Một nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Mỹ đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên phân tích các nguy cơ xâm nhập mặn trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực sản xuất lúa có năng suất cao nhất thế giới, xuất khẩu gần 1/5 lượng gạo được giao dịch trên toàn cầu hằng năm. Các nghiên cứu trước đây lưu ý rằng xâm nhập mặn là một vấn đề nghiêm trọng, và cường độ xâm nhập mặn chủ yếu do mực nước biển dâng cao, sụt lún đất, tình trạng “đói” trầm tích do con người gây ra (xây các đập, hồ chứa khiến trầm tích bị giữ lại...) và nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn.
Tuy nhiên, những nghiên cứu này thường dựa vào phương pháp mô phỏng tình huống thay vì tiếp cận tích hợp để đánh giá những tác động mà tình trạng xâm nhập mặn có thể gây ra. Vì thế, một nhóm gồm bốn nhà nghiên cứu Việt Nam và hai nhà nghiên cứu Mỹ đã sử dụng một mô hình tích hợp kinh tế - thống kê - thủy động lực học để tìm hiểu cách thức và mức độ những yếu tố này có thể ảnh hưởng tới tình trạng xâm nhập mặn. Họ cũng xem xét chi phí và lợi nhuận của hai chính sách kiểm soát xâm nhập mặn phổ biến: xây dựng công trình vật lý và quy hoạch đất mềm.
Phương pháp xây dựng công trình vật lý (đê, kè, cửa cống...) giúp duy trì một số đồng bằng bị sụt lún nghiêm trọng. Thế nhưng, phương pháp này đòi hỏi chi phí đầu tư tốn kém và có khả năng khiến các vùng đồng bằng mắc kẹt trong những điều kiện không bền vững (tăng nguy cơ ngập lụt, mất cân bằng sinh thái, tổn thất kinh tế...). Các chính sách thích nghi mềm và giảm thiểu như dừng trồng loại cây cần nhiều nước và sử dụng các công nghệ tiết kiệm nước là những giải pháp bền vững hơn với các vấn đề mà vùng đồng bằng đang phải đối mặt.
Ngoài ra, nhóm cũng phát triển một khuôn mẫu để phân tích sự đánh đổi trong việc ra quyết định thích nghi và quản lý nông nghiệp trước biến đổi khí hậu và các yếu tố gây căng thẳng do con người gây ra trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là nghiên cứu đầu tiên phân tích các nguy cơ xâm nhập mặn trên toàn vùng đồng bằng và những điều bất định trong việc sản xuất gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn:baochinhphu
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã áp dụng một mô hình thủy động học được sử dụng phổ biến là MIKE HYDRO River (MIKE 11) để mô phỏng tình trạng xâm nhập mặn theo các kịch bản khác nhau về nước biển dâng, dòng chảy ngược, sụt lún đất và các biện pháp can thiệp tiềm năng của chính phủ tới năm 2050. Ở đây, chính sách mềm là kiểm soát sử dụng đất bằng cách giảm một vụ lúa trong các khu vực ngập lụt để khôi phục sức chứa nước ngọt. Ngược lại, chính sách cứng là xây đê và công trình kiểm soát nước mặn như cửa cống để kiểm soát nước ngập mặn.
Bên cạnh đó, nhóm cung cấp một phương pháp thống kê để phân tích cường độ xâm nhập mặn và các nguy cơ trong mọi kịch bản. Mức độ xâm nhập mặn nghiêm trọng trong lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long dao động đáng kể, với các khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn có mức nồng độ muối là 4g/l.
Khi so sánh các kịch bản cơ sở, nhóm phát hiện ảnh hưởng do con người gây ra (khai thác nước ngầm quá mức, xây đập, đô thị hóa, lấn biển...) góp phần khiến cường độ xâm nhập mặn tăng trung bình 16,8%; trong khi yếu tố nước biển dâng do biến đổi khí hậu chỉ khiến cường độ này tăng 4,3%. Từ đây, có thể thấy tác động từ con người ảnh hưởng tới tình trạng xâm nhập mặn lớn hơn nước biển dâng.
Kết quả cũng chỉ ra, có dưới 50% khả năng các khu vực bị xâm nhập mặn hằng năm sẽ vượt quá diện tích trong lịch sử là 1,93 triệu hec-ta (mức cơ sở), nhưng nếu mực nước biển dâng lên 22cm thì khả năng này sẽ lên tới 100%. Dưới tác động kết hợp từ mực nước biển dâng, sụt lún đất, xói mòn lòng sông, mô hình của nhóm nghiên cứu cho thấy xác suất diện tích đất bị ngập mặn từ 2,30-2,38 triệu hec-ta lên đến gần 95%.
Phát hiện này cho thấy một phần lớn diện tích trồng lúa hiện nay ở Đồng bằng sẽ không thể canh tác trong ít nhất một vụ trong năm.
Từ các phát hiện nêu trên, nhóm nghiên cứu cho rằng việc kết hợp chính sách cứng và mềm là một chiến lược bền vững và tiết kiệm chi phí hơn trong việc giảm bớt cường độ và nguy cơ xâm nhập mặn.
Nguồn:
Tạp chí Science of the total environments