Các tập đoàn đa ngành lâu nay đã kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đại học, nhưng liệu họ có thực sự tạo được dấu ấn?
Tiếp tục đi qua lối đi bộ nằm phía trên các chuồng hổ và thuyền chuối tạo nên công viên giải trí Sunway Lagoon, cuối cùng cũng đến khuôn viên trường. Đại học Sunway là một trong những đại học tư thục hàng đầu của Malaysia [được QS đánh giá 5 sao ở ba lĩnh vực: Giảng dạy, Việc làm, Cơ sở vật chất], đồng thời là niềm tự hào của Sunway Group, tập đoàn đa ngành đã thành lập trường vào năm 2004.
Các trường đại học như Sunway xuất hiện ở khắp châu Á trong nhiều thập kỷ qua: Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH) của Hàn Quốc được thành lập vào những năm 1980 bởi một công ty thép, hay Đại học Teknologi Petronas của Malaysia được thành lập vào cuối những năm 1990 bởi tập đoàn dầu khí Petronas. Mới hơn – Trường Đại học VinUni của tập đoàn Vingroup, Việt Nam, được động thổ vào năm 2018, cùng năm Đại học Jio được thành lập bởi công ty mẹ [Reliance Industries Limited] của công ty viễn thông Jio nổi tiếng nhất Ấn Độ.
Đối với các tập đoàn lớn, việc thành lập trường đại học có vẻ là một động thái bất thường vì nó khó có thể đem lại lợi nhuận cho họ như ở các lĩnh vực họ đã kinh doanh. Nhưng còn có những động cơ thúc đẩy khác. Trong một số trường hợp, ban lãnh đạo tập đoàn cảm thấy họ cần can dự nếu muốn bảo đảm có được nguồn sinh viên giỏi cho việc mở rộng nhân lực của mình; trong khi một số khác được chính phủ trông cậy hoặc chỉ đơn giản là có mong muốn góp phần vào sự phát triển của quốc gia. Thông thường, đó là sự kết hợp của tất cả những lý do nêu trên.
Dù động cơ là gì thì nhiều trường đại học thuộc các tập đoàn kinh tế cũng đang tạo ra tác động. “Những trường nổi tiếng… thực sự nằm trong số những trường tốt nhất ở mỗi nước,” Philip Altbach, giáo sư danh dự tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế của Đại học Boston, nói.
Giới lãnh đạo các trường đại học này ca ngợi lợi thế của việc có một nhà bảo trợ phi truyền thống và đặc biệt là việc được giải phóng khỏi lề lối quan liêu đang cản trở rất nhiều trường đại học công lập.
“Văn hóa ở đây thiên mạnh về hành động và tôi đã chứng kiến VinUni hoàn thành công việc theo những cách mà tôi chưa từng thấy trước đây,” Giáo sư David Bangsberg, hiệu trưởng nhà trường, cho biết. “Toàn bộ khuôn viên trường, một khuôn viên đẹp đẽ, được xây trong vòng 14 tháng. Khi tôi thành lập một trường y tế công cộng mới [ở Mỹ], tôi phải mất năm năm để xây một tòa nhà.”
Và ông nói thêm, “các phương pháp quản lý, các nghiệp vụ kế toán tài chính đều xuất sắc, bởi vì chúng tôi thuộc về một tập đoàn đa quốc gia giàu kinh nghiệm”.
Một số học giả cũng tin rằng các trường đại học thuộc tập đoàn kinh tế có vị thế tốt để phát triển cơ hội việc làm - một số sinh viên của họ tiếp tục làm việc cho công ty mẹ của trường cũ.
Ví dụ, tại Đại học Sunway, sinh viên có cơ hội thực tập tại Tập đoàn cũng như các tổ chức khác. Sibrandes Poppema, hiệu trưởng nhà trường, cho biết, không có ưu tiên nào cho sinh viên của trường trong quá trình tuyển dụng vào Sunway sau khi họ tốt nghiệp, nhưng được thực tập tại Tập đoàn vẫn là một cơ hội tiếp cận việc làm tuyệt vời.
“Nhưng tôi sẽ không vui lắm nếu tất cả sinh viên của mình bắt đầu làm việc cho Sunway vì tôi hiểu rằng khi đó sức cạnh tranh của chúng tôi sẽ không còn được như hiện nay. Bởi vậy, điều thực sự quan trọng là sinh viên có việc làm ở các loại công ty khác nhau.”
Nhìn chung, Giáo sư Altbach giải thích, các trường đại học thuộc tập đoàn kinh tế được đánh giá tích cực ở các nước có thu nhập trung bình, nơi các trường công lập chịu nhiều bó buộc có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu. Những trường tư thục này có thể làm những việc mà khu vực công hiện nay chưa làm được. Một phần do họ có tiền, nhưng một phần do họ không bị quan liêu và có cách suy nghĩ mới - ông nói.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Altbach, bên cạnh những trường xuất sắc nhất có thể góp phần thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học, thì cũng có một đối cực “nhếch nhác” gồm các trường chất lượng thấp được doanh nghiệp thành lập theo cách hoàn toàn vụ lợi. Ví dụ như trường hợp các nhà phát triển bất động sản ở Indonesia và Philippines hút người mua nhà bằng cách hứa hẹn sẽ mở những trường đại học mới mà trên thực tế khó có khả năng cung cấp giáo dục chất lượng.
Và ngay cả trong nhóm những trường tốt nhất, phạm vi tiếp cận cũng hạn chế, xét về nhân khẩu học. Giáo sư Altbach cho biết: “Mặc dù có túi tiền dồi dào nhưng nhìn chung, họ vẫn phụ thuộc vào học phí.” Nói cách khác, họ có xu hướng thu hút những người có khả năng trả học phí cao hơn - sinh viên từ các gia đình trung lưu và thượng lưu - và điều này không giúp cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục đại học.
Tùy thuộc vào cách thức thành lập, trường đại học trực thuộc tập đoàn kinh tế cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của những biến động trên thị trường và ý muốn bất chợt của cổ đông. Ví dụ, Đại học Sunway chỉ thoát khỏi móng vuốt của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 trong gang tấc nhờ người sáng lập Tập đoàn, do lo sợ phá sản, đã chuyển trường sang quyền kiểm soát của một tổ chức phi lợi nhuận.
Giáo sư Bangsberg, Hiệu trưởng VinUni, cho biết, để bảo đảm sự bền vững, trường đang tìm cách phát triển các nguồn doanh thu mới, bao gồm học phí và các khoản tài trợ nghiên cứu. “Tinh thần khởi nghiệp đã lan đến trường,” ông nói. “Thách thức lớn nhất là chúng tôi phải chế tạo máy bay trong khi lái nó.”
Nguồn:
Đăng số 1298 (số 26/2024) KH&PT