Nhà địa hóa học Nhật Bản đã góp phần cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân như thế nào?
Katsuko Saruhashi sinh ngày 22/3/1920 tại Tokyo, Nhật Bản. Hồi nhỏ, Saruhashi là một cô bé nhút nhát, hướng nội và luôn tò mò về thế giới xung quanh. Khi nhìn những giọt mưa lăn trên cửa sổ ở trường tiểu học, cô bé Saruhashi đã thắc mắc điều gì đã gây ra mưa.
Vào thời kỳ đó, hiếm có nữ sinh học đại học. Nhưng cha mẹ Saruhashi đều ủng hộ việc học hành của con gái, bởi họ đã thấy tầm quan trọng của giáo dục sau những trải nghiệm trong Thế chiến II, chứng kiến nhiều phụ nữ ít được đào tạo chuyên môn, phải vật lộn kiếm sống khi không có chồng hoặc cha.
Năm 1943, Saruhashi lấy bằng cử nhân hóa học tại Trường Cao đẳng Khoa học, thuộc Đại học nữ Hoàng gia (nay là Đại học Toho). Sau đó, bà gia nhập Phòng thí nghiệm Địa hóa học tại Viện Nghiên cứu Khí tượng (nay gọi là Cơ quan Khí tượng Nhật Bản). Tại đó, bà nghiên cứu về nồng độ CO2 trong nước biển. “Bây giờ mọi người đều quan tâm đến CO2, nhưng vào thời điểm đó chẳng mấy ai chú ý cả”, bà cho biết.
Do vậy, khi bắt đầu, Saruhashi phải tìm cách phát triển những kỹ thuật riêng để đo CO2. Bà đã xây dựng phương pháp đầu tiên để đo CO2 bằng nhiệt độ, độ pH và nồng độ chlorine, được gọi là Bảng Saruhashi. Phương pháp này đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu. Qua đó, bà phát hiện lượng CO2 do Thái Bình Dương thải ra nhiều hơn lượng hấp thụ, phá vỡ giả thuyết trước đây khi nhiều người cho rằng khả năng hấp thụ CO2 của đại dương có thể góp phần giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu. Nhờ công trình này, Saruhashi trở thành người phụ nữ đầu tiên được trao bằng tiến sĩ hóa học tại Đại học Tokyo vào năm 1957.
Saruhashi cũng dẫn đầu trong việc nghiên cứu ô nhiễm hạt nhân trong đại dương. Dù Thế chiến II đã kết thúc nhiều năm trước, Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân, đặc biệt là ở gần đảo san hô vòng Bikini trên Thái Bình Dương, cách Nhật Bản 2300 dặm về phía Tây Nam. Vào tháng 3/1954, một số ngư dân Nhật Bản mắc một căn bệnh kỳ lạ sau khi đánh bắt cá ở những khu vực nằm xuôi gió với địa điểm thử nghiệm. Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Saruhashi và các đồng nghiệp của bà tiến hành điều tra.
Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. “Lượng bụi phóng xạ được đề cập trong nghiên cứu này thực sự rất nhỏ, và đại dương thì mênh mông”, nhà sử học Toshihiro Higuchi ở Đại học Georgetown, một chuyên gia về khoa học trong Chiến tranh Lạnh, nói với The Verge.
Bằng cách phát triển các phép đo nhạy hơn, Saruhashi và cộng sự phát hiện bụi phóng xạ không di chuyển đều khắp đại dương. Các dòng hải lưu đẩy vùng nước bị ô nhiễm phóng xạ di chuyển theo chiều kim đồng hồ, từ phía Tây Bắc đảo san hô vòng Bikini hướng đến Nhật Bản. Do đó, nồng độ bụi phóng xạ ở Nhật Bản cao hơn nhiều so với dọc theo phía Tây Mỹ.
Kết quả điều tra khiến nhiều người bất ngờ: lượng bụi phóng xạ phát sinh từ vụ thử nghiệm đã đến Nhật Bản chỉ trong vòng 18 tháng. Nếu tiếp tục các vụ thử nghiệm, toàn bộ Thái Bình Dương sẽ bị ô nhiễm vào năm 1969, dẫn đến hậu quả khôn lường. Đến nay, sau hơn 60 năm, đảo san hô vòng Bikini vẫn không đủ an toàn để sinh sống, bởi đất đai, cây trồng, thực phẩm trong khu vực này vẫn nhiễm phóng xạ.
