Các nhà đầu tư "Shark Tank" tham gia trao đổi gồm: bà Trương Lý Hoàng Phi (Tổng giám đốc Vintech City), ông Nguyễn Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech), ông Nguyễn Thanh Việt (Chủ tịch HĐTV Tổ hợp y tế Phương Đông), ông Phạm Thanh Hưng (Phó chủ tịch HĐQT CEN Group), ông Nguyễn Mạnh Dũng (Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Việt Nam và Thái Lan), và ông Trần Anh Vương (Chủ tịch HĐQT King Invest)
1. Các anh chị trong thời gian qua đã tiếp xúc nhiều với startup và bản thân cũng là người có nhiều kinh nghiệm thương trường, vậy đâu là những sai lầm mà các startup của Việt Nam sẽ mắc phải khi khởi nghiệp, đặc biệt nếu khởi nghiệp lần đầu?
Shark Phi: Nếu nói lỗi cơ bản mà startup hay gặp phải thì mình chỉ dùng hai từ thôi là ‘chủ quan’ và ‘lạc quan’ – *có thể vì các bạn thiếu thông tin hoặc không tin vào thông tin mà mình có. Các bạn sẽ không nhìn được hết các đối thủ trực diện cùng ngành hoặc đối thủ tiềm năng sẽ có, bởi khi đi một con đường mới thì chắc chắn sẽ có người nhìn thấy và chuyển đổi theo nhanh chóng.
Việc quá lạc quan sẽ giết startup rất nhanh vì các bạn sẽ thiếu sự phòng vệ chính đáng, giống như đi đường dài mà không mang theo đủ nước, đồ ăn, áo ấm hay kiếm người đi cùng, dẫn đến những nỗi đau mà bạn phải bị động chịu đựng.
Shark Hưng: Điều khó khăn nhất với startup là chẳng sai lầm nào giống sai lầm nào, nên cứ phải nhìn sai lầm của người khác mà tránh. Nhưng lỗi các bạn lần đầu khởi nghiệp thường mắc là ‘quá lạc quan’ về khả năng của bản thân mình, quá lạc quan về tiềm năng thị trường, cho rằng chưa ai nghĩ ra và chỉ có mình có.
Shark Việt: Nhiều startup có giấc mơ hoa quá đẹp quá lớn, các bạn hãy nhìn vào thực tế và bắt đầu từ những mô hình đơn giản nhất, làm thật hiệu quả rồi mới phát triển thêm. Và các bạn phải ‘chia sẻ’ với nhà đầu tư những thứ sẽ có lợi trong tương lai chứ đừng bắt họ phải chịu sức ép quá lớn về tương lai của mình, đừng quá tham. Hãy chia sẻ cả cơ hội và hiệu quả cho nhà đầu tư, như vậy sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm đến.
Shark Dũng: Startup nên cần có tự tin, đó là điều tốt nhưng nếu tự tin thái quá sẽ dẫn tới không biết lắng nghe, mà không lắng nghe sẽ không thay đổi, dẫn đến đi sai hướng. Điểm thứ hai là hay giấu thông tin, thiếu minh bạch, nhất là về dòng tiền. Phần lớn startup quản lý dòng tiền rất kém vì đa số họ không xuất thân từ đó hoặc tiêu tiền vô tội vạ. Nếu nhà đầu tư can thiệp quá sâu sẽ bị coi là kiểm soát công ty, nhưng nếu nhà đầu tư không kiểm tra thì vài ngày sau quay lại thấy dòng tiền đã âm rồi cho những thứ vô bổ. Startup mà tiền hết rồi mới đi huy động thì khi nhà đầu tư nhìn vào sẽ rất bất lợi, nên các bạn phải quản lý dòng tiền để ít nhất dự trữ được 6-12 tháng.
Shark Bình: Một điều thường phải nói với startup là “ngộ nhận”. Các bạn đôi khi làm những thứ có cũng được không có cũng được, tệ hơn nữa là làm những thứ xã hội không cần vì cứ suy bụng ta ra bụng người, nghĩ rằng cái này mình có nhu cầu thì chắc hẳn người khác cũng sẽ có nhu cầu, mà thiếu khâu nghiên cứu thị trường và kiểm thử thị trường.
Thứ hai bổ sung cho Shark Dũng, tôi đã gặp nhiều startup quản trị nội bộ cực tệ, nhất là quản trị về kế toán-tài chính. Tâm lý chung của rất nhiều startup founder là coi thường vị trí kế toán và những nguyên tắc kế toán, dẫn đến chi tiêu vô tội vạ mà không ghi chép. Có những startup rất tiềm năng và hứa hẹn lãi, nhưng khi vào thẩm định không có một giấy tờ bằng chứng nào, nhà đầu tư phải từ bỏ giao dịch. Nếu các bạn chỉ cho nhà đầu tư “ăn bánh vẽ” thì việc gọi vốn sẽ cực kì khó khăn, nên startup hãy làm kế toán chuẩn chỉnh ngay từ đầu.
