Từ ngày 18/6/2024, các cá nhân, tổ chức có thể khai thác, sử dụng 111 dữ liệu thuộc 13 nhóm chủ đề - từ giáo dục, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học, kinh tế, ... đến tư pháp.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định ban hành danh mục dữ liệu mở của Thành phố. Danh mục dữ liệu mở được công bố trên Cổng thông tin dữ liệu TPHCM tại địa chỉ: http://data.hochiminhcity.gov.vn.

Cụ thể, danh mục gồm 111 dữ liệu thuộc 13 nhóm chủ đề: giáo dục; công nghệ thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; khoa học; kinh tế; lao động; nông nghiệp; tài chính; văn hóa – du lịch; xã hội; xây dựng; y tế, sức khỏe; tư pháp.

Ở lĩnh vực giáo dục, người dân có thể tra cứu dữ liệu về danh sách các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố như: danh sách khối mầm non; danh sách trường tiểu học; danh sách trường trung học cơ sở; danh sách trường trung học phổ thông,...

Ở lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, người dân có thể tra cứu danh sách văn phòng đại diện cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác tại TPHCM; danh sách phóng viên thường trú hoạt động độc lập trên địa bàn Thành phố,...

Ở lĩnh vực y tế, dữ liệu mở liên quan đến các cơ sở khám chữa bệnh; các cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP), chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền Bộ Y tế; dữ liệu về giá thuốc được cấp phép lưu hành,…

Lĩnh vực giao thông công khai dữ liệu vị trí các camera giám sát giao thông; dữ liệu các điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn; dữ liệu các điểm trông giữ xe và giá dịch vụ trên địa bàn...

Người dân có thể tra cứu dữ liệu theo lĩnh vực, đơn vị.  Ảnh: Chụp màn hình
Người dân có thể tra cứu dữ liệu theo lĩnh vực, đơn vị. Ảnh: Chụp màn hình

Với lĩnh vực kinh tế, dữ liệu mở bao gồm danh sách các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện dụng trên địa bàn; dữ liệu về dự án đầu tư công…

Lĩnh vực văn hóa – du lịch, dữ liệu mở liên quan đến các khu, điểm dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí trên địa bàn; dữ liệu các địa điểm du lịch lịch sử - văn hóa trên địa bàn…; lĩnh vực xây dựng, dữ liệu các dự án nhà ở thương mại...; và lĩnh vực tư pháp, dữ liệu về các tổ chức hành nghề luật sư…

Với chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”, TPHCM tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ, phát triển các hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây; hạ tầng mạng viễn thông, Internet băng thông rộng, phủ sóng đến từng khu phố, ấp không có vùng lõm sóng.

Đồng thời, phủ sóng rộng rãi mạng 5G sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Qua đó, đẩy mạnh các ứng dụng, dịch vụ 5G, kết nối IoT, các nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…

Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa và tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian xử lý trên môi trường số, nhằm nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công toàn trình, thủ tục hành chính không giấy tờ,…

Ngoài ra, Thành phố triển khai Nền tảng số hóa và lưu trữ tài liệu điện tử Thành phố và Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu thành phố nhằm làm giàu và khai thác hiệu quả Kho dữ liệu Thành phố. Đẩy mạnh phát triển các hệ thống thông tin địa lý GIS trên nền tảng Bản đồ Thành phố; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, y tế, du lịch và an sinh xã hội; phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số; ưu tiên khai thác hiệu quả công viên phần mềm Quang Trung;…