Tháng năm vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, có trụ sở tại Paris, nơi duy trì cơ sở dữ liệu trung tâm về thống kê khoa học và công nghệ cho phần lớn thế giới, đã lặng lẽ đăng thông báo trực tuyến rằng họ chưa thể xuất bản số liệu thống kê về R&D hằng năm của Trung Quốc kể từ năm 2019. Lý do: vì có những “sự bất thường” trong dữ liệu do Bắc Kinh báo cáo cho tổ chức này.
Sự bất thường liên quan đến báo cáo của Trung Quốc với OECD vào tháng hai năm nay có những số liệu không “nhất quán”. Khối không chế biến chế tạo đã tăng chi tiêu cho R&D lên tới 99% trong năm 2020, mặc dù R&D cho chế biến chế tạo của nước này giảm 1,4% - hai con số quá cách biệt này rất khó có thể xảy ra trong cùng năm.
OECD cho biết họ chưa nhận được lời giải thích chi tiết từ Trung Quốc và từ chối bình luận thêm gì ngoài việc họ đã công bố trên trang web thống kê của họ về việc tạm dừng công bố số liệu đầu tư cho R&D của Trung Quốc.
Bình luận về vấn đề này, một quan chức Trung Quốc – ông trả lời với tư cách cá nhân là một chuyên gia về thống kê khoa học và công nghệ chứ không phải là người phát ngôn cho chính phủ – cho rằng vấn đề có thể một phần là do một số sai sót trong một số số liệu mà Trung Quốc đã cung cấp.
Cả OECD và “Phía Trung Quốc đang kiểm tra dữ liệu,” Changlin Gao, cố vấn trưởng về khoa học và công nghệ tại Phái đoàn Trung Quốc tại EU cho biết. “Nhưng không biết sẽ mất bao lâu” để giải quyết vấn đề.
Có những điểm khác biệt trong thống kêTừ lâu các nhà thống kê đã nhận thấy rằng các quốc gia khác nhau tính các chỉ số khoa học và công nghệ theo cách khác nhau. Ví dụ, mới năm ngoái, văn phòng thống kê của Anh tuyên bố họ đang sửa đổi các con số chi tiêu cho R&D của doanh nghiệp nhỏ. Mỗi lần thay đổi như vậy sẽ đòi hỏi các nhà thống kê phải cập nhật, điều chỉnh.
Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, việc dung hòa các con số thậm chí còn khó hơn vì cách thức quản lý, đầu tư, cũng như cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc khác biệt so với các nền kinh tế ở phương Tây.
“Trung Quốc không tính R&D theo cách mà các nước OECD tính,” Caroline Wagner, phó giáo sư tại Đại học bang Ohio, cho biết. Ví dụ, ở Trung Quốc, chính phủ có nhiều quyền kiểm soát các công ty công nghệ lớn hơn ở phương Tây, vì vậy không phải lúc nào cũng rõ ràng bao nhiêu khoản chi cho R&D thực sự đến từ chính phủ hay khu vực tư nhân.Tương tự như vậy, các nhà phân tích phương Tây gặp khó khăn trong việc phân loại chi tiêu cho R&D của các viện nghiên cứu khoa học Trung Quốc.
Năm 2018, tổng chi tiêu cho R&D của Trung Quốc đã tăng gấp 11 lần so với năm 2000, đạt 464 tỷ USD, tương đương 2,14% tổng sản phẩm quốc nội.
|
Tất nhiên, OECD cố gắng phân tích tất cả những con số khác biệt này và lâu nay vẫn phân tích đối chiếu tổng hợp số liệu thống kê từ 38 quốc gia thành viên, cộng với quốc gia được quan tâm đặc biệt là Trung Quốc. Đối với thống kê khoa học và công nghệ, OECD có các hướng dẫn chi tiết trong một cẩm nang hướng dẫn. Cẩm nang này cũng đã được dịch sang tiếng Trung và họ cũng theo dõi cẩm nang này trước những lần gửi báo cáo số liệu đi OECD.
Nhưng trong trường hợp này, Gao nói, ông hiểu rằng có “những sai sót” trong Niên giám Thống kê Khoa học và Công nghệ mới nhất của Trung Quốc.
Liên quan đến thống kê cho R&D lần này của Trung Quốc, thông báo của OECD cho biết Trung Quốc đã báo cáo mức chi cho R&D tăng 10% trong năm 2020, lên 1,87 nghìn tỷ Nhân dân tệ (261 tỷ USD), cũng như mức chi R&D đối với khối ngành sản xuất chế biến chế tạo bị giảm 1,47 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Nhưng theo OECD, điều đó có nghĩa là 99% mức tăng đều nằm ở khu vực không chế biến chế tạo. Trên thực tế, Gao nói, các số liệu trong niên giám của Trung Quốc đã sai: ông ước tính rằng R&D cho khối sản xuất chế biến chế tạo đã thực sự tăng chứ không phải giảm, và nhờ đó, chứ không phải bất kỳ bước nhảy vọt trong các lĩnh vực kinh tế khác, là điều đã đóng góp vào mức tăng chung 10% trong hoạt động R&D của nước này.
Cũng vào cùng năm 2019, Trung Quốc đã báo cáo mức tăng khổng lồ tăng 42% về số lượng các nhà nghiên cứu ở bậc đại học mặc dù ngân sách chi thì lại không tương xứng - chỉ tăng 23% cùng năm.
Liên quan đến chạy đua đầu tưMọi hoạt động, thay đổi trong chi tiêu R&D của Trung Quốc giờ đây luôn là tâm điểm theo dõi của giới nghiên cứu khoa học, giới quản lý và lãnh đạo các nước phương Tây. Không chỉ có OECD mà nhiều tổ chức khác luôn làm các thống kê, so sánh về mức đầu tư cho R&D ở từng lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, máy tính lượng tử…
Gần đây, tờ China daily cho biết, Trung Quốc đã chi cho R&D ngày càng cao, chiếm 2,55% GDP vào năm 2022 và đạt gần với mức trung bình 2,67% của các nền kinh tế OECD. Theo Kế hoạch năm năm lần thứ 14 của Trung Quốc (2021-25), nước này sẽ tăng quy mô chi tiêu cho R&D hơn 7% mỗi năm trong giai đoạn này để thúc đẩy nhiều đột phá công nghệ hơn. Công ty tư vấn McKinsey đánh giá, mục tiêu tăng chi cho R&D như vậy sẽ đưa Trung Quốc trở thành nước chi tiêu nhiều nhất thế giới cho R&D.
Dù nhìn dưới bất kỳ thước đo hay chỉ số nào, sức mạnh R&D của Trung Quốc đã tăng vọt trong thế kỷ này và các nước đều quan sát vào đó, cũng như “ngấm ngầm” chạy đua. Vào năm 2018, tổng chi tiêu cho R&D của Trung Quốc đã tăng gấp 11 lần so với năm 2000, đạt 464 tỷ USD, tương đương 2,14% tổng sản phẩm quốc nội. Năm 2018 là năm gần đây nhất mà OECD vẫn công bố số liệu về R&D của Trung Quốc. Như vậy mức chi của Trung Quốc đã vượt qua mức chi tiêu cho R&D của EU là 377,8 tỷ USD, tương đương 2,07% GDP và tiến gần đến mức chi tiêu của Hoa Kỳ là 586 tỷ USD, tương dương 3,01% GDP trong năm đó. Ngay sau đó, để không tụt lại, chính quyền Biden đã tăng chi tiêu cho R&D của Hoa Kỳ nhanh hơn hẳn, lên 707,8 tỷ USD vào năm 2021, tương đương 3,46% GDP.
Nguồn: sciencebusiness.net; chinadaily.com.cn