Các chất bắt chước nội tiết tố mang lại lợi ích vượt xa các loại thuốc giảm cân hiệu quả nhất hiện có.

Hai loại thuốc mới điều trị bệnh béo phì, dự kiến sẽ bán ra trong vài năm tới, có những lợi ích vượt trội ngay cả khi so với những loại thuốc hiệu quả cao đã có trên thị trường hiện nay.

Loại đầu tiên, được gọi là orforglipro, dễ sử dụng, dễ sản xuất và rẻ hơn các phương pháp điều trị hiện có.

Loại thứ hai, retatrutide, có mức độ hiệu quả cao nhất trong các loại thuốc béo phì từ trước đến nay.

“Cả hai đều là những bước đột phá", Daniel Drucker, nhà nội tiết học tại Đại học Toronto, Canada, cho biết.

Kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II của cả hai loại thuốc đã được công bố tại cuộc họp của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ trong tháng 6 và trên Tạp chí Y học New England. Các thử nghiệm giai đoạn II cung cấp dữ liệu về hiệu quả của thuốc và liều lượng lý tưởng trong một nhóm nhỏ người tham gia, là tiền đề của thử nghiệm giai đoạn III trên các nhóm tham gia lớn hơn.

Orforglipron và retatrutide đều bắt chước các hormone được sản xuất bởi niêm mạc ruột để đáp ứng với một số chất dinh dưỡng. Các hormone này giúp làm chậm quá trình di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa và giảm cảm giác thèm ăn bằng cách tác động lên các thụ thể trong não. Cả 2 tác dụng này đều làm giảm ham muốn ăn uống và giúp giảm cân.

Các tế bào lưu trữ lipid (màu cam, màu minh họa) phình to trong quá trình phát triển bệnh béo phì.

Orforglipro và retatrutide đều thuộc nhóm thuốc glucagon-like peptide-1 (GLP-1), đầu tiên được tạo ra để chống lại bệnh tiểu đường, và giảm cân như một lợi ích phụ.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, có hai thuốc GLP-1 giúp giảm cân đáng kể đã xuất hiện trên thị trường. Một là trizepatide, được bán trên thị trường với tên Mounjaro, đã được các cơ quan quản lý Mỹ chấp thuận nhưng chỉ để điều trị bệnh tiểu đường. Hai là semaglutide, được bán dưới 2 nhãn hiệu Ozempic điều trị bệnh tiểu đường và Wegovy điều trị bệnh béo phì. Cả trizepatide và semaglutide đều giúp những người mắc bệnh béo phì đạt được những lợi ích quan trọng, chẳng hạn như giảm lượng đường trong máu và giảm huyết áp.

Tuy nhiên, cả Wegovy và Mounjaro đều yêu cầu tiêm hằng tuần, gây bất tiện. Hơn nữa, cả 2 loại thuốc này đều là các phân tử peptide, đắt tiền và tốn nhiều công sức để sản xuất. Giá niêm yết của Wegovy và Mounjaro là hơn 1.000 USD/tháng và thuốc cũng khan hiếm.

Trong khi đó thuốc mới orforglipron là một phân tử dễ sản xuất và đóng gói thành thuốc dạng viên uống. Bác sĩ nội khoa Sean Wharton tại Đại học McMaster ở Hamilton, Canada, cho biết giá của loại thuốc này vẫn chưa được ấn định, nhưng sẽ rẻ hơn nhiều so với các loại thuốc kiểm soát cân nặng hiện có. “Bản thân tôi thấy nó như một yếu tố thay đổi cục diện điều trị bệnh béo phì", Wharton, đồng tác giả của nghiên cứu về orforglipron, cho biết.

Trong khi orforglipron giúp nhiều người tiếp cận liệu pháp kiểm soát cân nặng, thì retatrutide mang lại hiệu quả giảm cân chưa từng có. Ở liều cao nhất được sử dụng trong thử nghiệm, những người tham gia đã giảm trung bình 24,2% trọng lượng cơ thể sau 11 tháng điều trị. Các loại thuốc hiện đã được phê duyệt thường giúp giảm khoảng 15–20% trong cùng khoảng thời gian.

Hơn nữa, tất cả những người tham gia thử nghiệm retatrutide nhận liều cao đều giảm được ít nhất 5% trọng lượng cơ thể. Trong khi đó các loại thuốc hiện đã được phê duyệt có tác dụng với khoảng 90% bệnh nhân. Retatrutide tương tác với 3 thụ thể xác định cảm giác thèm ăn, đây có thể là lý do thuốc đạt hiệu quả cao với tất cả bệnh nhân, theo chuyên gia. Wegovy tương tác với một thụ thể và Mounjaro tương tác với 2 thụ thể.

Wegovy và Mounjaro có thể có tác dụng phụ khó chịu, chẳng hạn như buồn nôn và nôn. Dù vậy, Wharton không lo ngại. Ông cho rằng các bác sĩ lâm sàng có thể sử dụng các kỹ thuật kê đơn, chẳng hạn như bắt đầu với liều thấp sau đó tăng dần, để giảm thiểu tác dụng phụ.

Các tác dụng phụ có thể chịu đựng được sẽ là chìa khóa, vì những người dùng orforglipron hoặc retatrutide có khả năng tăng cân trở lại nếu ngừng dùng thuốc. Wharton nói rằng điều này là không thể tránh khỏi do cơ chế sinh học gây béo phì. Bộ não con người dường như có một "điểm mốc" về lượng chất béo mà cơ thể muốn dự trữ và thuốc chỉ che giấu điểm mốc đó chứ không thay đổi nó.

Nguồn: