Dù tăng mạnh số công bố quốc tế, các trường đại học Trung Quốc lại chưa tạo ra được nhiều đổi mới độc đáo hoặc đột phá trong khoa học và kỹ thuật.
Suốt thập kỷ vừa qua, Trung Quốc rất chú trọng số lượng công bố trên các tạp chí được ghi nhận trong Danh mục Trích dẫn Khoa học (Science Citation Index - SCI). Nhà khoa học Trung Quốc xuất bản trên những tạp chí đó sẽ được thưởng công xứng đáng; đồng thời cơ hội thăng tiến và cơ hội nhận các chương trình tài trợ, mang lại thu nhập cá nhân và nguồn lực nghiên cứu, cũng rộng mở. Ví dụ, công bố một bài báo trên tạp chí hàng đầu thuộc danh mục SCI, nhà khoa học có thể được thưởng đến 85.000 USD. Nhờ thế, sản lượng bài báo SCI hằng năm của Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2019 đã tăng gần 4 lần - từ 120.000 lên 450.000.
Nghịch lý thay, số lượng công bố lại không được chuyển thành sự đổi mới công nghệ trong thực tế. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cho thấy Trung Quốc đang không kiểm soát được các công nghệ chủ chốt, cũng như thiếu sở hữu trí tuệ. Giờ đây, các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc bị coi là không đạt yêu cầu trong việc phát triển và chuyển giao các công nghệ quan trọng.
Một nhà nghiên cứu thuộc chương trình hợp tác giữa Bệnh viện Đông Thượng Hải của Trường ĐH Đồng Tế và Công ty Stermirna Therapeutics nhằm phát triển vaccine COVID mRNA, Thượng Hải, 29/1/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã
Theo Shi Yigong, một nhà khoa học hàng đầu ở Trung Quốc, chiến dịch thúc đẩy công bố bài báo khoa học như hiện nay không đồng nghĩa với việc thúc đẩy khoa học và kỹ thuật, mà rất có thể nó chỉ tạo ra vẻ ngoài hào nhoáng.
Nhận thấy tình trạng này, tháng 2/2020, Bộ Giáo dục và Bộ KH&CN Trung Quốc đã ra chính sách mới, chính thức không khuyến khích sử dụng SCI làm tiêu chí chính đánh giá nghiên cứu như trước đây. Cụ thể, các chỉ số liên quan đến SCI (ví dụ, số bài báo được xuất bản trên các tạp chí thuộc danh mục SCI, hệ số tác động Impact Factor của các tạp chí, và số lượt trích dẫn) không được coi là bằng chứng trực tiếp về thành tích nghiên cứu, và việc thưởng tiền cho các nhà nghiên cứu có công bố trên các tạp chí thuộc danh mục SCI cũng bị cấm.
Sau đó, tháng 12/2020, trong hướng dẫn liên quan đến nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên đại học, Bộ Giáo dục yêu cầu chấn chỉnh việc “đánh giá các bài báo dựa trên nơi xuất bản và coi trọng quá mức các tạp chí được chỉ mục trong danh sách SCI”.
Gần đây, ngày 21/5/2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng ban hành một hướng dẫn nhằm điều chỉnh cơ chế thẩm định kết quả nghiên cứu KH&CN, chỉ ra các vấn đề của việc đánh giá kết quả nghiên cứu chỉ dựa trên các chỉ số và các tiêu chí định lượng một cách mù quáng; đồng thời kêu gọi giới quản lý khoa học đưa ra một hệ thống đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thị trường và tác động thực tế từ trung hạn đến dài hạn. Hướng dẫn này cho thấy tính cấp thiết của việc sửa đổi quy trình thẩm định nghiên cứu ở Trung Quốc.
