Năng lượng hạt nhân mặc dù không hoàn hảo nhưng vẫn là một loại hình sản xuất điện không phát thải ổn định và phù hợp cho việc triển khai trên quy mô lớn nhờ chiếm dụng ít đất đai, tài nguyên.

Dư luận đang tồn tại rất nhiều định kiến sai lầm về điện hạt nhân.
Dư luận đang tồn tại rất nhiều định kiến sai lầm về điện hạt nhân.

Thời gian vừa qua, đã có nhiều quan điểm về chiến lược phát triển và lựa chọn công nghệ sản xuất nào để đảm bảo an ninh năng lượng. Một xu hướng dễ nhận thấy là ngày càng có đông người bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ đối với năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời). Trong khi điện hạt nhân lại nhận được rất ít sự quan tâm, thường chỉ ở trong nội bộ giới chuyên gia (vật lý), hay thậm chí còn hứng chịu sự “ghẻ lạnh” bởi những lý do kiểu như rủi ro phóng xạ, tốn kém,…

Trước hết, cho dù thích hay không thích hạt nhân thì chúng ta cũng đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào một tương lai chỉ toàn màu hồng của năng lượng tái tạo. Do công nghệ lưu trữ, vận chuyển và truyền tải hiện vẫn chưa hoàn thiện, dẫn đến chi phí đắt đỏ, cho nên năng lượng tái tạo sẽ chưa thể chiếm lĩnh vị thế là nguồn sản xuất điện chủ đạo trong tương lai gần. Bên cạnh đó, như GS. Ricardo Hausmann1 đã chỉ ra trong một bài viết mới của ông trên Project Syndicate: các quốc gia sẽ khó lòng đạt được mục tiêu trung hòa carbon (hay phát thải ròng bằng 0) nếu chỉ ưu tiên đầu tư cho năng lượng tái tạo; điều quan trọng hơn là họ cần tìm cách để những trung tâm (Hub) sản xuất chế tạo mới có thể mọc lên ở ngay các khu vực dồi dào tài nguyên năng lượng tái tạo.

Nhà phân tích Kathryn Neville2 từ USAID cũng khuyến nghị Việt Nam chưa nên quá sốt sắng với mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Kinh nghiệm của Đức hay Bắc Âu hoàn toàn không phù hợp để áp dụng cho bất kỳ quốc gia đang phát triển nào. Các cam kết quá mức dành cho năng lượng tái tạo và việc xem nhẹ những dạng nhiên liệu hóa thạch phát thải thấp như LNG (khí hóa lỏng) có thể sẽ gây nên sự đứt gãy cùng một số hệ lụy khó lường. Trên một hành trình còn dài và hỗn loạn phía trước, Việt Nam nên tập trung giải quyết các thách thức liên quan đến sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng và rào cản chính sách trước khi chi tiêu “mạnh tay” cho những công nghệ chưa thật sự chín muồi.

Năng lượng hạt nhân mặc dù không hoàn hảo nhưng vẫn là một loại hình sản xuất điện không phát thải ổn định và phù hợp cho việc triển khai trên quy mô lớn nhờ chiếm dụng ít đất đai, tài nguyên. Lấy ví dụ ở Mỹ, việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất 1.000MW sẽ chỉ cần diện tích đất khoảng hơn 1 dặm vuông (2,58 km2) một chút; và tất cả chất thải hạt nhân đã qua sử dụng trong suốt 60 năm qua ở Mỹ có thể được chất gọn trong một sân bóng đá sâu gần 10 thước (9,1m).

Về mặt an toàn, rủi ro gây tử vong từ điện hạt nhân thực ra lại rất thấp so với sự tưởng tượng của nhiều người. Theo một thống kê tại châu Âu3, đối với mỗi Twh sinh ra từ quá trình đốt than (tương đương nhu cầu tiêu thụ của 27.000 người) thì có đến 32,72 trường hợp tử vong do tai nạn hoặc bệnh tật vì ô nhiễm không khí. Trong khi tỷ lệ này đối với điện hạt nhân chỉ là 0,07 – thậm chí còn thấp hơn cả tai nạn hàng không.

