Một số khuyến nghị từ báo cáo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam”
Điều chỉnh trọng tâm của Chiến lược KHCN&ĐMST mới và hệ thống chính sách hướng tới nâng cao năng lực của doanh nghiệp
Chính phủ cần xây dựng và triển khai chiến lược KHCN và ĐMST với một trụ cột về ứng dụng công nghệ. Trước tiên, tập trung thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện có và khuyến khích đổi mới sáng tạo phi R&D, thay vì chỉ chú trọng vào hoạt động R&D. Điều này đồng nghĩa với việc phải cân đối lại nguồn kinh phí (nhưng không ảnh hưởng đến đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng). Chiến lược KH, CN và ĐMST hướng đến ứng dụng công nghệ sẽ đưa ra nhiều chính sách và công cụ hỗ trợ nâng cao năng lực hấp thụ phù hợp với các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
Minh Long I tập trung đầu tư công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm gốm sứ có chất lượng cao. Ảnh: vietnam.vnanet.vn
Trọng tâm của chương trình nên bao gồm: nâng cấp quản lý, nâng cấp công nghệ, kết nối với các công ty công nghệ cao đa quốc gia (MNEs),các chương trình R&D hợp tác với các công ty này; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Đối tượng thụ hưởng nên mở rộng tới nhiều doanh nghiệp trong nước có tiềm năng mở rộng quy mô, số hóa, áp dụng các mô hình kinh doanh mới và liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nâng cao năng lực doanh nghiệp nên là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy tiếp cận công nghệ mới
Việc ứng dụng thành công công nghệ mới không chỉ là việc mua máy móc, thiết bị mà phải tích hợp đầy đủ máy móc, thiết bị đó vào quy trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ các DNNVV cần phải bắt đầu với việc cải cách các tập quán tổ chức và quản lý cơ bản, cho phép các công ty sử dụng và điều chỉnh các quy trình mới, và tiến tới áp dụng các tri thức công nghệ phức tạp hơn gắn với Công nghiệp 4.0. Thu hẹp khoảng cách về năng lực có ý nghĩa quan trọng đối với việc hấp thụ công nghệ mới trong quy trình sản xuất tương tự như đối với việc phát triển các dịch vụ số.
Các quốc gia đã triển khai thành công nhiều công cụ chính sách để tăng cường năng lực doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động ĐMST phi R&D; kết quả này ngược lại cũng thúc đẩy việc tiếp nhận và hấp thu công nghệ. Một mặt, các chính phủ muốn tăng cường nâng cấp công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách xây dựng khả năng hấp thụ của doanh nghiệp và cung cấp thông tin, tri thức về cách áp dụng các công nghệ mới. Mặt khác, các chính phủ cũng mong muốn chuyển giao và thương mại hóa các công nghệ mới từ các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu công.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng để cải thiện môi trường hoạt động
Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới. Để khuyến khích các công ty đa quốc gia (MNE) chia sẻ công nghệ với doanh nghiệp trong nước cũng như cho phép họ thực hiện R&D tại Việt Nam mà không gặp rủi ro bị xâm phạm bản quyền, một hệ thống bảo hộ quyền SHTT hiệu quả và duy trì thực thi liên tục có vai trò rất quan trọng. Một cơ chế bảo hộ quyền SHTT được áp dụng thống nhất giúp nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân vào Việt Nam để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ mở rộng quy mô. Khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới - như CPTPP, EVFTA, ASEAN và RCEP - chương trình hành động về SHTT càng trở nên cấp bách hơn vì những hiệp định này yêu cầu các quốc gia tham gia cam kết ở mức độ cao hơn trong thực thi bảo hộ quyền SHTT.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được tiến bộ về khung pháp lý bảo hộ quyền SHTT và đang thực hiện nhiều nỗ lực trong chống xâm phạm quyền SHTT nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thực thi việc bảo hộ quyền SHTT. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu mới nhất, xếp hạng bảo hộ SHTT của Việt Nam đứng ở 105 trong số 141 quốc gia, đứng sau Singapore (thứ 2), Malaysia (25), Hàn Quốc (50), Indonesia (51), Trung Quốc (53) và Philippines (55). Báo cáo và đánh giá của các bên thứ ba về bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam, mặc dù ghi nhận những cải thiện trong khuôn khổ pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam nhằm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vẫn thể hiện sự lo ngại về tình trạng thiếu thực thi quyền SHTT và đặc biệt là việc thực thi quyền tác giả trên môi trường trực tuyến chưa đầy đủ. Việt Nam cũng vẫn là một trong những quốc gia sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái lớn nhất trong nhiều lĩnh vực.
Các lĩnh vực cần cải thiện trong bảo hộ quyền SHTT và hành động bao gồm thực thi quyền tác giả trên môi trường trực tuyến và xử phạt hình sự.
Hướng tới doanh nghiệp FDI để tiếp thu công nghệ nước ngoài
Trong quá trình phát triển, các quốc gia trên thế giới thường áp dụng các chiến lược khác nhau để phát triển năng lực hấp thu công nghệ của họ. Có bốn chiến lược chính:
Tự chủ: Phát triển năng lực của các doanh nghiệp trong nước và khuyến khích xuất khẩu thông qua các chính sách toàn diện liên quan đến thương mại, tài chính, đào tạo, công nghệ và cơ cấu công nghiệp.
Chiến lược này cũng bao gồm hạn chế có chọn lọc đối với FDI và khuyến khích chuyển giao công nghệ thông qua các kênh khác như nhập khẩu thiết bị, thu hút chuyên gia hoặc cấp phép công nghệ. Các ví dụ điển hình của chiến lược này là Hàn Quốc và Đài Loan.
Phụ thuộc một cách chiến lược vào FDI: Thu hút và nâng cấp FDI, đặc biệt là từ các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn và đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết trong nước cải thiện năng lực. Chiến lược này bao gồm các chính sách liên quan đến tạo kỹ năng, xây dựng thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư cho R&D. Ví dụ điển hình của chiến lược này là Singapore.
Phụ thuộc bị động vào FDI: Thu hút FDI một cách bị động, không lựa chọn, chủ yếu thông qua việc xây dựng môi trường kinh doanh tốt. Công cụ chủ yếu là xúc tiến mạnh FDI, khuyến khích xuất khẩu với hạ tầng xuất khẩu tốt và nguồn lao động giá rẻ nhưng được đào tạo. Việc tăng cường kỹ năng và các hoạt động đổi mới công nghệ trong nước không được chú trọng, các lĩnh vực công nghiệp trong nước có xu hướng phát triển độc lập bên cạnh những lĩnh vực xuất khẩu. Các ví dụ như Malaysia, Thái Lan, Philippines và Mexico.
Tái cấu trúc công nghiệp để thay thế nhập khẩu: Thúc đẩy xuất khẩu từ các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu đã phát triển tốt. Chiến lược này bao gồm các chính sách liên quan đến tự do hóa thương mại, các sáng kiến xuất khẩu cùng với việc phát triển mạng lưới nhà cung cấp. Chiến lược này khác với chiến lược ‘tự chủ’ ở chỗ nó thiếu đi các chính sách rõ ràng và được liên kết chặt chẽ nhằm phát triển năng lực cạnh tranh thông qua nâng cấp kỹ năng, công nghệ, thể chế và cơ sở hạ tầng. Các ví dụ như Ấn Độ và các nền kinh tế Mỹ Latinh.
(Trích báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam”) |