3. Trên thế giới, đâu là những mô hình khởi nghiệp số thành công và đang là xu hướng trong thời gian tới?
Shark Dũng: Có những mô hình kinh doanh khá phổ biến, chỉ là chúng dịch chuyển dần dần. Mô hình thứ nhất là từ việc trả tiền mua content (nội dung) giờ thành mua service (dịch vụ). Trước kia nghe nhạc hay chơi game chúng ta trả tiền cho bản nhạc hay trò chơi đó, nhưng giờ các bên như Spotify luôn cung cấp miễn phí content. Như vậy mô hình này đã chuyển từ ‘paid to freemium’ – nghĩa là người dùng trả tiền cho những tính năng cao cấp hơn.
Mô hình thứ hai là subcription (Đăng ký/thuê bao), nghĩa là trả trước một lần dùng bao nhiêu cũng được. Ví dụ ở Mỹ đã có mô hình thuê bao cho ô tô, người dùng sẽ không phải mua xe mà trả tiền để mỗi tháng đi một chiếc xe dòng khác nhau. Với sản phẩm công nghệ thì cần phải phục vụ lượng khách hàng rất lớn, họ phải yêu sản phẩm đó thì dần dần mới thu được tiền.
Nhưng cũng có một mô hình khác là ngay từ đầu tập trung vào tập trung phục vụ từng khách hàng, ai dùng sẽ trả tiền cho từng dịch vụ ấy theo transaction (giao dịch).
Shark Phi: Về giải pháp kinh doanh thì tôi thường chia 3 lớp: giá trị người dùng cảm nhận, mô hình kinh doanh và công nghệ lõi. Với tốc độ tăng trưởng của thị trường như hiện nay thì người dùng đều dễ dàng tìm kiếm giải pháp thay thế và một mô hình kinh doanh dù tốt thế nào cũng sẽ có khả năng bị sao chép. Bởi vậy cần phải nhìn vào thứ gì sâu hơn phía dưới là nên tảng để từ đó xây dựng giá trị dịch vụ cho người dùng. Đó là lý do tôi nghĩ xu hướng trong thời gian tới sẽ là đầu tư vào Deep Tech (các công nghệ nền tảng như AI, Machine learning, Big data, Blockchain,…).
Startup sẽ phải hi sinh rất nhiều cho giai đoạn R&D - giai đoạn quan trọng và đau thương nhất, không phải 10 sản phẩm nghiên cứu đều thành công, không phải 10 sản phẩm đều ra được thị trường. Nhưng thế nào là doanh nghiệp công nghệ nếu không sở hữu cái lõi? Việc startup xây một căn nhà mà không để ý phần móng thì cũng là một loại rủi ro cho nhà đầu tư.
Shark Bình: Tôi có cảm nhận thế giới đang chớm trải qua một bong bóng Dot Com lần thứ hai, thể hiện bởi những sự kiện rất lớn như WeWork hay Uber (là những khoản đầu tư của Softbank). Nó sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong giới đầu tư công nghệ, thay vì những mô hình ‘Burn through cash’ tức là startup gọi vốn –đốt tiền - xây dựng cộng đồng khách hàng và mơ đến ngày mai tươi sáng, thì sẽ nhà đầu tư sẽ bắt đầu chuyển sang một tư duy mới là ‘Make money’ (kiếm được tiền). Các startup giờ đây phải chứng minh được mô hình của mình mặc dù có thể có lỗi nhưng nó có cách kiếm tiền và thực sự kiếm được tiền, dù nhỏ thôi cũng được. Tôi cho rằng từ năm sau trở đi, các doanh nghiệp công nghệ có lãi sẽ lên ngôi.
Đó là xu hướng đầu tư chung, còn nếu nói về các lĩnh vực cụ thể tôi cho rằng năm tới sẽ có 3 xu hướng: Thứ nhất là ‘Chuyển đổi số’, đi dạo một vòng Techfest tôi thấy nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt được cơ hội này. Thứ hai là ‘Làm cho dữ liệu lên tiếng’, tức là các startup liên quan đến AI phân tích để đưa ra các quyết định, nhận định để tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp. Thứ ba, có lẽ sẽ để khi khác sẽ nói.
4. Các phiên thảo luận khác nói rất nhiều đến dịch chuyển các nguồn lực như tài chính, công nghệ, thông tin. Trên thị trường Việt Nam đã có sự xuất hiện của những tên tuổi lớn trong nhiều lĩnh vực, từ gọi xe, giao đồ ăn nhanh, đặt phòng chia sẻ… Vậy liệu sự dịch chuyển là cơ hội hay thách thức đổi với startup Việt Nam?
Shark Phi: Tôi nghĩ nếu chỉ nhìn mặt trên thì sẽ thấy thách thức thực sự, tuy nhiên trong đó cũng cho ta nhiều cơ hội hơn. Nếu thực sự làm tốt thì startup có thể bắt tay với những tai to mặt lớn trên thế giới rất dễ dàng. Trước kia chưa ai biết đến thị trường Việt Nam, nhưng giờ nhiều người đánh giá đây là thị trường đang lên và tiềm năng, bởi chúng ta có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết bằng hoặc thông qua công nghệ.
