Theo anh Trần Trí Dũng, hơn 5 năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có sự thay đổi ấn tượng “từ không đến có”. Trong con đường tiếp theo, anh cho rằng Việt Nam cần tập trung vào các thành phố và làm tốt hơn những gì đang có để hệ sinh thái phát triển.

Anh Trần Trí Dũng hiện là Quản lý Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP); Phó Chủ tịch thường trực của Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (VSMA)
Anh Trần Trí Dũng hiện là Quản lý Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP); Phó Chủ tịch thường trực của Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (VSMA)

Chào anh Trần Trí Dũng, được biết anh là một trong những người đã dõi theo hệ sinh thái khởi nghiệp suốt một thời gian dài. Vậy những thành phần trong hệ sinh thái của chúng ta đã thay đổi như thế nào trong thời gian qua?

Nếu nhìn lại “hệ sinh thái” ở Việt Nam vào những năm 2014-2015 trước khi có Đề án 844 thì số lượng các thành phần tham gia rất ít ỏi. Chúng ta chỉ có 1-2 không gian làm việc chung, khái niệm về ‘vườn ươm’ mặc dù có nhưng các đơn vị hoạt động không nhiều. Nếu nói đến cố vấn khởi nghiệp ‘mentor’ thì gần như không có và nhà đầu tư thiên thần lại càng vắng bóng hơn.

Nhưng đến giờ 2021, lực lượng tham gia đã đông đảo hơn rất nhiều. Nếu so sánh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam với những trung tâm phát triển của thế giới thì quả thực họ có gì chúng ta cũng có nấy, không thiếu một thành phần nào. Các startup giờ có thể nhanh chóng tìm được những tổ chức hay nhà cố vấn sẵn sàng trên thị trường.

Giờ đây, các nhà sáng lập ở Việt Nam còn yêu cầu những dịch vụ phức tạp hơn trước. Họ khắt khe hơn trong việc chọn lựa các vườn ươm, cuộc thi hay thậm chí là nhà đầu tư. Thời điểm năm 2016, chúng ta sẽ nhìn thấy các vườn ươm cung cấp dịch vụ tương đối giống nhau.

Giờ đây, ngày càng có nhiều chương trình ươm tạo đi vào các ngành đặc thù - như tài chính có chương trình về fintech, nông nghiệp có chương trình dành riêng cho nông nghiệp sạch hoặc ứng dụng IoT, năng lượng có mảng chuyên sâu về năng lượng tái tạo,…

Bên cạnh đó, cũng có những chương trình hỗ trợ tập trung vào từng mức độ phát triển khác nhau của các startup – có chương trình tập trung vào hỗ trợ startup ở giai đoạn đưa từ ý tưởng thành sản phẩm mẫu, nhưng cũng có chương trình tập trung vào giai đoạn từ phát triển sản phẩm mẫu đến việc bán sản phẩm ra thị trường, hoặc giai đoạn mở rộng ra toàn cầu.

Như vậy, chúng ta đã bắt đầu tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh ngay trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là những khác biệt rất rõ ràng về chất lượng hệ sinh thái được nâng cao.

Nhưng so với thế giới, hệ sinh thái ở Việt Nam vẫn còn ở mức rất sơ khởi.Vậy chúng ta cần chuẩn bị những gì cho bước tiến tiếp theo?

Nếu chiếu theo thang đánh giá của Startup Genome về một hệ sinh thái theo 4 giai đoạn – Kích hoạt (Activation), Toàn cầu hóa (Globalization), Thu hút (Attraction) và Hội nhập (Integration) thì Việt Nam có lẽ bây giờ mới chuyển từ giai đoạn một sang giai đoạn hai.

Ở giai đoạn trước, chúng ta chủ yếu tạo nhận thức cho mọi người để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Nhưng Việt Nam đang dần đến giai đoạn cần có nhiều kết nối hơn với quốc tế. Ở giai đoạn đó, có hai việc quan trọng mà chúng ta phải làm.

Thứ nhất là tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là trao đổi nguồn lực với thế giới. Nguồn lực đó có thể là các startup – ở Việt Nam đã có những chương trình trao đổi startup với Hàn Quốc, Singapore, Mỹ…để đưa doanh nghiệp của Việt Nam ra nước ngoài và đưa doanh nghiệp từ nước ngoài vào Việt Nam.

Trong thời gian tới, chúng ta cần làm cho những chương trình đó phổ biến hơn để sự giao thoa với quốc tế không chỉ diễn ra ở mặt ý tưởng và công nghệ, mà còn là sự giao thoa về khả năng quản lý, phát triển các mô hình kinh doanh mới, và dần dần hướng tới việc giao thoa về dòng vốn.

Chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm với các startup và chuyên gia Việt Nam | Ảnh: SwissEP, 2017
Chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm với các startup và chuyên gia Việt Nam | Ảnh: SwissEP, 2017

Tôi cũng cho rằng chúng ta cũng nên đẩy mạnh việc đào tạo năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái – bao gồm các nhà quản lý vườn ươm, các cố vấn khởi nghiệp, các nhà đầu tư hay nhà quản lý – thông qua việc tiếp xúc nhiều hơn với các chuyên gia và đối tác quốc tế.

