Các chuyên gia từ Đại học Newcastle, Anh, đã tổng hợp bằng chứng cho thấy hiệu quả của việc làm theo các Khuyến nghị về lối sống của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới 2018 (WCRF) và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AICR).
Khoảng 40% các loại ung thư liên quan đến những yếu tố về lối sống có thể sửa đổi, bao gồm ít vận động, hút thuốc, béo phì, chế độ ăn không đủ chất, và uống bia rượu. Đã có bằng chứng cho thấy ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến tăng nguy cơ ung thư ruột; còn
uống bia, rượu có thể tăng nguy cơ ung thư vú, ruột và thực quản. Tuy nhiên, còn có những yếu tố không thay đổi được, ví dụ như tiền sử gia đình về ung thư và
các yếu tố môi trường làm ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.
Các nhà nghiên cứu thực hiện một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp đối với 18 nghiên cứu đã được công bố về mối liên quan giữa việc làm theo các khuyến nghị năm 2018 và tỉ lệ mắc các loại ung thư. Kết quả cho thấy mỗi điểm tăng trong bảng điểm đánh giá việc tuân theo khuyến nghị dẫn đến giảm 12% nguy cơ ung thư ruột, 11% nguy cơ ung thư vú, và 8% ung thư phổi.
Các Khuyến nghị Phòng tránh Ung thư WCRF/AICR là kết luận từ một hội đồng chuyên gia độc lập, bao gồm một loạt lựa chọn lối sống lành mạnh, khi thực hiện toàn bộ sẽ có tác động lên nguy cơ mắc bệnh ung thư, cụ thể đó là:
- có cân nặng hợp lý
- vận động thường xuyên
- chế độ ăn giàu ngũ cốc, rau, quả và các loại đậu
- hạn chế “thức ăn nhanh” và các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều chất béo, tinh bột hay đường
- hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
- hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống ngọt có đường
- hạn chế tiêu thụ chất cồn
- không sử dụng thực phẩm chức năng để tránh ung thư
- nuôi con bằng sữa mẹ nếu có thể
- khi bị chẩn đoán mắc ung thư, làm theo các khuyến nghị WCRF/AICR nếu có thể.
Theo các nhà khoa học, nhờ có thêm bằng chứng về tác động tích cực của việc tuân theo các khuyến nghị này, chúng ta hiểu thêm về ảnh hưởng của các khuyến nghị và có thể ủng hộ hơn nữa những thay đổi tích cực.
Trong tương lai, cần có thêm nghiên cứu để xác nhận các kết quả này đối với ung thư ở các bộ phận cơ thể khác. Nghiên cứu CALIPER của Anh đang sử dụng dữ liệu từ ngân hàng sinh học Anh quốc để tìm hiểu xem trong một nhóm dân số ở Anh, việc tuân thủ các khuyến nghị này có làm giảm nguy cơ ung thư ở 14 vị trí cơ thể hay không.
Nguồn: