Sở KH&CN TPHCM đang tìm kiếm các giải pháp, mô hình đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nhằm giải quyết các vấn đề thiết thực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với ba bài toán đặt hàng.
Bài toán 1: Giải pháp kỹ thuật cho hệ thống quản trị thực thi và báo cáo động của ngành GD&ĐT TPHCM
Mục tiêu đặt ra nhằm hạn chế việc các đơn vị và cơ sở giáo dục thực hiện báo cáo bằng văn bản, gây khó khăn trong việc tổng hợp, không có dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định. Đồng thời, giúp quản lý được tiến độ công việc thực hiện theo đề án/kế hoạch/nhiệm vụ được giao, dữ liệu báo cáo phân tán, chưa đầy đủ và chính xác đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ.
Yêu cầu của giải pháp cần tổng hợp, thống kê, báo cáo của các đơn vị; tạo lập, tiếp nhận báo cáo từ các đơn vị liên quan gửi về, truy xuất dữ liệu theo yêu cầu. Ngoài ra, giải pháp phải tích hợp dữ liệu, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Sở GD&ĐT Thành phố và các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, giúp chỉ đạo, điều hành và ra quyết định dựa trên dữ liệu; ứng dụng AI trong hỗ trợ ra quyết định, tổng hợp báo cáo cho cấp lãnh đạo.
Bài toán 2: Giải pháp các khóa học trực tuyến đại chúng mở
Bài toán đặt ra nhằm xây dựng nền tảng học tập phục vụ Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời; nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Ngoài ra, hỗ trợ những người có nhu cầu cập nhật kiến thức và kỹ năng mới một cách dễ dàng. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực cho từng địa bàn phục vụ phát triển kinh tế đặc thù địa phương.
Yêu cầu giải pháp Kết nối được với các hệ thống quản lý của cơ quan nhà nước quản lý về lao động, các trung tâm dạy nghề để phối hợp triển khai các khóa học; Xây dựng, tổ chức các khóa học trực tuyến được phân loại theo chủ đề, lĩnh vực, cấp độ. Ngoài ra, có thể khảo thí trực tuyến dựa trên công nghệ AI để đảm bảo chất lượng đầu ra, cũng như thanh toán trực tuyến tạo thuận lợi cho học viên tham gia các khóa học.
Giải pháp cần ứng dụng công nghệ AI trong việc đánh giá chất lượng khóa học, đề xuất các khóa học phù hợp với năng lực người học. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ Blockchain cung cấp giấy chứng nhận sau khi hoàn thành khóa học và kết nối với doanh nghiệp với các học viên sau khi hoàn thành khóa học.
Bài toán 3: Giải pháp trợ lý ảo, hỗ trợ người dân phục vụ công tác cải cách hành chính
Giải pháp được thực hiện nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, phụ huynh, học sinh tìm hiểu về quy trình, thành phần hồ sơ, các quy định về nhận trả kết quả các thủ tục hành chính của Sở GDĐT. Qua đó, nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc của đội ngũ cán bộ phụ trách thủ tục hành chính. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của người dân về chất lượng phục vụ, để chủ động đề xuất các giải pháp cải cách hành chính.
Yêu cầu giải pháp là Nghiên cứu các mô hình ngôn ngữ lớn có thể chạy trên server riêng; Xây dựng các thuật toán để tối ưu truy xuất dữ liệu. Ngoài ra, triển khai các giải pháp kỹ thuật promting và few-shot để cải thiện chất lượng câu trả lời của Chatbot. Đồng thời, có thể đánh giá kết quả mô hình kết quả máy học; Thiết kế theo hướng cung cấp dịch vụ qua API, được chia sẻ để các hệ thống, ứng dụng khác có thể kết nối và sử dụng.
Các cá nhân, đơn vị có giải pháp, mô hình đổi mới, quy trình, công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực trên có thể đăng ký tham gia Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công
Gov.Star 2024 để có cơ hội được ứng dụng vào các bệnh viện đa khoa trên địa bàn TPHCM.
Cuộc thi Gov.Star 2024 do Sở KH&CN TPHCM tổ chức lần đầu, nhằm tìm kiếm giải pháp, mô hình đổi mới sáng tạo, quy trình, công nghệ giúp giải quyết các bài toán trong quản lý hoạt động công vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, trường học, bệnh viện... và UBND các quận huyện, phường xã trên địa bàn TPHCM.
Các mô hình, giải pháp được lựa chọn sẽ nhận hỗ trợ tài chính, ươm tạo để hoàn thiện và giới thiệu tới các sở ngành, địa phương triển khai thí điểm thực tế. Ngoài ra, các nhóm thực hiện dự án sẽ được huấn luyện, cố vấn, ươm tạo để hoàn thiện giải pháp, sản phẩm, mô hình kinh doanh... đáp ứng nhu cầu ứng dụng trong khu vực công.
Các dự án được vào vòng ươm tạo có cơ hội nhận gói hỗ trợ tối đa 400 triệu đồng và được kết nối các đơn vị thụ hưởng làm cơ sở triển khai thực tế.