Tiết kiệm điện, chủ động về công thức làm kem
Nói về lý do chế tạo sản phẩm trên, sinh viên Nguyễn Văn Đoàn - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết, các máy làm kem đôi hai chảo trên thị trường Việt Nam hiện sử dụng hai máy nén nên tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngoài ra, do được nhập khẩu với giá rất cao từ Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... nên chúng gây bất tiện và tốn kém trong bảo dưỡng, bảo hành.
Năm 2015, ThS Đỗ Cao Trung - giảng viên bộ môn Tự động hóa và Điều khiển quá trình nhiệt, lạnh - nhận được đơn đặt hàng sản xuất máy làm kem cuộn. Cho rằng máy đôi chỉ là hai máy đơn ghép lại, ông đặt vấn đề tại sao không làm 2 mâm một máy nén để tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Nhóm sinh viên lớp kỹ thuật nhiệt - điện lạnh K57 trình diễn cách vận hành máy làm kem cuộn của mình. Ảnh: Kim Chi -CCPR.
Đây chính là thời điểm nhóm sinh viên lớp kỹ thuật nhiệt - điện lạnh K57 gồm Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Thanh Nam, Lê Duy Tuấn Anh, Nguyễn Đình Thăng và Phạm Tùng Lâm xin thực tập với thầy Trung và được mời tham gia chế tạo máy làm kem cuộn. “Cả thầy và trò đều nhận thấy việc dùng hai mâm một máy nén sẽ giúp giảm giá thành khoảng 3,5 triệu đồng. Cả nhóm hướng đến việc tính toán, thiết kế để chế tạo thiết bị làm kem chỉ cần một máy nén” - Đoàn chia sẻ
Đầu tháng 1/2016, họ bắt tay vào nghiên cứu và quyết định thuê nhà kho cũ ở xưởng cạnh trường. “Điện, nước, bàn ghế, vật tư, thiết bị làm việc ở nhà kho gần như không có nên công việc khá khó khăn. Chúng tôi thường phải mua thêm hay mượn trang thiết bị của các xưởng bên cạnh” - Đoàn kể.
Điều thuận lợi là nhóm được các thầy trong bộ môn Điều khiển tự động nhiệt tình giúp đỡ. Kinh phí cũng được đơn vị đặt hàng cấp kịp thời. ThS Trung chia sẻ: “Các em đều có nền tảng kiến thức vững nên rất nhạy bén khi tiếp cận công nghệ”.
Theo sinh viên Phạm Tùng Lâm, giai đoạn đầu, sau khi nghiên cứu sơ đồ lạnh, sơ đồ điện, nhóm gặp khó khăn trong việc dùng thiếc để hàn, gắn ống đồng vào mặt lạnh làm bằng inox. “Phải mất vài ngày chạy đi hỏi nhiều quán hàn thiếc, chúng tôi mới tìm ra cách giải quyết vấn đề này” - Lâm nói.
Nhóm nghiên cứu cho biết, nguyên lý hoạt động của máy tương tự máy điều hòa với phương thức dẫn nhiệt từ ống đồng lên làm lạnh mâm. Do chỉ dùng một máy nén nên máy tiết kiệm điện hiệu quả. Khi làm kem, chỉ cần phủ lớp hỗn hợp nguyên liệu lên mâm. Hơi lạnh ở dưới truyền lên và trong 3-5 phút, nhiệt độ làm lạnh đạt mức dưới -100C, biến nguyên liệu thành kem.
Hình dạng kem cuộn và tỷ lệ nước, sữa, hoa quả được điều chỉnh theo ý muốn của người vận hành. Theo ThS Trung, điều này giúp người sản xuất không phụ thuộc vào nguồn cung cấp bột kem từ phía bán máy.
“Chiếc máy làm kem cuộn đôi của nhóm đã đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, thẩm mỹ và an toàn thực phẩm” - thầy Trung nói. Nhờ đó, số hợp đồng đặt hàng ngày càng tăng, hiện nhóm đã bán được hơn 50 chiếc. Giá mỗi chiếc 15 triệu đồng.
Tiếp tục cải tiến
ThS Đỗ Cao Trung cho biết, ngoài máy làm kem đôi, nhóm nghiên cứu sinh viên này còn làm máy đơn với cấu trúc tương tự máy nhập khẩu. Nhóm vẫn tiếp tục theo dõi và tiếp nhận phản hồi, đồng thời tìm kiếm thêm khách hàng.
“Khách hàng của chúng tôi chia sẻ rằng máy vận hành tốt, dùng liên tục đến cuối ngày vẫn chạy “ngon” hơn máy nhập, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, họ cũng phản ánh máy chậm khởi động và nhiều khi tạo tiếng ồn lớn. Chúng tôi đang khắc phục các khiếm khuyết này” - ThS Trung nói.
Ông Trịnh Xuân - một vị khách mua máy cuộn kem đến từ Tây Ninh - rất ấn tượng với sản phẩm, nhưng băn khoăn về chính sách bảo hành. Nhận thức được đây cũng là sự quan tâm của nhiều khách hàng khác, nhóm đang xây dựng các chính sách bảo hành, bảo dưỡng.
Sinh viên Nguyễn Thành Nam tiết lộ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu chế tạo máy làm kem gia đình với tính năng tương tự nhưng nhỏ gọn và giá mềm hơn, phù hợp với các buổi liên hoan, du lịch. Với máy làm kem cuộn cho các nhà hàng sang trọng, chúng tôi chú trọng mẫu mã, bổ sung khả năng tự động hóa về nhiệt độ, vật liệu, thêm màn hình thao tác thay cho nút bấm”.
Nam cũng cho biết, nhóm đang có ý tưởng phát triển một số thiết bị sấy hoa quả phù hợp với điều kiện Việt Nam do nhận thấy nhu cầu hoa quả sấy đang tăng mạnh, trong khi nước ta có lượng nông sản lớn nhưng thiếu công nghệ và điều kiện để bảo quản được lâu. “Chúng tôi muốn sản phẩm này giúp tăng thu nhập cho người nông dân” - Nam nói.