Một thực tế là tất cả các thảm họa nhà máy điện hạt nhân đã xảy ra trên thế giới từ trước đến nay đều gắn với những lò phản ứng thế hệ cũ được xây dựng theo thiết kế từ thập niên 1960 – 1970 như Chernobyl (1986, Liên Xô cũ), Fukushima Daiichi (2011, Nhật Bản), nhưng số người chết lớn thực ra lại là do sóng thần – biến cố nằm ngoài dự tính của các nhà thiết kế khi ấy). Trong khi sự cố ngày 28/3/1979 tại Three Mile Island ở Pennsylvania lại không làm chết một ai nhờ lò phản ứng được trang bị hệ thống đảm bảo an toàn. Những năm gần đây, công nghệ hạt nhân đã đạt được nhiều bước tiến lớn nhờ vào nỗ lực của các kỹ sư, nhà khoa học khi theo đuổi những thiết kế mới an toàn và hiệu quả hơn – hướng đến tận dụng triệt để cả chất thải phóng xạ. Không phải ngẫu nhiên mà một số đại diện tiêu biểu của giới công nghệ, chẳng hạn tỷ phú Bill Gates, lại đang đầu tư khá nhiều tiền bạc cho các startup năng lượng hạt nhân để giúp nhân loại giải bài toán biến đổi khí hậu. “Thật khó hình dung về một tương lai con người được sử dụng điện năng không phát thải với chi phí hợp lý mà lại thiếu vắng sự đóng góp của năng lượng hạt nhân”, Bill Gates4 nói.

Tất nhiên, chi phí đầu tư cho một nhà máy điện hạt nhân hiện vẫn quá cao như nhiều phân tích đã chỉ rõ (lên tới hàng tỷ USD), vượt quá khả năng của hầu hết các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, thời gian xây dựng quá lâu (vài năm cho đến cả thập kỷ) cũng khiến nhiều dự án không còn đạt được hiệu quả kinh tế khi đi vào vận hành. Tuy nhiên, một số nơi trên thế giới lại đang theo đuổi những thiết kế lò phản ứng SMR với kích thước nhỏ gọn, dạng module, có thể được gắn trên bè (giống như tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu phá băng) hay thậm chí xe container (giải pháp của tập đoàn Mitsubishi) – phù hợp cho việc triển khai đến tận các địa điểm xa xôi, hẻo lánh nhất. Đó là ý tưởng rất đáng cân nhắc đối với những quốc gia đang phát triển có đường bờ biển dài và lãnh thổ hẹp như Việt Nam. Trong chuyến công du Đông Nam Á hồi tháng 11/2022, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris5 cũng đã hứa hẹn Mỹ sẽ giúp Thái Lan, Philippines phát triển các lò phản ứng SMR.

Mặc dù chưa có điện hạt nhân nhưng Việt Nam lại là quốc gia sở hữu một lò phản ứng sớm nhất Đông Nam Á tại Đà Lạt – vốn nằm trong chương trình viện trợ Mỹ dành cho miền Nam vào đầu thập niên 1960, gần như cùng thời điểm với Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Sau ngày thống nhất (1975), Việt Nam cũng đã cử khá nhiều nhà khoa học và kỹ sư ra nước ngoài để học về công nghệ hạt nhân. Năm 2014, hai bộ trưởng ngoại giao Mỹ – Việt đã cùng ký Hiệp định Hợp tác hạt nhân dân sự 123, trong đó Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ công nghệ và nhiên liệu hạt nhân cho Việt Nam vì mục đích hòa bình. Vì thế, không có lý do gì chúng ta lại tự từ bỏ cơ hội nắm giữ một công nghệ “then chốt” như vậy.
------
Chú thích
1. The Case for Green Industrial Parks. Link: https://www.project-syndicate.org/commentary/green-industrial-parks-could-help-accelerate-decarbonization-by-ricardo-hausmann-2023-07
2. The Reality of Vietnam’s Energy Transition. Link: https://thediplomat.com/2022/11/the-reality-of-vietnams-energy-transition/
3. Why nuclear power is safer than ever? Link: https://www.gisreportsonline.com/r/nuclear-energy-safe/
4. Bài phát biểu của tỷ phú Bill Gates: “Tại sao tôi đầu tư vào năng lượng hạt nhân?” Link: https://vinatom.gov.vn/bai-phat-bieu-cua-ty-phu-bill-gates-tai-sao-toi-dau-tu-vao-nang-luong-hat-nhan/
5. U.S. to assist Thailand, Philippines with nuclear energy plans. Link: https://www.ans.org/news/article-4525/us-to-assist-thailand-philippines-with-nuclear-energy-plans/#:~:text=During%20a%20recent%20weeklong%20trip,with%20Thailand%20and%20the%20Philippines.