Tính đến thời điểm 2021, Bộ KH&CN ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”.

.
.
Xuất phát điểm của Việt Nam trong phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) còn khiêm tốn: không nhiều số lượng chuyên gia, không có hạ tầng tính toán siêu máy tính rất lớn như các quốc gia phát triển, không có các doanh nghiệp trong top đầu liên quan đến AI.

Vì vậy Việt Nam phải nhìn đúng vào hiện trạng thực tế để có chiến lược AI phù hợp. Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy về thực tế và tiềm năng phát triển AI của Việt Nam tại buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ KH&CN, ngày 5/4/2023.

Dù hiện chưa có những đánh giá cụ thể về vị trí của Việt Nam trong phát triển AI so với các quốc gia khác nhưng có thể tạm căn cứ vào chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu – Việt Nam đang xếp thứ 44, tức là không thuộc top các quốc gia có tiềm lực KH&CN mạnh nhất. “Về AI thì chắc chắn chúng ta ở khoảng cách rất xa với các quốc gia top đầu, và xu thế sẽ còn tiếp tục gia tăng khoảng cách giữa nhóm đi đầu và nhóm phía sau. Chúng ta đã nhìn thấy rất rõ hiện trạng này, vì các nước dẫn đầu đã có nguồn lực, có tích lũy hàng trăm năm, tập trung đầu tư… Do đó, khoảng cách trong tương lai sẽ còn rất lớn, nhất là khi chỉ trong ba tháng gần đây, sự nổi lên của Chat GPT, các sản phẩm của Open AI cũng như nhiều sản phẩm đang trong quá trình phát triển cũng cho thấy AI sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn với toàn thế giới”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói. “Trong khi đó, cho đến năm 2021, cơ bản chúng ta chưa có nhiều cơ sở dữ liệu lớn sẵn sàng cho phát triển ứng dụng AI”.

Chính vì thế, Chiến lược phát triển AI đặt ra các nhiệm vụ thúc đẩy nhận thức về nghiên cứu phát triển AI, đào tạo nguồn nhân lực, ươm tạo tài năng và xây dựng dữ liệu. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng nhấn mạnh, tương ứng với Chiến lược KH&CN 10 năm tới, chiến lược trí tuệ nhân tạo cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực đổi mới công nghệ, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp và tập trung cho năng lực sử dụng, ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp. Chúng ta không quá tham vọng phát triển được các sản phẩm trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới mà nên tập trung vào một số sản phẩm ngách cho thị trường Việt Nam.

Nhìn lại hai năm qua thực hiện Chiến lược phát triển AI, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận như sự thay đổi nhận thức của các nhà quản lý và toàn xã hội trong việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu ở các ngành, cho đến các hoạt động hỗ trợ phát triển các ứng dụng, nhiều sản phẩm đã được đưa vào ứng dụng thực tế như các trợ lý ảo, xử lý ảnh, camera nhận dạng, tự động gợi ý các giải pháp trong chăm sóc khách hàng, trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán sớm nhiều loại bệnh, xe tự hành… Ông cũng lưu ý, những kết quả bước đầu này cho thấy việc nghiên cứu phát triển AI nói riêng hay KH&CN nói chung đòi hỏi phải có sự đầu tư dài hơi, bài bản.

Cũng tại họp báo, Bộ KH&CN cho biết trong quý II/2023, Bộ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN gồm: Nghị định về khu công nghệ cao; sửa đổi, bổ sung một số số quy định về Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước; quyết định về cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao; quyết định phê duyệt Đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, trong dịp Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 lần thứ 10, Bộ KH&CN sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức chuỗi sự kiện lớn của ngành như Lễ hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4; Lễ kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5; Lễ trao Giải thưởng báo chí KH&CN và Kỷ niệm 10 năm tổ chức xét tặng Giải thưởng báo chí về KH&CN; Lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến khoa học 2023; Ngày hội STEM 2023; tham gia Techfest quốc tế tại Lào, Hàn Quốc, Úc,... tổ chức một số Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm…