Nếu châu Âu có thể tập hợp được nguồn lực để thiết lập một hệ định vị vệ tinh toàn cầu độc lập, thì tại sao không thể đối với ngành công nghiệp phần mềm?

Tại châu Âu, các công ty Mỹ trở thành những nhà cung cấp duy nhất về các phần mềm thiết yếu như email, ứng dụng văn phòng, dịch vụ đám mây… Tuy nhiên các công ty EU giờ cũng muốn bắt lấy một làn sóng chính sách về chủ quyền công nghệ để vượt qua thách thức này. “Tôi đã gặp may mắn với công nghệ được làm ở California, và tôi thực sự yêu thích nó. Nhưng kết quả là châu Âu lại có rất ít tiếng nói trong các công nghệ kỹ thuật số của tương lai”, Lechelle - CEO của công ty phần mềm Scaleway nói: “Tình hình hiện tại là ở châu Âu, 100% công nghệ mà chúng tôi có là từ Thâm Quyến và California. Do đó tôi muốn cân bằng tình trạng hiện tại”.

Ủy viên phụ trách thương mại của EU Thierry Breton (thứ hai từ trái sang tới thăm gã khổng lồ công nghệ châu Âu ASML, một thành viên trong Liên minh bán dẫn châu Âu, một dự án lớn liên quan đến tương lai của các công nghệ số. Nguồn: ec.europa.eu

Geert Van Grootel, một nhà nghiên cứu từ Bỉ tham gia dự án về siêu máy tính châu Âu EuroHPC Joint Undertaking, cho rằng “Nếu anh không có công nghệ của mình cho 20 năm tới thì trong một thế giới số hóa một cách đầy đủ, anh phải hoàn toàn dựa vào các nhà cung cấp nước ngoài”.

Hội đồng châu Âu đang phụ thuộc vào việc hấp thụ các dịch vụ số và sự phát triển của nhiều công nghệ mới để giảm thiểu khí nhà kính của lục địa gìà và phục hồi sau đại dịch. Cùng thời điểm này, EU muốn trở nên ít phụ thuộc vào các công nghệ từ bên ngoài. Ủy viên phụ trách thương mại của EU là ông Thierry Breton hiện đang đi đầu cho “tự trị chiến lược mở”, một kế hoạch khuyến khích phát triển công nghệ ở các vùng và chế tạo các công nghệ số quan trọng như máy tính lượng tử, các bộ vi xử lý và trí tuệ nhân tạo.

Các công ty khởi nghiệp số thành công ở châu Âu hiện đã bị các công ty đa quốc gia của Mỹ thâu tóm hoặc chủ động chuyển sang Mỹ để “hứng” đầu tư mà họ cần để tăng trưởng. Skype, công ty cung cấp phần mềm hội thảo online cho toàn cầu được thành lập ở Estonia, và khi trở thành một ngôi sao công nghệ ở châu Âu, đã được Microsoft mua lại vào năm 2011 với mức giá 8,5 tỉ euro.

UiPath, một công ty chuyên về xử lý tự động được thành lập tại Romania nhưng chuyển trụ sở sang New York khi được đưa vào sàn giao dịch chứng khoán New York vào tháng tư. Công ty này hiện được định giá 35 tỉ euro.

Pháp dẫn đầu

Hiện Pháp mới loan báo là từng dịch vụ số mới của chính phủ phải được dựa trên cơ sở một dịch vụ đám mây công cộng. Họ cũng đang lập kế hoạch số hóa các dịch vụ hành chính công và cung cấp phần mềm cho các cá nhân và tổ chức với mục tiêu củng cố uy quyền số của Pháp. “Sự chuyển đổi này cần phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng đám mây tiên tiến và có chủ quyền”, bà Amélie de Montchalin, Bộ trưởng Phụ trách Cải cách hành chính công của Pháp, nói.

Pháp và Đức đều cùng tham gia thúc đẩy thiết lập GAIA-X, một nền tảng điện toán đám mây hướng đến việc tạo ra các tiêu chuẩn châu Âu chung cho các dịch vụ đám mấy và thách thức sự lấn át của các nhà cung cấp Mĩ như Amazon, Microsoft và Google. Hệ thống này có thể sẽ đưa châu Âu đến việc sử dụng các dịch vụ đám mây của bất kỳ nhà cung cấp nào và có thể thay đổi các nhà cung cấp này mà không gặp phải bất kỳ khó khăn nào, trong khi vẫn được hưởng lợi từ việc minh bạch hoàn toàn về những người truy cập dữ liệu.