Không ngoài dự kiến, những dữ liệu này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Cơ quan Năng lượng nguyên tử Hoa Kỳ đã tài trợ cho Saruhashi đến Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) để so sánh kỹ thuật đo lượng bụi phóng xạ của Nhật Bản với phương pháp của Mỹ, do nhà hải dương học Theodore Folsom phát triển. Kết quả là phương pháp của Saruhashi chính xác hơn, cung cấp bằng chứng quan trọng để Mỹ và Liên Xô đi đến thống nhất chấm dứt thử nghiệm hạt nhân trên mặt đất vào năm 1963: một thành tựu đáng kinh ngạc trong giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Sau khi quay về Nhật Bản, Saruhashi trở thành giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Địa hóa học vào năm 1979.
Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, Saruhashi không mấy khi phải đối mặt với sự phân biệt giới tính mà chúng ta thường thấy trong khoa học. Điều này chủ yếu là nhờ người hướng dẫn của Saruhashi tại Viện Nghiên cứu khí tượng là Yasuo Miyake, một nhà hóa học biển nổi tiếng, đồng thời là Giám đốc Phòng thí nghiệm Địa hóa học, người duy trì chính sách không khoan nhượng nghiêm ngặt đối với sự phân biệt giới tính.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi Saruhashi đến Đại học Tokyo và Viện Hải dương học Scripps. Tại Tokyo, một giáo sư đã yêu cầu bà phân tích mẫu bụi canxi oxit từ san hô bị ô nhiễm do vụ thử nghiệm hạt nhân gần đảo Bikini. Nhưng trước đó, bà phải phân tích các mẫu canxi carbonat khác “để kiểm tra độ chính xác của phân tích của Saruhashi”. Nhà nghiên cứu về lịch sử và vũ khí hạt nhân Sumiko Hatakeyama cho rằng có khả năng giáo sư đã làm vậy để bảo toàn vật liệu, nhưng không có bằng chứng nào về điều này, nên rất có thể, ông ấy làm vậy vì nghi ngờ năng lực của Saruhashi.
Mọi thứ còn tệ hơn khi bà đến Viện Hải dương học Scripps. Khi đó, Folsom, người đồng cấp của Saruhashi tại Mỹ, đề nghị bà làm việc tại một căn nhà gỗ nhỏ, thay vì đến viện nghiên cứu. Hatakeyama cho rằng điều này không chỉ đơn thuần là sự phân biệt giới tính hay chủng tộc, mà còn là định kiến địa chính trị phức tạp.
Bất chấp những khó khăn, Saruhashi vẫn kiên trì theo đuổi con đường nghiên cứu của mình. Ngoài việc là người phụ nữ đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Hóa học tại Đại học Tokyo năm 1957, Saruhashi còn là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Hội đồng Khoa học Nhật Bản, người phụ nữ đầu tiên giành Giải thưởng Miyake của Nhật Bản về địa hóa học, và Giải thưởng Tanaka từ Hiệp hội Khoa học nước biển.
Katsuko Saruhashi qua đời vào ngày 29/9/2007 do bệnh viêm phổi. Công trình của bà không chỉ để lại dấu ấn lâu dài trong lĩnh vực địa hóa học mà còn tác động mạnh mẽ đến thế giới, một phần là do bà tin tưởng sâu sắc rằng khoa học và xã hội có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Saruhashi cho rằng mục tiêu và những hướng nghiên cứu ưu tiên trong khoa học nên bắt nguồn từ thực tế xã hội, và các nhà khoa học phải chịu trách nhiệm xã hội. Bà thường xuyên giao lưu với công chúng, vừa giới thiệu về các công trình của mình, vừa lắng nghe ý kiến của họ về những gì các nhà khoa học nên ưu tiên.
Bà cũng tận dụng thành công của chính mình để giúp đỡ người khác. Vào giai đoạn đầu sự nghiệp, bà đã thành lập Hội các nhà khoa học nữ Nhật Bản: một nơi để công nhận các nhà khoa học nữ, nhưng cũng là nơi để thảo luận và giải quyết các vấn đề mà các nhà khoa học nữ phải đối mặt. Năm 1981, bà đã thành lập Giải thưởng Saruhashi - đến nay đã trở thành một giải thưởng thường niên uy tín dành cho các nhà khoa học nữ Nhật Bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Nguồn: Massive Science, Al Jazeera
Đăng số 1312 (số 40/2024) KH&PT