Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin, dù diễn ra vỏn vẹn trong vòng hai ngày (19 đến 20/6/2024), nhưng đã để lại dấu ấn quan trọng với 11 văn kiện hợp tác được ký kết. Trong số 11 văn kiện này có hai văn kiện quan trọng với KH&CN Việt Nam, đó là Bản Ghi nhớ về lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam giữa Bộ KH&CN và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom và Bản Ghi nhớ giữa Trung tâm Nghiên cứu KH&CN Nhiệt đới hỗn hợp Việt - Nga và Cơ quan Liên bang Nga về Giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an sinh con người về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm để phòng chống dịch bệnh.
Với ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, bản ghi nhớ về lộ trình dự án KH&CN hạt nhân quốc gia với Rosatom này mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi năm 2024 còn đánh dấu thời điểm kỷ niệm 40 năm khánh thành công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (20/3/1984 – 20/3/2024), một công trình để lại dấu ấn cho sự phát triển không chỉ của ngành năng lượng nguyên tử mà còn nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam. Bốn thập niên đã trôi qua kể từ ngày khôi phục một lò phản ứng mà nhiên liệu đã bị thu hồi còn lõi lò đã bị hư hỏng nặng, sự hỗ trợ của nền hạt nhân Nga đã làm hồi sinh cả một thiết bị quan trọng và đem lại cho nó một đời sống mới, một vai trò mới ở Việt Nam, một quốc gia đang phục hồi và xây dựng sau chiến tranh.
Năm 2024 cũng là năm đánh dấu một điểm mốc quan trọng của Nga: kỷ niệm 70 năm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới Obninsk nối lưới điện, đúng bốn năm sau khi Chính phủ Liên Xô ra nghị quyết khởi công xây dựng.
Giờ đây, đã tới lúc cả Nga và Việt Nam tiếp tục lộ trình mới phát triển năng lượng hạt nhân để đem lại những lợi ích mới cho quốc gia mình.
Giá trị mới từ công nghệ hạt nhânBiến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều những thách thức về năng lượng, môi trường, dịch bệnh, an ninh lương thực, nước sạch… Dường như chưa bao giờ, chính phủ các quốc gia lại phải đối mặt với những bài toán khó như thế trong cùng một thời điểm. Hiện trạng này đòi hỏi các cách tiếp cận mới, các giải pháp liên ngành để có thể tháo gỡ được vấn đề mà không tạo ra những thách thức mới, ví dụ giải quyết được bài toán năng lượng nhưng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm thiểu phát thải, không tạo ra những vấn đề môi trường mới.
Giữa rất nhiều giải pháp mà chúng ta có thể nghĩ tới thì KH&CN, đặc biệt là năng lượng hạt nhân, là một ứng cử viên sáng giá. Trong buổi giao lưu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Tô Lâm với các cựu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học Liên Xô và Nga tại Hà Nội vào chiều tối ngày 20/6/2024, Tổng thống Putin cho rằng “Ngày nay, tất cả những khám phá hứa hẹn đều được thực hiện với sự giao thoa giữa các ngành khoa học. Tôi đã nói về di truyền, sinh học, y học lý thuyết, nhưng không thể có được những giải pháp trong các lĩnh vực này nếu không có sự phát triển của vật lý, hóa học và toán học”.
Một số nội dung Việt Nam và Nga nhất trí tiếp tục triển khai hợp tác
- Tính đến tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, quyết tâm đẩy nhanh triển khai dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu KH&CN hạt nhân tại Việt Nam.
- Ủng hộ tính chất chiến lược trong hợp tác GD&ĐT, KHCN và đổi mới sáng tạo. Trên tinh thần đó, hoan nghênh việc ký kết hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học trong khuôn khổ chuyến thăm lần này.
- Hỗ trợ mở rộng hoạt động của Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật Việt-Nga để đào tạo bậc đại học, tổ chức các hoạt động hướng nghiệp tại Việt Nam nhằm tăng cường quảng bá cho mạng lưới trên.