Dolphin Vương (MC): Đứng dưới góc nhìn của các bạn startup, có một sai lầm nữa là chọn nhầm shark. Các startup nên hiểu rằng mỗi nhà đầu tư sẽ có đòi hỏi quan trọng khác nhau về từng khía cạnh.
2. Các startup tham gia gọi vốn thường hay chào bán giá trị tương lai của mình, nên có thể xảy ra trường hợp “ngáo giá”. Vậy các nhà đầu tư định giá doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào?
Shark Bình: Chắc chắn các nhà đầu tư nói chung sẽ đầu tư vì tương lai, mua công ty ngày hôm nay với hi vọng sẽ nhận được lợi ích 5x, 10x thậm chí cả hàng trăm lần trong tương lai. Nhưng tương lai chỉ là điều kiện cần. Nếu hiện tại của startup cho thấy chưa đủ năng lực để thực hiện bánh vẽ đó thì nhà đầu tư sẽ nghi ngờ, thậm chí tìm startup khác có khả năng thực hiện tương lai đó tốt hơn. Nếu quá khứ doanh nghiệp quản trị yếu kém hay người chủ doanh nghiệp chuyên đi lừa nhà đầu tư thì sẽ không được tin tưởng. Nên cả ba yếu tố quá khứ, hiện tại, tương lai đều quan trọng. Tôi đưa ra công thức của mình để tính giá trị doanh nghiệp là [(quá khứ+hiện tại)x tương lai]^sự hợp lực của nhà đầu tư.
Shark Hưng: Việc định giá cũng tùy thuộc góc nhìn, với người này có thể là cả trời đất nhưng với người kia chỉ là hạt cát, không có góc nhìn chung thậm chí giữa các nhà đầu tư. Giả sử xem xét dưới góc độ ‘đầu tư tài chính’ thì căn cứ định giá phụ thuộc vào độ tin cậy – khi nhà đầu tư giao tiền cho startup phải cảm thấy yên tâm, nếu độ tin cậy thấp và độ rủi ro rất cao thì giá trị của startup sẽ rất thấp. Nói chung, quan điểm định giá tùy thuộc vào vị thế và mục đích của người đưa ra cách thức định giá.
Shark Phi: Công thức của tôi hơi khác anh Bình một chút. Tôi nghĩ sự tin tưởng trong quá khứ quyết định tương lai rất lớn. Đôi khi các shark với bài toán quá khứ cũng vẫn chọn nhầm startup, tưởng rằng những gì mà doanh nghiệp cung cấp ra là những thứ chính xác và phải trả giá. Với giai đoạn này, khi nói đến định giá thì tất cả đều dồn vào các cá nhân của nhóm khởi nghiệp - rằng uy tín của người đó là yếu tố quyết định có nên đầu tư không. Những gì cá nhân đó cung cấp là bánh vẽ có thể ảnh hưởng đến thị trường chung. Chúng tôi thực sự không muốn thị trường khởi nghiệp trở nên quá rủi ro hay phải khiến nhà đầu tư phải nản lòng không làm nữa.
Shark Dũng: Việc định giá tương lai phụ thuộc vào khả năng dự án đấy thành công hay không, và điều này phụ thuộc phần lớn vào người sáng lập. Một doanh nghiệp có thể trả hàng triệu USD để mời người về làm CEO nếu người đó có kinh nghiệm (track record) làm ở các tập đoàn lớn. Hay CEO của Line ngày đầu tiên đưa ra ý tưởng khởi nghiệp đã được các nhà đầu tư rót vào 10 triệu USD, mặc dù công ty chưa có gì cả vì họ tin những người đó làm được. Nếu bạn là một startup chưa từng thành công, nhà đầu tư có thể dành rất nhiều thời gian gặp gỡ vì họ chưa tin tưởng bạn, do đó họ phải kết hợp với nhiều yếu tố về dự án và các chỉ số dự án. Nhưng nếu founder đã từng thành công thì câu chuyện gọi vốn sẽ rất dễ dàng.
Dolphin Vương: Như vậy tóm lại các shark cho rằng việc định giá đều phải có một niềm tin – có người tin vào quá khứ, có người tin vào hiện tại hoặc tin vào tương lai, nhưng chung quy lại phải có niềm tin vào bản thân người sáng lập.