Theo khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, các nhà khoa học là nhóm luôn được công chúng tin tưởng nhất, nhưng “ngôn ngữ” của họ không dễ tiếp cận công chúng. Truyền tải thông tin khoa học đến công chúng là công việc của các nhà báo khoa học, nhưng báo chí lại là một trong những nhóm ít được tin tưởng.
Để khám phá những cách xây dựng niềm
tin vào khoa học và truyền đạt thông tin, hội nghị chuyên đề "Lan truyền thông tin: truyền đạt khoa học
vì một thế giới tốt đẹp hơn" đã được tổ chức tại MIT, quy tụ 175 nhà báo làm việc tại các báo, tạp chí,
đài phát thanh và truyền hình; các học giả nghiên cứu khoa học truyền
thông; và các nhà khoa học trong lĩnh vực giao tiếp với công chúng.
Một phiên thảo luận giữa Mariette DiChristina, Hiệu trưởng Đại học Truyền thông Boston (giữa), Charles Seife, giáo sư báo chí tại Đại học New York, (phải), và Gideon Lichfield, tổng biên tập của MIT Technology Review (trái).
Cách mà thông tin về khoa học được đưa ra công chúng đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, các tòa soạn thu hẹp dần trước sự bành trướng của các mạng xã hội, các nguồn thông tin sai lệch tăng lên và sự hoài nghi ngày càng tăng về những gì được đưa tin, bao gồm cả tin tức về khoa học.
Mariette DiChristina, trưởng khoa Truyền thông của Đại học Boston và là cựu biên tập viên của Scientific American, lưu ý rằng "ngành công nghiệp [báo chí] đã thu hẹp trong 10 năm qua", ước tính cứ bốn nhà báo thì một người mất việc. Charles Seife, giáo sư báo chí tại Học viện Báo chí Arthur L. Carter của Đại học New York, đã đồng ý rằng "đây là thời điểm khó khăn đối với các nhà báo khoa học". Một vài năm trước, ông nói, số lượng nhà báo khoa học so với các lĩnh vực truyền thông khác, chẳng hạn như các chuyên gia quan hệ công chúng, là 1/3. Bây giờ là 1/5 hoặc ít hơn nữa.
Nhưng cũng do có nhiều kênh liên lạc mới như mạng xã hội, một người nào đó sắp ra trường báo chí "có thể xây dựng một lượng lớn khán giả rất nhanh, nếu họ có thông tin thú vị", Seife nói.
Một ví dụ điển hình là sinh viên trường đại học MIT, Dianna Cowern, đã xây dựng một lượng lớn người theo dõi trên YouTube với kênh tên là "Cô gái Vật lý". Với hơn một triệu người theo dõi, kênh của Cowern đã được mạng PBS tài trợ trong bốn năm qua và một số video của cô đã lan truyền khắp mạng xã hội. Không dễ để các video khoa học trở nên nổi tiếng, Cowern nói, vì họ phải cạnh tranh với hàng triệu video 'mèo dễ thương'.
Yếu tố chính để có được lượng người xem trực tuyến rộng rãi, bà nói, là tính dễ chia sẻ. Mới lạ, tò mò và phấn khích là các yếu tố cần có trong video ngắn.
Marcia McNutt, chủ tịch Viện Hàn lâm
Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, đề cập rằng năm ngoái, Từ điển tiếng Anh
Oxford đã chọn "hậu sự thật" ("post-truth") là từ của năm, đề cập đến
một thời đại mà "cảm xúc và trực giác được coi trọng hơn các phân tích
khoa học".
Theo
bà, trong giao tiếp khoa học, trong khi các nhà khoa học được đào tạo
để trình bày mọi thứ theo cách trung lập và không cá nhân, thì công
chúng lại quan tâm đến nhà khoa học và câu chuyện cá nhân của họ. "Công
chúng muốn biết rằng có những con người thực sự liên quan đến vấn đề",
bà nói.
McNutt
đưa ra một số gợi ý về cách cải thiện niềm tin của cộng đồng vào khoa
học. Trước tiên, cần có những cải tiến trong hệ thống đánh giá ngang
hàng, bao gồm xử lý các vấn đề như tạp chí kém chất lượng không thực
hiện các bình duyệt mà họ rao giảng, hay các vòng bình duyệt nơi mọi
người thông đồng để cho nhau những đánh giá tích cực.
"Chúng
ta cần phải báo hiệu rõ ràng những nghiên cứu nào đã đạt được sự tin
tưởng," bà nói, và đề xuất một hệ thống huy hiệu cho các nghiên cứu đã
vượt qua một số tiêu chí cụ thể.
John Randell, giám đốc chương trình khoa học, kỹ thuật và công nghệ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, đã mô tả nghiên cứu về lòng tin của công chúng đối với các nhà lãnh đạo trong các ngành nghề khác nhau kể từ năm 1973. Quân đội có xu hướng được tin tưởng hàng đầu, mặc dù mức độ tin tưởng trồi sụt đáng kể trong những năm qua. Ngược lại, niềm tin vào các nhà khoa học vẫn rất ổn định ở mức khoảng 40% trong toàn bộ thời kỳ. Tin tưởng vào báo chí hiện chỉ ở dưới 10%.
John Randell thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ đã trình bày các số liệu khảo sát cho thấy niềm tin vào các nhà khoa học vẫn tương đối ổn định qua các năm.
Trong các cuộc khảo sát tương tự, khoảng 70% số người được hỏi nói rằng lợi ích của nghiên cứu khoa học vượt xa các tác hại của nó, Randell nói. Và những người Mỹ trẻ tuổi có niềm tin vào khoa học nhiều hơn những người ở các nhóm tuổi lớn hơn.
Một số người tham gia hội thảo đã mô tả các phương pháp mới để truyền đạt ý tưởng về các chủ đề khoa học, trong đó có các đồ họa mô tả các khái niệm khoa học như truyện tranh.
Beth Daley, biên tập viên của The Convers US, đã thảo luận về những cách mới để các nhà khoa học tiếp cận công chúng.
Một cách tiếp cận sáng tạo khác về truyền thông khoa học được mô tả bởi Beth Daley, biên tập viên và tổng giám đốc của The Convers US, đó là giúp các nhà khoa học viết bài theo phong cách báo chí, nhắm vào công chúng, sau đó phân phối cho các tờ báo trong nước.
Cách tiếp cận mới này đã khá hiệu quả, bà nói. Một đội ngũ khoảng 30 người biên tập làm việc với các nhà khoa học, giúp họ viết một đoạn tin "dễ đọc" bằng giọng của chính họ. Để đạt được điều đó, bà nói, các nhà khoa học thường cần rất nhiều sự giúp đỡ trong việc chuyển ngôn ngữ khoa học sang ngôn ngữ đại chúng. Tổ chức này hiện đang xuất bản khoảng 10 câu chuyện / tin tức khoa học mỗi ngày.
Trong bài phát biểu kết thúc, Ethan Zuckerman, giám đốc Trung tâm truyền thông MIT, cho biết rằng mặc dù một xã hội ngày càng phân cực, trong đó mọi người không nhất trí về bản chất của sự thật, các cuộc thăm dò cho thấy mức độ tin cậy tương đối ổn định trong khoa học là tín hiệu đáng mừng.
Nguồn:
http://news.mit.edu/2019/spreading-facts-communication-science-1206