- Hỗ trợ hoạt động, phát huy hiệu quả tiềm lực của Trung tâm Nghiên cứu KH&CN nhiệt đới Việt-Nga nhằm đưa trung tâm thành hình mẫu, biểu tượng cho hợp tác song phương. Bảo đảm hoạt động nghiên cứu của các chuyên gia Việt Nam và Nga tại Trung tâm ngang tầm khu vực và quốc tế. Nga sẽ chuyển giao tàu nghiên cứu khoa học “Giáo sư Ga-ga-rin-xki” cho Việt Nam. Tiếp tục xem xét chuyển giao công nghệ trong khuôn khổ hoạt động của Trung tâm.
Trích Tuyên bố chung Việt Nam – Nga
|
Khoa học luôn đem lại những gợi ý mới cho các quyết định phát triển. “Trong điều kiện hiện đại, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách thiếu suy nghĩ, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đang trở thành gần như không thể. Chúng ta phải tiếp cận vấn đề này một cách hết sức cẩn thận, với sự hiểu biết về vị trí của chúng ta trong việc phát triển các hướng thay thế trong lĩnh vực năng lượng, quan điểm lịch sử và vai trò nào sẽ được giao cho cân bằng carbon”, Tổng thống Putin nói tiếp, hàm ý đến vai trò ngày một quan trọng của năng lượng hạt nhân trên thế giới ngày nay. Trong năm 2024, năng lượng hạt nhân đã được châu Âu xếp vào nhóm năng lượng xanh với những ưu tiên đầu tư của công nghệ xanh, và trước đó, Liên Hợp Quốc đã coi kỹ thuật hạt nhân là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
“Hạt nhân không phải là người lính mà là người thợ”, câu nói nổi tiếng của Igor Kurchatov, vị tổng công trình sư hạt nhân đầu tiên của Nga, mà giờ được khắc ở Dubna, thành phố khoa học Nga và là nhà của Viện Liên hợp hạt nhân Dubna, đã thể hiện một cách rõ ràng nhất giá trị của năng lượng hạt nhân. Điều đó cũng được chứng thực ở Việt Nam trong bốn thập niên qua, trên lò phản ứng Đà Lạt, nơi công nghệ Nga không chỉ hóa giải được một thách thức không nhỏ mà còn hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân vào y tế, môi trường, nông nghiệp, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước, chiếu xạ hàng hóa…
Nền tảng hợp tác lâu dài này đã thúc đẩy Việt Nam và Nga đến việc xây dựng một dự án hợp tác quan trọng về năng lượng hạt nhân mới ở quy mô lớn hơn, Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia - một dự án được thiết lập theo Hiệp định liên Chính phủ ký kết vào năm 2011 và được Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào năm 2018. Dù mang “mũ” là quốc gia nhưng khi đi vào hoạt động, Trung tâm này sẽ là một cơ sở hạ tầng nghiên cứu tầm cỡ quốc tế về hạt nhân ở Đông Nam Á, thậm chí là châu Á, với lò phản ứng nghiên cứu mới đa mục tiêu, công suất 10 MW tại Đồng Nai.
Theo các chuyên gia hạt nhân, lò phản ứng mới không chỉ thuần túy lớn hơn lò phản ứng Đà Lạt ở công suất định danh mà còn vượt trội ở rất nhiều khía cạnh mà người ta có thể khai thác. Hãy tạm hình dung, bài toán giới hạn công suất trên lò Đà Lạt khiến việc cung cấp dược chất phóng xạ không đủ đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của Việt Nam về số lượng và chủng loại dược chất phóng xạ rồi sẽ được giải quyết ở lò phản ứng mới. Nó sẽ giúp những người như ThS Dương Văn Đông không còn phải ngậm ngùi “chạy 100 giờ mới tạo ra được 2 curie trong khi các lò công suất lớn chạy ngần ấy giờ là sản xuất được 100 curie. Nếu bây giờ làm vi cầu phóng xạ điều trị ung thư gan cho 5, 7 bệnh nhân thôi chẳng hạn, lò khác chỉ cần chiếu xạ trong vòng một, hai ngày là có ngay còn mình phải mất đến vài tuần”.
Biết bao điều người ta có thể thực hiện trên lò phản ứng 10 MW, biết bao thông tin khoa học mới, giá trị kinh tế xã hội mới... Trong cuộc trao đổi vào năm 2022, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom) từng chia sẻ về giá trị mà các trung tâm hạt nhân có thể đem lại, “Ở trường ĐH Bắc Carolina, Mỹ có lò Pulstar hoạt động rất hiệu quả do nhu cầu của ngành công nghiệp và quốc phòng rất lớn. Họ cần những loại vật liệu, thiết bị có tính chất rất đặc biệt nên họ thường mang các vật liệu và thiết bị đó tới thử nghiệm trong môi trường phóng xạ tại lò Pulstar”. Nếu làm một phép so sánh ở khía cạnh kinh tế “lò OPAL của Úc chỉ cần dừng vận hành một ngày là đã mất 200.000 USD bởi sản phẩm chính của họ là sản xuất đồng vị phóng xạ và chiếu xạ silicon xuất khẩu, đương nhiên bài báo quốc tế của họ cũng rất nhiều”, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền, một người từng gắn bó với lò phản ứng Đà Lạt hơn bốn thập niên, nói.
Đây cũng là lý do mà khi trao đổi với cựu sinh viên Việt Nam tại Nga, Tổng thống Putin cho biết “Chúng tôi đã thống nhất với các đồng nghiệp Việt Nam rằng Rosatom sẽ thành lập một Trung tâm nghiên cứu hạt nhân, một trung tâm khoa học tại Việt Nam, bao gồm cả chủ đề mà chúng ta bắt đầu - y học, bởi vì khả năng hiện đại trong lĩnh vực nguyên tử tạo ra những cơ hội điều trị cho con người, để ngăn ngừa bệnh tật, bao gồm cả những bệnh có tính chất di truyền. Có rất nhiều việc phải làm trong lĩnh vực này”.
Những mốc thời gian mới Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia là một trong những dự án hợp tác trọng điểm của Nga và Việt Nam. Hãng thông tấn Nga TASS ngày 20/6 đã dẫn lời Tổng Giám đốc Rosatom Alexey Likhachev là trong biên bản ghi nhớ liên bộ được ký tại Việt Nam có cả một lịch trình rõ ràng về tiến triển của Trung tâm KH&CN hạt nhân đến năm 2027. Trước đó, trong buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Likhachev đã trình bày về năng lực của Rosatom và cho biết có thể thúc đẩy công việc xây dựng Trung tâm, chú trọng đào tạo nhân lực. Đó là việc Rosatom có thể làm được khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Rosatom phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin, kịp thời giải quyết vướng mắc để bảo đảm chất lượng và tiến độ của Dự án.
Một lộ trình nội địa hóa công nghệ và thiết bị liên quan đến Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia cũng được ông Likhachev nhắc đến với TASS “Tất cả các sản phẩm mà Rosatom có thể cung cấp sẽ được gia tăng phần nội địa hóa sâu công nghệ ở Việt Nam bởi chúng tôi sẵn sàng trao một phần đáng kể công việc với các công ty Việt Nam, nếu họ đạt yêu cầu kỹ thuật của ngành hạt nhân”.