Trong nhiều trường hợp, Pháp đã thúc đẩy sáng kiến này và đưa ra những đổi mới sáng tạo mang tính đột phá, Bert Hubert, đồng sáng lập công ty phần mềm Hà Lan PowerDNS, nói. Pháp là nơi thành lập của Minitel, một công ty dịch vụ trực tuyến thành công nhất trước khi trang web toàn cầu www ra đời, và là quốc gia đầu tiên trên thế giới lắp đặt dịch vụ tàu hỏa tốc độ cao vào năm 1981.

Các nhà đổi mới sáng tạo số muốn thấy động thái của Pháp trong việc đặt tất cả các dịch vụ công lên đám mây công cộng gắn kết với nhiều kế hoạch hữu hình hơn. “Tôi thích thấy thêm nhiều sáng kiến cụ thể”, như xây dựng một cơ sở hạ tầng email châu Âu để có thể cạnh tranh với những nền tảng của Mỹ”, Hubert nhấn mạnh.

Minitel và những ví dụ khác cho thấy Pháp có “một tác động lớn hơn và một cách tiếp cận lớn hơn là một quốc gia có quy mô trung bình có thể có”, Hubert nói, ngụ ý đến những đổi mới sáng tạo mà Pháp đã tạo ra trong quá khứ. Nhưng việc tái lặp những thành công trong quá khứ ở ngày hôm nay đang là thách thức bởi các chính phủ trên khắp châu Âu có thể cần cam kết để xây dựng các cơ sở hạ tầng số khắp châu Âu. Theo triển vọng thì Chính phủ Hà Lan “đang có một nền tảng vững chắc cho kế hoạch này”, Hubert nhận xét.

Tuy nhiên, đã có những hình mẫu chính cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng số. Châu Âu đã có hệ định vị vệ tinh của riêng mình mang tên Galileo, điều này cho thấy một sự thật là các quốc gia đã cùng nhau quyết định và thực hiện mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc của mình vào công nghệ GPS do quân đội Mỹ phát triển. “Giờ thì anh có thể nhận trở thành nhà cung cấp dịch vụ định vị cho khách hàng từ Trung Quốc, Nga, Mỹ và cả châu Âu nữa. Đây là một tình huống tốt với chúng tôi”, Hubert nói. “Một sự cân bằng đẹp so với trước đây”.

Các công ty phần mềm châu Âu muốn thấy điều tương tự xảy ra ở lĩnh vực của họ, nhưng điều này đòi hỏi sự điều phối giữa các chính phủ về quan hệ với các công ty phần mềm và dịch vụ đám mây có tính cạnh tranh cao của Mỹ, vốn đang thiết lập các văn phòng đại diện tại châu Âu, đồng thời đưa ra kế hoạch thúc đẩy khả năng cạnh tranh của nhiều công ty châu Âu hơn. “Tôi hi vọng chúng tôi có thể quay về được với tình huống như vậy để chúng tôi có thể lựa chọn và chọn lấy các công nghệ mình cần chứ không phải là ôm lấy tất các công nghệ có từ ngoài châu Âu”, Hubert cho biết.

Một loại thuế mới về các dịch vụ số sẽ được đưa ra bàn luận cho đến khi nhóm G20 các nhà lãnh đạo thế giới cùng đi đến một thỏa thuận về một mức 15% thuế doanh nghiệp toàn cầu. Nếu được thông qua, thuế các dịch vụ số có thể sẽ làm khép lại các mức thuế ưu tiên ở châu Âu dành cho các công ty lớn như Amazon, Google, Facebook và Microsoft.

Với Jeff Bullwinkel, giám đốc các vấn đề luật và nội bộ công ty tại Microsoft, việc tập trung vào quyền uy số của châu Âu sẽ lèo lái sự cạnh tranh kinh tế và thúc đẩy sự xuất hiện của các nhà vô địch công nghệ tại châu Âu. “Điều đó có nghĩa là châu Âu thực sự bảo vệ các công dân, giữ gìn anh ninh quốc gia đi kèm phát triển kinh tế”, ông nói.

Nguồn: sciencebusiness.net,
politico.eu