Trên thực tế, chúng tôi nhận ra rằng khoảng cách về trình độ của các chuyên gia trong nước không còn xa so với thế giới, thậm chí là ngang bằng nếu nói đến việc nắm bắt các lý thuyết hoặc mô hình mới. Nhưng các chủ thể của Việt Nam có ít trải nghiệm hơn so với những người đến từ các hệ sinh thái đã có thời gian dài phát triển. Do vậy, khi tiếp xúc, các chuyên gia nước ngoài có thể giúp chúng ta nhìn thấy những điểm mà người chưa đi qua chưa thấy.

Thêm vào đó, những chuyên gia và đối tác nước ngoài này cũng mang đến những kết nối quốc tế quý giá, giúp chuyên gia của Việt Nam tham gia vào những mạng lưới rộng lớn hơn và có nguồn lực tốt hơn để hỗ trợ startup.

Vậy còn điểm chuẩn bị thứ hai mà anh muốn nói đến là gì?

Điểm thứ hai là cần vận dụng các chính sách đang có hiệu quả để hỗ trợ nhiều và tốt hơn cho startup. Điều này thực sự liên quan đến sự thay đổi về tư duy của những nhà thiết kế và thực thi chính sách.

Có thể nói, đổi mới sáng tạo sẽ cần tư duy mới. Mặc dù chính sách thường đi sau thực tiễn, nhưng chính sách về đổi mới sáng tạo sẽ lại càng có độ trễ hơn vì nó đang cố gắng tạo ra khuôn khổ cho một thứ chưa từng có từ trước đến nay. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng cảm từ cả những nhà sáng lập lẫn những người tạo dựng chính sách trong việc định hình “sân chơi” mới.

Tín hiệu tích cực là Việt Nam đang thay đổi quy trình chính sách. Hiện nay, các cơ quan tư vấn, thiết kế chính sách, thậm chí là đơn vị triển khai hỗ trợ startup như Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) đã thường xuyên tổ chức những buổi đối thoại trực tiếp với những thành phần trong khu vực tư nhân. Đây là cách làm mới so với trước kia.

Vì lắng nghe từ sớm nên họ có thể nắm bắt các nhu cầu, mong muốn của những đối tượng thụ hưởng, từ đó cho ra đời các chính sách nhanh hơn và sát thực hơn.

Nhắc đến các hệ sinh thái địa phương, gần đây hai thành phố của Việt Nam là TP.HCM và Hà Nội đã xuất hiện trong Top các hệ sinh thái khởi nghiệp mới nổi trên toàn cầu. Anh nghĩ sao về điều này?

Đó là tin vui, rất đáng mừng. Năm nay, theo bảng xếp hạng 100 hệ sinh thái mới nổi toàn cầu của Startup Genome, TP.HCM đứng trong nhóm 61-70, trong khi Hà Nội lần đầu có mặt trong bảng xếp hạng này và thuộc nhóm 91-100. Tương tự, với bảng xếp hạng của Startup Blink, TP.HCM năm nay đã tăng 46 bậc, xếp thứ 179 toàn cầu và cao hơn Hà Nội, vừa tăng 5 bậc lên vị trí 191.

Việc các thành phố của Việt Nam bắt đầu có tên trong các bảng xếp hạng hệ sinh thái quốc tế rất có ý nghĩa. Bởi nó sẽ giúp Việt Nam xuất hiện trên bản đồ khởi nghiệp thế giới. Từ đó, chúng ta sẽ thu hút được nhiều nguồn lực đến Việt Nam hơn và đưa các startup Việt Nam ra thế giới dễ dàng hơn.

Chúng ta hay nói về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, nhưng thực chất trái tim của hệ sinh thái phải là địa phương, không phải là quốc gia?

Đúng vậy. Mức độ phát triển của hệ sinh thái địa phương, thường là thành phố hay đô thị tập trung phát triển, có nhiều ý nghĩa gợi ý hành động cho các nhà sáng lập, nhà đầu tư, và các thành phần tư nhân của hệ sinh thái. Không ngẫu nhiên mà các tổ chức đánh giá khởi nghiệp như Startup Genome và Startup Blink đều đánh giá hệ sinh thái trên quy mô thành phố.

Nói hệ sinh thái của một đất nước thì quá rộng lớn và liên quan nhiều đến các chính sách vĩ mô. Nhưng khi chọn một điểm để đặt chân làm ăn kinh doanh, bất kì một startup hay nhà đầu tư nào đều sẽ quan tâm đến những địa điểm cụ thể, chẳng hạn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ...

Họ sẽ đặt câu hỏi, liệu nơi đó có phải là “mảnh đất” màu mỡ để gieo mầm khởi nghiệp? Liệu các “kết nối” tại đó có thuận tiện và diễn ra nhanh chóng, với chi phí phải chăng? Liệu đó có phải là nơi đáng sống để thu hút những “nhân lực tài năng” tới làm việc và phục vụ cho công ty? v.v. Những câu hỏi rất cụ thể và cần câu trả lời rõ ràng, chi tiết.

Những chính sách ở một địa phương rất quan trọng để tạo nên sức hút và bản sắc của chính hệ sinh thái đó. Tôi hi vọng rằng giai đoạn tiếp theo, Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn vào phát triển các hệ sinh thái ở các thành phố, địa phương, theo sát các tiêu chí mà quốc tế đang so sánh.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!