Những bước đi chắc chắn của dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia được các quan chức Chính phủ Nga đề cập tới trong các chuyến công tác tại Việt Nam. Trong buổi làm việc với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam vào tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Nga Dmitri Chernyshenko trao đổi “Tôi đã được thông báo không chỉ về việc chọn địa điểm cho trung tâm mới mà còn việc xác định cấu hình của lò phản ứng mới, nguồn vốn [dành cho dự án] và việc phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Nhà thầu Nga hiện đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất”. Khi đó, TS. Trần Chí Thành cũng báo cáo Phó Thủ tướng Nga về tiến triển của dự án “Hồ sơ yêu cầu đã được chuyển cho Rosatom trong tháng 3/2023, và Viện Thiết kế chuyên ngành GSPI của Rosatom đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất dự thầu. Dự kiến ngày 17/4/2023 sẽ mở thầu và nếu đáp ứng, hai bên sẽ nỗ lực đàm phán để có thể ký kết Hợp đồng nghiên cứu khả thi FS (Feasibility Study) vào giữa năm”.
Song song với quá trình đó, Vinatom cũng chuẩn bị về nguồn nhân lực chất lượng cao khi “Vinatom đã đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với Viện Liên hợp hạt nhân Dubna, và gửi cán bộ sang làm việc tại Dubna nhằm đào tạo đội ngũ đầu đàn cho dự án”.
Từ nay đến mốc 2027, Vinatom có nhiều việc phải làm, không chỉ ở việc đào tạo đội ngũ, chuẩn bị những năng lực cần thiết để sẵn sàng khai thác các tính năng quan trọng của lò phản ứng mới mà còn là việc tham gia tính toán, thiết kế kỹ thuật cùng các chuyên gia Nga. Nếu 40 năm trước, những giới hạn của năng lực ở buổi đầu phát triển không cho phép các nhà nghiên cứu Việt Nam tham gia sâu vào công việc tính toán thay thế lõi lò phản ứng Đà Lạt cũng như một số công việc phụ trợ liên quan thì ở thời điểm hiện nay, Vinatom đã có những chuyên gia có thể làm được điều đó, như PGS. TS Nguyễn Nhị Điền, TS. Nguyễn Kiên Cường…
Phó Thủ tướng Nga Chernyshenko cũng từng ghi nhận nỗ lực học hỏi này của Việt Nam và coi “Vinatom như một đối tác triển vọng trong việc mở rộng hợp tác tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế ở thành phố Dimitrovgrad của Nga… Tôi được biết, các nhà khoa học của Vinatom đã tham gia vào công việc của Hội đồng Tư vấn [khoa học của lò phản ứng MBIR]”. Là một trong những đổi mới công nghệ hạt nhân của Nga, lò phản ứng neutron nhanh làm lạnh bằng muối đa mục tiêu 150 MW (MBIR) do Viện Nghiên các cứu lò phản ứng hạt nhân (RIAR) thiết kế và được hoàn thành trước thời hạn do “các công cụ số hiện đại tại địa điểm xây dựng, bao gồm các công nghệ mô hình hóa xây dựng mà Rosatom có thể tích hợp quản lý chi phí, và các công cụ giám sát từ xa sử dụng công nghệ số và kỹ thuật không người lái” như giới thiệu của Viện trưởng RIAR Alexander Tuzov với world-nuclear-news (wnn).
Từ một thiết kế đã có từ những năm 1967, lò phản ứng MBIR mới hứa hẹn sẽ là một lò phản ứng nghiên cứu có năng lực thử nghiệm các chất làm lạnh bằng chì, chì – bismuth, khí, và có nhiên liệu hỗn hợp MOX (pha trộn uranium và plutonium oxide). Với một cơ sở hạ tầng khoa học như vậy, những nghiên cứu thực hiện tại MBIR sẽ là “nghiên cứu về công nghệ hạt nhân đa thành phần và chu trình hạt nhiên liệu kín, đồng thời gian tốc và khẳng định sự sáng tạo trong thiết kế an toàn của các nhà máy điện hạt nhân thế hệ 4”, đồng thời đảm bảo cho sự dẫn dắt của Nga trong sự phát triển các công nghệ lò phản ứng cho nửa thế kỷ tới”, theo tuyên bố của Rosatom. Vì vậy, “quan trọng là Việt Nam phải trở thành thành viên đầy đủ của Trung tâm quốc tế này. Điều đó sẽ [góp phần] tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của toàn bộ ngành nguyên tử của Việt Nam”, Phó Thủ tướng Nga Chernyshenko nói với các nhà nghiên cứu Vinatom.
