Sáng 4/12, GS Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, đã có cuộc trao đổi với báo chí về mùa giải thứ tư.
Ông cho biết, số lượng hồ sơ đề cử cho mùa giải thứ tư “rất ấn tượng”, với gần 1.500 dự án nghiên cứu từ hơn 80 quốc gia/vùng lãnh thổ, thuộc các lĩnh vực quan trọng như khoa học vật liệu, nông nghiệp, khí hậu, chăm sóc sức khỏe, môi trường, toán học, trí tuệ nhân tạo, truyền thông, khoa học máy tính v.v. Chất lượng của các đề cử luôn ở mức top đầu thế giới.
Đặc biệt, năm nay cũng có “một đề cử đến từ Việt Nam”. (VinFuture không chấp nhận tự đề cử, mà do các tổ chức uy tín như trường đại học, viện/trung tâm nghiên cứu, hiệp hội/mạng lưới khoa học, tập đoàn, hiệp hội ngành nghề, vườn ươm đổi mới sáng tạo và các cá nhân nổi bật trong các lĩnh vực liên quan đề cử).
Năm ngoái,
GS. Võ Tòng Xuân là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng của VinFuture (hạng mục giải thưởng đặc biệt) với công trình 'Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh', cùng với nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn, GS Gurdev Singh Khush.
GS Richard Henry Friend nhấn mạnh, VinFuture là một giải thưởng có tính chất toàn cầu, và điểm khác biệt của giải thưởng là cố gắng kết nối những khám phá khoa học mới nhất với những nhu cầu thực tế của cuộc sống, để từ đó tạo ra tác động tích cực và lâu dài cho xã hội. Tiêu chí này khiến Hội đồng Giải thưởng không dễ lựa chọn những đề cử để trao giải. Mặt khác, nó cũng làm cho giải thưởng cuốn hút hơn, hấp dẫn hơn.
Bốn năm qua, kể khi Giải thưởng ra đời, nhiều nhà khoa học đoạt giải đã quay lại Việt Nam trong vai trò mới - làm thành viên Hội đồng Giải thưởng hoặc diễn giả tại các tọa đàm, hội thảo, dự án v.v. GS Richard Henry Friend đánh giá, điều này mang lại những tác động rất tích cực cho khoa học Việt Nam.