Trớ trêu là hầu hết các nhà nghiên cứu tại các trường đại học Trung Quốc đang xuất bản nhiều bài báo hơn, và ngày càng có nhiều trường đại học Trung Quốc lọt vào bảng xếp hạng toàn cầu nhờ số lượng công bố quốc tế và số lượt trích dẫn của họ; nhưng mặt khác, Mỹ vẫn dễ dàng tận dụng các điểm nghẽn về công nghệ của Trung Quốc để nắm yết hầu nước này trong cuộc chiến thương mại song phương.
Các cơ sở dữ liệu xuất bản khoa học quốc tế ghi nhận Trung Quốc đã vượt xa Mỹ về số lượng công bố trong các lĩnh vực như khoa học vật liệu, khoa học máy tính, kỹ thuật, hóa học, toán học và vật lý. Nhưng trên thực tế, hầu hết trong số 35 điểm nghẽn công nghệ của Trung Quốc được nêu ra mới đây đều liên quan đến các lĩnh vực mà Trung Quốc vượt Mỹ về số lượng công bố.
Hai thập kỷ qua, chính phủ đã đầu tư mạnh tay vào một số chương trình xuất sắc (Dự án 211, Dự án 985 và “Double First Class”) hoặc chương trình khen thưởng (Kế hoạch Ngàn Nhân tài, Giải thưởng Học giả Cheung Kong…) nhằm tạo ra các trường đại học đẳng cấp thế giới. Nhiều chính quyền cấp tỉnh cũng học theo và dành nguồn lực cho các chương trình xuất sắc ở địa phương với các tiêu chí lựa chọn tương tự: dựa vào số lượng bài báo trên các tạp chí có hệ số tác động cao. Tất cả những nỗ lực tìm kiếm này tạo ra “cơn khát” bài báo khoa học” mà không cần quan tâm đến các yếu tố khác.
“Cơn khát” công bố quốc tế cùng tâm lý “chuộng SCI” đã thúc đẩy các trường đại học và nhà nghiên cứu tập trung vào việc giải quyết mục tiêu trước mắt, tức là xuất bản để giành chỗ trong các chương trình xuất sắc hoặc giành phần thưởng, tài trợ.
Họ tập trung làm sao để tăng năng suất xuất bản, với các nghiên cứu có thể nhanh chóng công bố. Một số thậm chí còn thực hiện các thủ thuật để xuất bản trên nhiều tạp chí SCI. Việc theo đuổi các chỉ số xuất bản làm cản trở hiệu suất thực sự hoặc các mục tiêu dài hạn, chỉ để lại kết quả ngắn hạn và trung hạn thay vì tạo ra các đổi mới căn bản trong hệ thống KH&CN.
Các biện pháp chính sách mới trong hai năm trở lại đây thể hiện nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc phá vỡ vòng tròn “cơn khát bài báo khoa học” và “sản xuất bài báo” - tình huống làm cho nền sản xuất tri thức của nước này dường như đang bị mắc kẹt.
Nhưng chính phủ Trung Quốc lại chưa đưa ra được cơ chế thẩm định thay thế. Ngoài ra, nhìn chung, việc đầu tư cho nghiên cứu vẫn tập trung vào các tổ chức và nhà nghiên cứu “hàng đầu”, do đó các nhà nghiên cứu vẫn có động lực xuất bản thật nhiều trên các tạp chí có hệ số tác động cao, tạo ra nhiều trích dẫn để trường đại học của họ duy trì vị trí trong xếp hạng học thuật. Thậm chí, nếu các chính sách mới làm thụt lùi kết quả của các trường đại học trên các bảng xếp hạng thế giới, thì chính phủ (và cả các trường đại học) có thể muốn quay lại với hệ thống đánh giá cũ.
“Cơn khát” công bố quốc tế cùng tâm lý “chuộng SCI” đã thúc đẩy các trường đại học và nhà nghiên cứu tập trung vào việc giải quyết mục tiêu trước mắt, tức là xuất bản để giành chỗ trong các chương trình xuất sắc hoặc giành phần thưởng, tài trợ. |
Theo Universityworldnews.com