Để hiểu thị trường khởi nghiệp Đông Nam Á trong hiện tại, điều cần thiết là phải hiểu phạm vi, sự tăng trưởng của thị trường và những thách thức mà nó đang trải qua.

Đông Nam Á - nơi các doanh nghiệp trị giá hàng triệu USD đang xuất hiện ngày càng nhiều - đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Theo báo cáo của Cento Ventures, trong nửa đầu năm 2021, số lượng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đã tăng lên mức kỷ lục. Tuy nhiên, giá trị của các giao dịch này lại giảm. Rõ ràng, có những thách thức mà các công ty trong khu vực này giờ đây phải vượt qua.

MoMo đã góp phần định hình sự phát triển nhanh chóng của thị trường thanh toán không tiền mặt của Việt Nam. Ảnh: baotintuc

Những doanh nghiệp đang bùng nổ tại thị trường Đông Nam Á

Thị trường Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng đối với một số công ty khởi nghiệp đa dạng trong các lĩnh vực dịch vụ khác nhau. Một số doanh nghiệp nổi bật có thể kể đến như:

Grab: Grab được ca ngợi là công ty khởi nghiệp công nghệ cao lớn nhất Đông Nam Á. Đây là cái tên tiêu biểu nhất trong số các công ty có dịch vụ đặt xe taxi và đi chung xe ở Singapore. Đặt trụ sở chính tại Singapore và Indonesia, công ty đã mở rộng dịch vụ của mình sang giao đồ ăn, thực phẩm, thanh toán di động v.v. Hiện tại, Grab có mặt tại 8 quốc gia, 400 thành phố, với hơn 214 triệu lượt tải ứng dụng.

Tokopedia: Công ty khởi nghiệp này thành lập vào năm 2009, cho phép các doanh nghiệp nhỏ và tập đoàn lớn bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Với tư cách là gã khổng lồ về thương mại điện tử của Indonesia, Tokopedia có hơn 100 triệu người dùng đang hoạt động cùng 9,7 triệu người bán hàng trên nền tảng này.

Gojek: Xuất phát điểm của Gojek là trung tâm cung cấp dịch vụ gọi xe ôm, giờ đây nó đã trở thành nền tảng đa dịch vụ theo yêu cầu lớn nhất Đông Nam Á. Thành lập tại Jakarta, công ty đã nhận được những khoản đầu tư khổng lồ từ Paypal, Google, Facebook, Mitsubishi và nhiều công ty khác.

Momo: Momo là công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay, với lượng khách hàng lên đến hàng triệu. Ứng dụng Momo giúp người dùng chuyển tiền toàn quốc, mua hàng, nạp tiền, chi trả hóa đơn v.v. Doanh nghiệp này đã hợp tác với 24 ngân hàng trong nước và nước ngoài bao gồm Visa, JCB và Master Card.

PropertyGuru: Đây là nền tảng bất động sản lớn nhất ở Singapore, phục vụ cho 37 triệu người tìm mua bất động sản mỗi tháng. Gần đây, công ty đã quyết định niêm yết cổ phiếu với giá trị vốn chủ sở hữu lên tới 1,78 tỷ USD.

Có thể thấy, thị trường khởi nghiệp Đông Nam Á vẫn đang mở rộng, nhưng tình hình không giống như trước đây. Mặc dù sở hữu một thị trường lớn, nhưng việc thiếu đổi mới lẫn các công nghệ tiên tiến như một số quốc gia phương Tây đã khiến bối cảnh cạnh tranh trong kinh doanh tại khu vực này trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Số lượng đầu tư tăng, giá trị đầu tư giảm

Rõ ràng, tiềm năng và sự nhiệt tình của Đông Nam Á là chất xúc tác đằng sau thành công trên thị trường của khu vực này. Các công ty lớn của Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào các công ty đầy sáng tạo và tràn ngập năng lượng nơi đây. Theo báo cáo của Kroll and Mergermarket, kể từ năm 2015, đầu tư từ Hoa Kỳ chiếm 25% số đầu tư tại Đông Nam Á.

Điều này khiến thị trường trở nên cạnh tranh hơn, buộc các nhà đầu tư phải thận trọng với các khoản đầu tư của mình. Các doanh nghiệp khởi nghiệp nên tận dụng sự tin tưởng này để đưa ra những giải pháp sáng tạo mang đến lợi ích cho xã hội.

Vậy Đông Nam Á có những điều kiện thuận lợi và bất lợi gì đối với các nhà đầu tư?

Điều kiện lý tưởng để khởi nghiệp thành công

Các nước Đông Nam Á sở hữu những đặc điểm khuyến khích sự tăng trưởng và đầu tư. Tại đây, người trẻ hiểu biết về công nghệ và 90% dân số có truy cập Internet, trong đó nhiều người biết cách xây dựng nền tảng.

Chỉ số Đổi mới Bloomberg 2018 xếp Singapore ở vị trí thứ ba. Các khoản đầu tư đáng kể vào R&D và giáo dục STEM chứng minh rằng Đông Nam Á là cái nôi tương lai của các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, những thị trường này cần phải giữ chân được những nhân tài mà họ đang sở hữu. Các doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu của người lao động nếu muốn họ cống hiến năng lực và dành toàn bộ tâm huyết cho công việc.

Các rào cản tăng trưởng

Các quỹ đầu tư trên khắp thế giới đang đua nhau ‘rót tiền’ vào các doanh nghiệp Đông Nam Á, tuy nhiên, họ mới chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đã phát triển chứ chưa mặn mà với những công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu và còn non trẻ. Trong giai đoạn tới, nếu các nhà đầu tư thực sự muốn định hình thế hệ doanh nghiệp tiếp theo trong khu vực, họ sẽ phải tập trung vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, các hạn chế trong khu vực là một rào cản khác cản trở sự phát triển của Đông Nam Á. Các tập đoàn lớn của Mỹ không tạo ra được chỗ đứng vững chắc trong khu vực này. Amazon đang thất bại trong việc cạnh tranh với các công ty thương mại điện tử Đông Nam Á như Lazada và Shopee. Khu vực này đã chứng kiến rất nhiều sự thành công của những doanh nghiệp ‘cây nhà lá vườn’, bởi những doanh nghiệp ấy hiểu rõ hành vi của người tiêu dùng địa phương.

Đông Nam Á là một khu vực với nhiều nền văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, một số nền văn hóa đủ lớn để các doanh nghiệp đưa ra được chiến lược phát triển kinh doanh, một số nền văn hóa lại quá nhỏ và chậm phát triển. Một quốc gia ở Đông Nam Á lại bao gồm thêm nhiều nền văn hóa nhỏ khác nhau, mỗi nền văn hóa đều có những hành vi và thói quen riêng - điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi muốn hiểu về thói quen, hành vi của người tiêu dùng.

Ngoài Singapore, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều chưa có hệ thống chính sách kinh doanh thân thiện với nước ngoài hoàn chỉnh. Do đó, Đông Nam Á đã phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc đầu tư. Dù số lượng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đã tăng lên mức kỷ lục nhưng giá trị của các giao dịch này lại giảm, điều này trì hoãn bước tiến của tình hình khởi nghiệp chung ở khu vực. Ngoài ra, việc thiếu nhân lực trình độ cao cũng khiến các nước chậm áp dụng các công nghệ tiên tiến. Đó là những yếu tố kìm hãm sự đổi mới ở Đông Nam Á, khiến khu vực này kém đổi mới hơn so với các quốc gia phương Tây.

Trong thời gian tới, nếu các quốc gia có thể nới lỏng các quy trình kinh doanh và thực hiện những quy định thân thiện toàn cầu thì thị trường trong nước sẽ càng sôi động hơn nữa. Khi đã tạo dựng được vị thế tại địa phương và có được chính sách thuận lợi để vươn ra thế giới, các công ty khởi nghiệp có thể thu được các khoản đầu tư nước ngoài có giá trị. Bài toán ở đây là: làm thế nào để vừa có tư duy địa phương để hiểu hành vi người tiêu dùng, vừa vượt qua rào cản văn hóa để mở rộng thị trường ra các khu vực khác?

Việt Nam - hắc mã trong thị trường khởi nghiệp khu vực

Bên cạnh những khó khăn chung nêu trên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực AI. Dù Việt Nam đã có những bước tiến dài để trở thành cái tên có sức cạnh tranh trong hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á. Theo báo cáo của Golden Gate Ventures, “Việt Nam sẽ trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba ở Đông Nam Á”. Báo cáo cho biết thêm rằng Việt Nam sẽ tập trung vào các khoản đầu tư ở giai đoạn đầu và số lượng IPO ở nước ta sẽ vượt mốc 300 vào năm 2030. Cũng theo báo cáo, nguồn tài trợ của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông cũng tăng theo cấp số nhân, ghi nhận mức tài trợ lên đến 100 triệu USD.

Để phát triển lĩnh vực AI tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 đã được ban hành, đưa ra một lộ trình hoàn chỉnh cho thập kỷ này - với mong muốn đưa AI trở thành công nghệ phổ biến trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam.

Lúc đầu, chiến lược cho thấy một tầm nhìn đầy tham vọng, nhưng vẫn có một số rào cản mà chiến lược không thể giải quyết được. Theo Nga Than - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Thành phố New York, chiến lược này cần nhấn mạnh nhiều hơn đến vấn đề bảo mật, trách nhiệm của con người, và quyền riêng tư. Hiện tại, chiến lược vẫn chưa đề cập cụ thể đến mặt trái của AI, để từ đó đưa ra những biện pháp hạn chế cần thiết.

Dẫu vậy, với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam đang trên đường trở thành điểm nóng về công nghệ ở Đông Nam Á. Các chuyên gia của Ngân hàng DBS cũng dự đoán rằng GDP của Việt Nam sẽ vượt Singapore vào năm 2030.

Một khi giải quyết được những bài toán kể trên, các doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn khu vực, sẽ tạo ra được nhiều hơn những giải pháp sáng tạo mang lại lợi ích chung cho xã hội - như Kevin Aluwi, Giám đốc điều hành của Gojek đã từng chia sẻ: “Điều độc đáo và tuyệt vời ở Indonesia và Đông Nam Á là có sự liên kết sâu sắc giữa những gì tốt cho doanh nghiệp và những gì tốt cho xã hội”. Với triển vọng tươi sáng về một thị trường năng động hơn bao giờ hết, một khi chúng ta khám phá được cách thức khai thác tiềm năng thị trường, chúng ta sẽ biết được chính xác con đường kinh doanh mà Đông Nam Á nên đi.