Mô hình do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM thực hiện, cho lợi nhuận cao hơn ba lần so với trồng trên giá thể.
Phương pháp thủy canh hồi lưu (hay còn gọi là thủy canh động) là mô hình trồng rau không dùng đất, được thiết kế với hệ thống thùng chứa và các ống thủy canh. Dung dịch dinh dưỡng thủy canh được bơm từ thùng chứa dung dịch đi khắp các ống, phần dư lại được luân chuyển về thùng chứa ban đầu. Quá trình này diễn ra liên tục nên được gọi là thủy canh hồi lưu. So với mô hình thủy canh tĩnh, mô hình thủy canh hồi lưu giúp cây dễ hấp thụ dinh dưỡng dưỡng và phát triển tốt hơn.
Nếu trồng rau thủy canh trong nhà màng sẽ kiểm soát được các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, cho phép cây trồng tránh hầu hết các điều kiện mưa to, nắng gắt, sương muối, sâu bệnh,..., giúp tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, đồng thời có khả năng tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, thích hợp với những khu vực đô thị khan hiếm đất trồng như TPHCM.
Trong đề tài “Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng”, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã xây dựng và thử nghiệm mô hình trồng một số rau gia vị gồm cần tây, quế vị (xá xị), húng quế, húng cây, tía tô và kinh giới trên hệ thống thủy canh hoàn lưu tại Hợp tác xã Rau sạch huyện Củ Chi.
Diện tích trồng rộng 1.200m2, chia đều thành sáu hệ thống máng thủy canh cho sáu loại rau. Mô hình đối chứng trồng các loại rau gia vị nói trên bằng giá thể (đất, xơ dừa,…), cũng trong nhà màng.
Hệ thống thủy canh sử dụng ống nhựa trắng hai lớp, hình hộp chữ nhật để trồng cây và khoan lỗ hình tròn trên đường ống để đặt chậu cây. Ngoài ra, hệ thống được lắp thêm máy bơm chất dinh dưỡng (N, P, K) cho cây và thiết bị lọc các kết tủa, rong rêu…, tránh gây nghẹt đường ống.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, năng suất thực thu (kg/100m2/vụ từ 1- 2,5 tháng) lần lượt là: cần tây 607,6 kg; húng quế 297,9 kg; quế vị 298,9 kg; húng cây 241,6 - kg; tía tô 360 kg; kinh giới 351,2 kg - cao hơn năng suất thực thu ở mô hình đối chứng 16 -18%. Doanh thu ở mô hình thử nghiệm trên diện tích 600m2 đạt gần 19 triệu đồng/vụ - gấp 1,45 lần mô hình đối chứng (13 triệu đồng/vụ); lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/vụ - cao gấp 3,17 lần mô hình đối chứng (1,63 triệu đồng/vụ).
Nhóm thực hiện đã tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu mô hình, quy trình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng cho người dân, doanh nghiệp ở huyện Củ Chi và một số vùng lân cận. Có thể nhân rộng mô hình, góp phần cung cấp sản phẩm rau an toàn và tăng thu nhập cho người dân.
Bài đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)