Sự dịch chuyển các tài nguyên trí tuệ, con người đã mang lại cơ hội lớn cho tất cả. Đã đến lúc chúng ta phải đầu tư đúng mực hơn cho con người, cho R&D hơn là chỉ nhìn theo những mô hình đã thành công, để mang lại những đặc trưng của thị trường Việt Nam khiến các ông lớn có thể phải dè chừng hoặc buộc phải hợp tác với chúng ta.
Trước kia chúng ta hay nói phải ‘đem chuông đi đánh xứ người’, nhưng thực ra giờ đây thế giới đã vào đến Việt Nam rồi. Chúng ta phải nhìn ở góc độ làm sao họ vào phải bắt tay vào Việt Nam, chứ không phải cứ nhìn ở góc độ sợ họ chiếm lấy thị trường. Thực tế cũng không bi quan đến vậy nếu Việt Nam thực sự tự tin vào nguồn nhân lực của mình.
Shark Hưng: Thế giới đã định hình một số mô hình kinh doanh rồi, liệu còn cơ hội cho startup Việt? Bản chất các mô hình kinh doanh giống nhau rất nhiều, trong thực tế với cùng mô hình có rất nhiều biến thể. Nếu Uber đã là startup rồi thì liệu Grab, Go-Việt, Be có phải là startup nữa không? Tôi nghĩ rằng việc một mô hình kinh doanh đã được khẳng định thành công ở đâu đó trên thế giới vẫn là cơ hội tốt để chúng ta khỏi mô mẫn tìm kiếm mô hình.
Còn việc cơ hội hợp tác – đó là nền kinh tế cá nhân hóa, càng đặc thù thì càng có lợi thế. Mạng xã hội đã thành công rồi, tôi vẫn có thể đầu tư vào một mạng xã hội chỉ chuyên về du lịch. Tóm lại, mô hình kinh doanh đã được mô hình hóa, còn việc ứng dụng thế nào lại của từng bạn và đó là cơ hội.
Shark Việt: Khi gặp đối tác, tôi thường hỏi hai câu: “Anh đã thành công ở những nước nào trên thế giới?” và “Anh đã bao giờ vào và thành công ở Việt Nam chưa?” Vì Việt Nam có truyền thống lịch sử, văn hóa và có cơ cấu kinh doanh riêng. Các startup Việt hiểu rõ con người Việt Nam nhất, nên các doanh nghiệp nước ngoài muốn thành công trên đất Việt phải kết hợp với chúng ta. Chúng ta có thể làm được, cơ hội và thách thức thì 50-50 thôi không quá đáng sợ, nhưng ai đi nhanh người đó thắng.
Shark Dũng: Nãy giờ các Shark đang lạc quan thì tôi khá bi quan, có lẽ vì tôi làm nhiều với công ty công nghệ. Trong thế giới phẳng, chắc chắn Việt Nam phải mở cửa cho công ty nước ngoài vào. Trong lĩnh vực công nghệ, các công ty Việt Nam đang thua kém nhiều thứ, chúng ta không thể bằng Mỹ, Israel, Trung Quốc vì họ đầu tư số tiền cho các mảng tương lai rất nhiều.
Câu chuyện với mô hình kinh doanh na ná nhau, chính vì đọc sách và tìm google quá nhiều mà startup có thể bị ngộ nhận và lệch lạc theo hướng của họ. Tức là thay vì nghĩ làm sao để phục vụ khách hàng của mình lại nghĩ làm sao để làm giống họ, dẫn đến kết quả không thể chạy theo được. Thực ra, các bạn hãy nhìn xung quanh ta người dùng đang gặp vấn đề gì, vấn đề đó có ai giải quyết chưa, nếu chưa thì mình vẫn có cơ hội làm. Nhà đầu tư đi tìm những người có khả năng thực thi hơn là người có mô hình kinh doanh mang tính chất cao siêu. Bởi vì mình thông minh sẽ có người thông minh hơn mình. Lĩnh vực [công nghệ] này không nên cạnh tranh với các ông lớn mà nên là cánh tay nối dài của họ.
Shark Bình: Tôi đồng quan điểm với anh Dũng, thấy lo ngại nhiều hơn. Cả thế giới đều đang nói về Việt Nam, ai cũng muốn cắn một miếng ở Việt Nam, đồng nghĩa với việc dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhưng thách thức ở đây là làm sao dòng tiền đầu tư đó không chảy vào túi startup Việt Nam mà lại vào túi của các startup khu vực đang xâm chiếm thị trường Việt Nam. Như vậy startup Việt không được lợi ích gì cả, ngược lại phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Ai cũng nhớ đến câu chuyện Lazada, Shopee vào Việt Nam với số vốn khổng lồ sẵn sàng đè bẹp doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà
Thứ hai là cạnh tranh về nguồn nhân lực công nghệ. Các kĩ sư CNTT trước đây đã bị cạnh tranh khốc liệt bởi các công ty gia công phần mềm. Nguồn nhân lực đã thiếu, giờ lại gặp phải những ông lớn nước ngoài đặt các trung tâm R&D tại Việt Nam trả lương cao ngất, vậy làm sao còn người cho startup Việt Nam? Thêm vào đó, rất nhiều nước như Úc, Canada mỗi năm nhập khẩu vài chục nghìn kĩ sư CNTT và có chính sách cấp thẻ xanh với những người tay nghề cao. Vậy chất xám có thể bị dịch chuyển hết. Trong xu thế này đây là thách thức rất lớn, đặc biệt với các startup non trẻ.