Hoa mào gà ngoài việc được trồng làm cảnh thì nó còn có tác dụng trị cao huyết áp, lở loét, kinh nguyệt không đều, đại tiện ra máu, mề đay, băng lậu, đau bụng sau khi sinh…

Cây hoa mào gà giống. Ảnh minh họa.
Cây hoa mào gà giống. Ảnh minh họa.


1. Dụng cụ trồng và đất trồng

Bạn có thể tận dụng khay, chậu, thùng xốp, bao tải hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng hoa mào gà. Lưu ý: Dụng cụ trồng phải có lỗ thoát nước.


Cây hoa mào gà không quá kén đất trồng. Tuy nhiên, cây sẽ phát triển tốt nhất nếu trồng trên các nền đất tốt, giàu mùn, tơi xốp, dễ thoát nước. Bạn có thể trộn đất với tro trấu, phân chuồng hoai mục, mùn cưa… để trồng cây.

Hoa mào gà có thể trồng quanh năm, nhưng thích hợp nhất là mùa Hè.

Hoa mào gà. Ảnh minh họa.
Hoa mào gà. Ảnh minh họa.

2. Cách trồng

Hiện nay, trên thị trường có nhiều giống hoa màu gà khác nhau như đỏ, cam, vàng, tím… Hạt giống bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán hạt giống rau hoặc cây cảnh uy tín. Đơn giản nhất, bạn có thể tìm mua sẵn cây giống về trồng.

Cây hoa mào gà thường được nhân giống bằng hạt. Trước khi trồng đem ngâm trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong vòng từ 2-4 giờ rồi đem gieo vào nơi đã chuẩn bị sẵn. Sau khi gieo hạt xong, phủ lên trên một lớp đất mỏng lên bề mặt đất. Tưới nước bằng vòi phun nhẹ nhằm tạo đủ độ ẩm cho đất, tưới 1 lần/ngày.

Khi cây con có khoảng 3 lá thật thì tiến hành tỉa bỏ bớt những cây yếu, còi cọc.

Những chậu hoa mào gà nhiều màu sắc. Ảnh minh họa.
Những chậu hoa mào gà nhiều màu sắc. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Cây hoa mào gà không quá ưa ẩm nên mỗi tuần chỉ cần tưới nước 1-2 lần. Vào mùa mưa, chú ý công tác thoát nước để cây không bị thối, úng.

Khi cây cao khoảng 30-40cm thì tiến hành bấm đọt để giúp chồi nách phát triển để tạo bông sau này. Mỗi cây chỉ nên để khoảng 5 cặp chồi nách.

Cứ khoảng 15-20 ngày bạn có thể hòa tan phân NPK để tưới xung quanh gốc cây. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm phân trùn quế, phân chuồng hoai mục.