“Gần đây, tại một trong những thành phố khoa học của chúng tôi, chúng tôi đã nói về triển vọng phát triển của khoa học Nga và xác định các phương hướng và nhiệm vụ chính của sự phát triển này.
Chúng tôi vừa vận hành tại đây một công trình đẳng cấp thế giới nhằm khám phá các vấn đề liên quan đến sự khởi đầu của “sự sống” trong vũ trụ của chúng ta. Nó nghiên cứu những giây đầu tiên về sự tồn tại của vũ trụ sau Big Bang (Vụ nổ lớn). Điều này rất thú vị, không chỉ từ quan điểm tìm hiểu cách thế giới vận hành. Bạn có nhớ Einstein đã nói gì không? Người ta hỏi: Tại sao ông lại theo học vật lý? Bởi vì tôi muốn hiểu mọi thứ đến từ đâu, mọi thứ bắt đầu như thế nào trên thế giới, thế giới bao gồm những gì.
Những nghiên cứu này được thực hiện ở Dubna và một số trung tâm khác của chúng tôi, chẳng hạn như tại Viện Vật lý hạt nhân I.V. Kurchatov.
Ngoài ra còn có một hướng thực tế cho nghiên cứu này - nguyên tử vì mục đích hòa bình. Tập đoàn Rosatom của chúng tôi là công ty dẫn đầu trên thế giới, không thể tranh cãi: Trong những năm gần đây, Tập đoàn xây dựng 22 tổ máy cho các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài - và tại Nga, công ty cũng phát triển theo hướng này. Đây là những nhà máy điện hạt nhân đáng tin cậy và an toàn nhất trên thế giới. Thực tế không có sự phát triển năng lượng hạt nhân nào như ở Nga giống ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Điều này có hứa hẹn hay không? Đúng, điều này rất hứa hẹn xét theo quan điểm vật lý lý thuyết và vật lý hạt nhân”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
|
Có một cột mốc tương đồng giữa dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia ở Đồng Nai và Trung tâm MBIR ở Dimitrovgrad, đó là thời điểm năm 2027. Nếu lịch trình của Trung tâm KH&CN hạt nhân đến năm 2027 là các giai đoạn chuẩn bị thì với Trung tâm MBIR là thời điểm bắt đầu vận hành. Điều này cũng được Tổng thống Putin nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi của GS. Nguyễn Đình Đức (ĐHQGHN) “Nếu đặt câu hỏi điều gì phù hợp nhất với chúng ta, thì tất nhiên, bây giờ, chúng ta biết, chúng ta hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng, chúng ta hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga. Có nhiều việc cần làm và cũng đã có những thành tựu cụ thể. Rõ ràng là các chuyên gia [Việt Nam và Nga] sẽ rất cần làm việc ở những nơi đó”.
Know-how về năng lượng nguyên tử và công nghệ hạt nhân sẽ gắn liền với một phổ ứng dụng rộng trong khoa học cũng như các lĩnh vực khác nhau của kinh tế xã hội. Đó là lý do mà Phó Thủ tướng Nga nêu trong buổi làm việc với Rosatom “Khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên chủ quyền công nghệ và độc lập năng lượng thì năng lượng hạt nhân cung cấp cũng sẽ [giúp Việt Nam] đạt được tự chủ năng lượng… Nga sẵn sàng tham gia và giúp đỡ Việt Nam nếu các quyết định về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cả công suất lớn và nhỏ, được đưa ra từ Việt Nam”.