Chiều 30/11, Luật Dữ liệu đã được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2025. Luật này được kỳ vọng sẽ từng bước thiết lập thị trường dữ liệu.
Luật Dữ liệu được thông qua với 94% phiếu tán thành, trong đó có những quy định quan trọng về việc thiết lập và vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia thông qua Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, đặt dưới sự quản lý của Bộ Công An.
Theo Luật, thay vì hệ thống của một bộ, ngành, địa phương phải kết nối với các hệ thống của các bộ, ngành khác, các quy định đã được sửa đổi theo hướng hệ thống thông tin các địa phương chỉ cần kết nối với Trung tâm Dữ liệu Quốc gia.
Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ được chia sẻ phục vụ việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương. Cơ sở dữ liệu này cũng có thể cung cấp thông tin để phục vụ xây dựng các loại báo cáo điều tra, khảo sát, thống kê mà không cần tiến hành các thủ tục hành chính khác.
Ngoài ra, Luật cũng đưa ra khuôn khổ quy định việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ liên quan đến dữ liệu, một lĩnh vực chưa được điều chỉnh theo pháp luật hiện hành. Các hoạt động này sẽ được thực hiện trên “Sàn giao dịch dữ liệu”, giúp thiết lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu để thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, làm thay đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân và các quan hệ xã hội trên môi trường số.
Bên cạnh đó, Luật Dữ liệu còn quy định việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Ngược lại, việc chuyển dữ liệu từ Việt Nam ra nước ngoài sẽ được thắt chặt hơn, đặc biệt là đối với các "dữ liệu cốt lõi" và "dữ liệu quan trọng."
Dữ liệu cốt lõi được định nghĩa là dữ liệu có phạm vi bao phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhóm, khu vực và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị nếu bị sử dụng hoặc chia sẻ trái phép. Dữ liệu quan trọng được định nghĩa là dữ liệu trong các lĩnh vực, nhóm hoặc khu vực có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến an ninh quốc gia, hoạt động kinh tế, ổn định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng nếu bị rò rỉ, giả mạo hoặc phá hủy.
Việc chuyển các loại dữ liệu này sẽ cần sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền, như Văn phòng Chính phủ hoặc Bộ Công an, sau khi đánh giá an toàn dữ liệu.
Bài đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)