kẻ lừa đảo, phương Tây đã đánh cắp vi tích phân từ Ấn Độ.
Ở Trung Quốc, một số trường rút khỏi xếp hạng QS và Times Higher Education hay loại bỏ tiếng Anh ra khỏi yêu cầu tốt nghiệp của sinh viên. Và kể từ sau đại dịch, Chủ tịch Tập Cận Bình càng coi trọng việc xây dựng sức mạnh trong nước về nghiên cứu và khoa học, và kêu gọi các trường đại học trong nước hãy “bám rễ sâu” vào Trung Quốc. Trong khi đó, xung đột chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây đã khiến các nước cảnh giác với sự hợp tác quốc tế và khiến giới học thuật Trung Quốc hướng nội hơn. Dữ liệu từ Nature Index cho thấy các tác giả Trung Quốc ngày càng xuất bản nhiều công bố “thuần nội địa”, không có tác giả/đồng nghiệp quốc tế.
4. Tự do học thuật bị đe dọa ở nhiều nơi
Cuối cùng, liên quan sát sườn đến xu hướng chính trị dân tộc chủ nghĩa và dân túy là sự đi lùi của tự do học thuật.
Ngày 23/11 vừa rồi, Úc dự kiến sửa đổi luật về an ninh nghiên cứu mang tính bài ngoại mà không lấy ý kiến từ cộng đồng khoa học. Theo đó, các nhà khoa học Úc có thể đối mặt với án hình sự và phạt tù nếu họ chia sẻ bất kỳ thông tin nào về nghiên cứu với đối tượng bên ngoài nhóm nghiên cứu mà không có giấy phép của Bộ Quốc phòng. Việc này không tránh khỏi cảnh báo của giới học thuật rằng nền khoa học Úc sẽ chỉ đi lùi trong nỗ lực trở thành nhà phát triển hàng đầu về các công nghệ và sáng tạo.
Đầu năm nay, chính phủ Thụy Điển đã quyết định rút ngắn nhiệm kỳ của các thành viên bên ngoài hội đồng trường đại học từ 3 năm xuống còn 17 tháng. Lý do được viện dẫn là các trường cần “thay máu” hội đồng quản trị nhanh hơn để giải quyết các mối đe dọa an ninh mới. Cả Hiệp hội Các tổ chức giáo dục đại học Thụy Điển SUHF và Hiệp hội đại học Châu Âu EUA đều lên án quyết định này vì nó thể hiện sự can thiệp quá mức vào công tác quản lý của các trường đại học.
5. Tẩy chay xếp hạng, định nghĩa lại chất lượng nghiên cứu, và thúc đẩy khoa học mở
Cuối tháng 10, Chris Brink - hiệu trưởng ĐH Newcastle có một bài xã luận trên University World News: “Bảng xếp hạng Đại học: Gió bắt đầu đổi chiều”. Cơn sóng này đã âm ỉ nhiều năm nay khi những nhà nghiên cứu đầu tiên như Anthony F. J. Van Raan chỉ trích phương pháp kém cỏi và tác động tiêu cực của các bảng xếp hạng đại học quốc tế từ năm 2005. Nhưng những lời chỉ trích này giờ đây dường như đang chuyển hóa thành những hành động dứt khoát. ĐH Utrecht đã rút khỏi tất cả các hoạt động xếp hạng. Đây không phải là trường hợp đầu tiên nhưng là lần đầu một cơ sở đại học chưa bao giờ rớt khỏi tốp 100 đại học hàng đầu thế giới làm như vậy, và có vẻ sự kiện này sẽ kéo theo nhiều trường đại học khác ở Hà Lan làm theo.
Các tổ chức và hiệp hội cũng đang cứng rắn hơn. Năm ngoái, “Thỏa thuận về Đánh giá Nghiên cứu Cải cách” của Liên minh Nâng cao Đánh giá Nghiên cứu CoARA hay sáng kiến More Than Our Rank đều mong muốn các đại học tham gia cam kết tránh sử dụng các xếp hạng để đưa ra các quyết định và đánh giá các nhà nghiên cứu. Năm nay, Hiệp hội các trường Đại học Hà Lan UNL hay Hiệp hội các trường đại học Châu Âu EUA đại diện cho 850 trường, và nhóm chuyên gia của Đại học Liên Hợp Quốc đều khuyến cáo các trường không nên theo đuổi các mục tiêu xếp hạng đại học. Nhóm chuyên gia cho rằng các xếp hạng đại học có tính thuộc địa. Quan điểm này cũng là một trong tám kết luận của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục của các quốc gia BRICS vào tháng Bảy, rằng các bảng xếp hạng không được thiết kế một cách có lợi cho các đại học từ các quốc gia đang phát triển và mất đi các chuẩn mực đề cao hợp tác, chia sẻ, và đoàn kết. Không chỉ ở mức độ cộng đồng khoa học và chính phủ, Hội Sinh viên Ireland đang kêu gọi lãnh đạo các trường rút khỏi những bảng xếp hạng không phù hợp.
Có thể thấy, một phần không thể tách rời với tẩy chay xếp hạng đại học trong các khuyến nghị và kêu gọi nói trên là việc “xét lại” cách đánh giá nghiên cứu. Sự nhấn mạnh thái quá vào các chỉ số đầu ra có thể định lượng được (số lượng công bố, số trích dẫn, chỉ số H, và hệ số tác động của tạp chí) là một trong những nguyên nhân đảo lộn sự cân bằng giữa các lĩnh vực học thuật. Các trường đại học và các chính sách quốc gia theo đuổi vị trí xếp hạng cao rất dễ coi công bố và trích dẫn là yếu tố chính để đánh giá các nhà khoa học. Các nhà khoa học đang xem xét phát triển hệ thống đánh giá toàn diện và nhấn mạnh vào chất (chứ không phải lượng) của nghiên cứu, đồng thời phản ánh bối cảnh địa phương của mỗi quốc gia.
Việc phát triển hệ thống thay thế này hướng tới khoa học mở không rào cản. Mỹ gọi năm 2023 là năm của Open Science. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc gần đây đã ra mắt PubScholar, một cơ sở dữ liệu học thuật cung cấp quyền truy cập miễn phí vào khoảng 170 triệu tài nguyên khoa học. Vẫn còn qua sớm để khẳng định tầm ảnh hưởng của PubScholar nhưng rõ ràng động thái này đã gieo một hạt giống thách thức sự thống trị nhiều năm của nền tảng độc quyền bấy lâu nay là CNKI.