Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi ở nhiều trang trại chăn nuôi đã dẫn đến việc không ít gia súc, gia cầm trở thành “vật chủ” của nhiều vi khuẩn kháng rất nhiều loại kháng sinh khác nhau như vi khuẩn E. coli hay Salmonella.
Kháng cả chục loại kháng sinh
Hiện tượng kháng kháng sinh từ lâu đã không còn là một thuật ngữ xa lạ ở trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, những nghiên cứu về chủ đề này, đặc biệt là các nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi mới chỉ xuất hiện trong khoảng 20 năm trở lại đây.
Là người đã gắn bó với các nghiên cứu về kháng kháng sinh tại Việt Nam từ những ngày đầu, TS. Trương Hà Thái (Bộ môn Vi sinh vật - Truyền nhiễm, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay, ban đầu, anh chủ định tìm hiểu về việc tại sao cùng là một loại bệnh trên động vật nhưng có nơi chữa trị rất dễ dàng mà có nơi lại điều trị khó khăn. Sau vài năm thực hiện và theo dõi tình hình ở các nước trong khu vực, nhà khoa học này quyết định tập trung vào một khía cạnh quan trọng, đó là hiện tượng kháng kháng sinh của một số loại vi khuẩn trong chăn nuôi, và một số loại vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm cho con người.
Để khảo sát hiện trạng thực tế, anh và các đồng nghiệp tìm đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc các khu chợ - một điểm trung gian giữa nông trại và “bàn ăn”, có khả năng làm lây lan các vi khuẩn - để thu các mẫu thịt bò, lợn, gà tươi, cũng như tiến hành lấy mẫu ở các trang trại chăn nuôi tại một số tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng.
Các mẫu này sau đó được đưa về phòng thí nghiệm trong nước để phân lập vi khuẩn và kiểm tra khả năng kháng kháng sinh của chúng, khi cần thiết, mẫu DNA của các chủng vi khuẩn này cũng được gửi sang một số phòng thí nghiệm khác ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc để phân tích. Nhóm tập trung vào phân lập và nghiên cứu hiện tượng kháng kháng sinh ở một số loại vi khuẩn như E. coli, Salmonella, Staphylococcus… - các vi khuẩn có mặt ở khắp nơi và được coi là vi khuẩn chỉ điểm về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm - nhằm tìm hiểu mối liên quan giữa việc sử dụng kháng sinh ở trang trại với hiện tượng kháng kháng sinh ở các loại vi khuẩn này.
Và kết quả cho thấy, vi khuẩn kháng kháng sinh xuất hiện trong cả một chuỗi từ vật nuôi trang trại cho đến thịt thành phẩm bán trong siêu thị. Đáng lo ngại là các loại vi khuẩn phân lập được (như E. coli, Salmonella, Staphylococcus) đều có tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao. Ví dụ, khi anh và cộng sự phân lập các vi khuẩn Salmonella và E. coli từ nước thải, hậu môn, phân, manh tràng, nền lò mổ tại 15 trang trại chăn nuôi lợn ở năm tỉnh thành phố ở miền Bắc, và các mẫu thịt, nước dùng giết mổ... tại hai cơ sở giết mổ có liên hệ với các trang trại này, thì tỉ lệ kháng với các kháng sinh được kiểm tra lần lượt là 81,5% và 78,0% với streptomycin, 78,3% và 89,0% với tetracycline, và 55,6% và 64,0% với ampicillin. Đáng lưu ý, rất nhiều trong số các chủng Salmonella và E. coli được phân lập cho thấy chúng đã bị giảm độ nhạy cảm với các kháng sinh thuộc nhóm quinolone (như ciprofloxacin, norfloxacin, nalidixic acid) cũng như kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ ba .
Mặt khác, phạm vi kháng kháng sinh của các vi khuẩn phân lập được lại khá rộng. Hầu hết các loại vi khuẩn đều có khả năng kháng lại ít nhất một loại kháng sinh được kiểm tra, trong đó có những chủng vi khuẩn đa kháng - kháng 3-5 thậm chí 7-8 loại kháng sinh cùng lúc.
Ví dụ khi thu thập 586 mẫu thịt gà và thịt lợn bán trong các chợ bán lẻ, anh và cộng sự phát hiện ra các thuốc bị kháng thường xuyên nhất là tetracyclin với tỉ lệ 58,5%, sulphonamid là 58,1%, streptomycin là 47,3%, ampicilin là 39,8%, cloramphenicol là 37,3%, tri methoprim là 34,0% và axit nalidixic là 27,8%. Đặc biệt, có 159 mẫu thuộc 14 tuýp Salmonella khác nhau kháng với nhiều loại kháng sinh, trong đó, 14,9% mẫu kháng từ 7-9 loại kháng sinh, và 8,3% mẫu kháng nhiều hơn 9 loại kháng sinh.
“Tại Việt Nam, các loại vi khuẩn đang ngày càng có xu hướng kháng với các loại kháng sinh thế hệ mới. Và các nghiên cứu được công bố tại Việt Nam cũng như các nước đang phát triển cũng cho thấy, hiện tượng kháng kháng sinh trong chăn nuôi, thú y vẫn đang tiếp tục gia tăng”, TS. Hà Thái bày tỏ lo ngại, “Điều này chứng tỏ việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và trong thú y đang bị lạm dụng”.
Dùng kháng sinh như liều kích thích tăng trưởng
Dù nghiên cứu của nhóm TS. Trương Hà Thái chỉ tập trung vào hai loại vi khuẩn, tuy nhiên, “với cách sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay, tôi lo ngại rằng các vi khuẩn khác cũng có xu hướng kháng kháng sinh tương tự”, TS. Hà Thái nói. Anh giải thích, hiện nay, vấn đề sử dụng kháng sinh quá liều hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa bệnh và kích thích tăng trưởng ở các trang trại chăn nuôi vẫn đang là một vấn nạn chưa được giải quyết triệt để.
“Người chăn nuôi vẫn có thói quen sử dụng kháng sinh cho vật nuôi theo lời ‘truyền miệng’, cho rằng khi sử dụng kháng sinh liều nhỏ sẽ có tác dụng giúp vật nuôi lớn nhanh hơn, ít mắc bệnh hơn, một phần do hiểu biết chưa đầy đủ cộng với tâm lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh””, TS. Hà Thái lý giải. Bên cạnh đó, “đến khi vật nuôi mắc bệnh thì người dân thường có tâm lý nôn nóng muốn vật nuôi khỏi nhanh, không thích dùng đúng liều mà lại phải ‘bốc thuốc’ thật nặng lên, dùng liều lượng cao và thuốc hoạt phổ rộng để rút ngắn chu trình điều trị, mong không trúng bệnh này sẽ trúng bệnh khác…”.
Và mức độ nguy hiểm của cách dùng kháng sinh bừa bãi ấy thì có lẽ những kết quả nghiên cứu về hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn trong phần trên của bài đã nói lên phần nào. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Bởi, những vi khuẩn kháng kháng sinh ấy không chỉ tồn tại ở vật nuôi mà còn xuất hiện ở bên ngoài môi trường và phát tán đi khắp nơi, thậm chí có khả năng xâm nhập vào cơ thể của con người trong quá trình ăn, uống, sinh hoạt thường ngày. Không chỉ vậy, các gene quy định khả năng kháng kháng sinh ở vi khuẩn cũng có thể lan truyền từ loài vi khuẩn này sang loài vi khuẩn khác, tạo nên các chủng vi khuẩn kháng thuốc không mong muốn.
“Một khi đã mắc các bệnh gây nên bởi những vi khuẩn kháng thuốc ấy thì hoặc là nguy cơ tử vong sẽ rất cao, hoặc là chi phí điều trị sẽ vô cùng tốn kém”, TS. Hà Thái cảnh báo. Đấy là chưa kể, nếu người chăn nuôi không tuân thủ đủ thời gian giãn ngưng thuốc sau khi động vật được điều trị và trước khi bán sản phẩm hay giết mổ động vật, lượng kháng sinh tồn dư trong thịt có thể khiến người tiêu dùng vô tình “uống thuốc” mà không biết, khiến các loại vi khuẩn trong cơ thể được “tiếp xúc” với kháng sinh liều thấp và lại dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh.
Điều này đặc biệt nguy hiểm khi qua các khảo sát, có thể thấy hiện nay, hầu hết các loại kháng sinh thể hệ cũ đã bị nhiều loại vi khuẩn gây bệnh kháng lại, chỉ có những loại kháng sinh mới thì các vi khuẩn vẫn còn mẫn cảm, theo chia sẻ của TS. Hà Thái. “Theo kết quả của một số nghiên cứu trên thế giới, các loại vi khuẩn hiện nay có xu hướng kháng kháng sinh rất nhanh. Nhiều khi chỉ khoảng vài tháng hoặc vài năm sau khi loại kháng sinh mới được đưa ra là đã bị một số hoặc hầu hết loại vi khuẩn kháng lại. Một số nhà nghiên cứu về kháng sinh đã nói rằng, với tốc độ kháng kháng sinh như hiện giờ, công nghệ sẽ không đáp ứng đủ để tạo ra những loại kháng sinh mới cho con người hoặc vật nuôi khi mắc bệnh”, anh nói.
Vậy có giải pháp nào có thể cứu vãn tình trạng đáng buồn này không? “Nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý, có các quy trình chăn nuôi phù hợp thì có thể sẽ giảm được tình trạng lạm dụng thuốc và hiện tượng kháng kháng sinh”, TS. Hà Thái cho biết. Có một tín hiệu đáng mừng là hiện nay, nhà nước đang có các chương trình quốc gia và giám sát dịch bệnh trong chăn nuôi, chương trình tiêm phòng, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, cũng như chương trình “một sức khỏe”, chương trình “quốc gia phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản” hay chương trình “kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc”.
Người dân cũng đang được khuyến khích chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế việc sử dụng kháng sinh và thay vào đó là thực hiện quy trình quản lý chặt chẽ trong chăn nuôi, sử dụng các loại kháng sinh thảo dược và sử dụng kháng sinh đúng cách. “Tuy nhiên, đây vẫn là thách thức lớn trong tương lai vì khi áp dụng các giải pháp như vậy thì giá thành sản xuất sẽ cao, số lượng sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như túi tiền của hầu hết gia đình với mức thu nhập hiện nay”, TS. Hà Thái chia sẻ.
Tham khảo:
[1] Nghiên cứu “Antibiotic resistance profiles of Salmonella serovars isolated from retail pork and chicken meat in North Vietnam” đăng trên tạp chí International Journal of Food Microbiology.
[2] Nghiên cứu “High prevalence of Antibiotic Resistance in Salmonella and Escherichia coli isolated from Pig farms and Slaughterhouses in North Vietnam” đăng trên tạp chí Journal of Agriculture and Technology Management.