Sự bùng phát các dịch bệnh trên thủy sản như bệnh đốm đỏ không chỉ đặt ra yêu cầu tuân thủ quy trình nuôi trồng theo hướng an toàn sinh học mà còn đòi hỏi người dân thay đổi thói quen sử dụng kháng sinh tự do hiện nay.

Mặc dù là một trong những tín hiệu cho thấy sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam song việc mở rộng các trang trại nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh khiến dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Chẳng hạn, một số tác nhân gây bệnh trước kia tưởng chừng không đáng ngại và dễ xử lý như vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh đốm đỏ giờ đây đã trở thành một trong những căn bệnh “ám ảnh” nhất với người nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Bệnh đốm đỏ có thể xuất hiện trên tất cả các loài cá, bắt đầu với triệu chứng cá bỏ ăn, “sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn xuất huyết, làm hỏng vây và các cơ quan nội tạng của cá,... tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập vào. Nếu không điều trị kịp thời có thể khiến tỉ lệ chết rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng”, TS. Trương Đình Hoài, Phó trưởng khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết.

Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh thủy sản theo sự hướng dẫn của chuyên gia là yếu tố quan trọng để giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh tự do. Ảnh: TS. Trương Đình Hoài (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn kỹ năng chẩn đoán bệnh trên thủy sản. Nguồn: VMC

Tất cả các chủng đều kháng kháng sinh

Thông qua sự hỗ trợ từ các đề tài nghiên cứu, ví dụ như “Nghiên cứu bệnh trên cá rô phi do vi khuẩn Edwardsiella ictaluriA.hydrophila gây ra” (2020-2021) của Bộ NN&PTNT, nhóm nghiên cứu đã có những phát hiện mới về tình hình nhiễm, sự phân bố gene độc lực, tình trạng kháng thuốc,... của vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây bệnh trên cá rô phi và môt số loài cá nước ngọt khác.

Với bệnh do A.hydrophila gây ra, cũng như hầu hết các nghiên cứu về bệnh thủy sản khác, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu bằng việc thu thập các mẫu cá nghi nhiễm A.hydrophila trên cá rô phi, họ cá chép, cá lăng (cá nheo Mỹ) từ nhiều vùng nuôi tập trung ở 16 tỉnh miền Bắc. Điểm khác biệt là bên cạnh những bước thông thường như chẩn đoán lâm sàng, phân lập, nuôi cấy,... nhóm nghiên cứu còn phải giải trình tự các gene để xác định chính xác tác nhân gây bệnh, để phản ánh đúng thực trạng bệnh cho từng tác nhân. Nguyên nhân là do trước đây, “ở Việt Nam thường có sự nhầm lẫn khi định danh loài vi khuẩn thuộc nhóm Aeromonas do chỉ dùng phương pháp sinh hóa hoặc PCR thông thường, và không định danh sâu nên vẫn gọi và quan niệm chúng là A.hydrophila. Tuy nhiên, thực tế chúng có rất nhiều loài hoặc dưới loài (subspecies) khác như A. jandaei, A.veronii, A.caviae,... chẳng hạn trong số các mẫu chúng tôi thu thập được, qua giải trình tự gene chỉ có khoảng 40% trong số đó là A.hydrophila”, TS. Trương Đình Hoài cho biết.

Để đánh giá độc lực và khả năng gây bệnh của vi khuẩn A.hydrophila đã phân lập được, cũng như hỗ trợ người nuôi trong quá trình điều trị có kết quả tốt hơn, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đồng thời cả hai công đoạn: xác định gene độc lực và mức độ kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn này. “A.hydrophila cũng như các tác nhân gây bệnh khác, muốn gây bệnh được thì thứ nhất phải đủ về mặt số lượng trong môi trường nuôi, thứ hai là đủ độc lực để thắng sức đề kháng của cơ thể động vật thủy sản, gene độc lực là một trong những yếu tố để quyết định chúng có khả năng gây bệnh hay không”, anh giải thích. Bên cạnh đó, “mỗi chủng vi khuẩn có sự phân bố gene kháng thuốc kháng nhau, do vậy, mức độ kháng kháng sinh sẽ khác nhau. Nếu chúng ta cứ đánh đồng chung giữa trại này với trại kia, vùng này với vùng kia và sử dụng kháng sinh giống nhau thì hiệu quả điều trị sẽ không cao”.

Những kết quả mà nhóm nghiên cứu thu được có lẽ khiến không ít người nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở miền Bắc phải lo ngại: tất cả các chủng vi khuẩn A.hydrophila đều chứa ít nhất một gene độc lực, nhiều chủng có chứa 2-4 gene trên tổng số 5 gene được kiểm tra . Có nghĩa là “A.hydrophila đang lưu hành trên các loài thủy sản nuôi ở 16 tỉnh miền Bắc đều là những chủng có độc lực và có khả năng gây bệnh, trên thực tế chúng đã gây bệnh và gây ra nhiều thiệt hại ở các trại nuôi”, TS. Trương Đình Hoài nhận xét. Điều đáng buồn là con số tương tự cũng lặp lại với mức độ kháng kháng sinh: tất cả các chủng đều kháng ít nhất một loại kháng sinh. “Trong số 16 loại kháng sinh mà chúng tôi thử nghiệm, hầu hết các chủng đều kháng từ 3-8 loại kháng sinh chứ không có con nào không bị kháng cả”.

Có lẽ, thói quen dùng kháng sinh bừa bãi của hầu hết các trang trại nuôi trồng thủy sản hiện nay là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng của vi khuẩn A.hydrophila. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này qua sự khác biệt về mức độ kháng kháng sinh của các loài cá trong nghiên cứu. “Các chủng vi khuẩn gây bệnh ở cá rô phi có mức độ kháng kháng sinh cao hơn so với các loài cá khác, nguyên nhân thứ nhất có thể là do chúng là một loài chính trong các trại nuôi thủy sản ở miền Bắc, lại đang được nuôi ở môi trường hở (nuôi lồng trên sông, hồ) khá nhiều, nên khó kiểm soát môi trường nuôi, mầm bệnh diễn biến lại phức tạp nên việc sử dụng kháng sinh trị bệnh cũng nhiều hơn. Thứ hai, tác nhân gây bệnh cho cá rô phi hiện nay khá nhiều, đếm sơ sơ cũng phải 6-7 loại tác nhân, trong khi các loại cá khác thường ít tác nhân hơn, thường chỉ một hai bệnh đặc trưng. Do vậy, người ta cũng sử dụng nhiều loại kháng sinh khác nhau trên cá rô phi hơn, dẫn đến tình trạng vi khuẩn A.hydrophila gây bệnh trên cá rô phi có nhiều gene kháng thuốc hơn so với các loại cá khác trong nghiên cứu này”, TS. Trương Đình Hoài giải thích.

Tình trạng này có thể sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, nhất là trong bối cảnh quy mô và mật độ nuôi thủy sản ngày càng gia tăng, nhưng phần lớn các trang trại nuôi trồng thủy sản chưa có sự đầu tư đúng mức cho các biện pháp an toàn sinh học - áp dụng các biện pháp để đảm bảo môi trường nuôi và ngăn chặn tác nhân gây bệnh vào hệ thống nuôi. Bởi lẽ, nếu môi trường có nhiều mầm bệnh hoặc tồn dư kháng sinh trong nước, bùn đáy, sử dụng kháng sinh bừa bãi thì vi khuẩn có khả năng tự “thích ứng” để phát triển khả năng kháng thuốc, thậm chí chúngcó thể hấp thụ các gene kháng thuốc từ môi trường và vi sinh vật khác để ngăn chặn tác dụng của kháng sinh. Tình trạng này cũng xảy ra với gene độc lực: “Ban đầu một số chủng vi khuẩn không chứa gene độc lực đâu, tuy nhiên, chúng có thể hấp thu gene độc từ môi trường để tạo ra những gene độc lực mới trong bộ gene của vi khuẩn, tăng khả năng gây bệnh trên các loài thủy sản”.

Cần sự phối hợp của các bên

Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng dịch bệnh và kháng kháng sinh nói chung đang bủa vây khắp các trang trại thủy sản ở miền Bắc như trên? Các giải pháp chủ chốt do các chuyên gia đề xuất bao gồm: thay đổi thói quen nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh vào hệ thống nuôi, theo dõi và quản lý sức khỏe vật nuôi định kỳ; giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, áp dụng các biện pháp, liệu pháp thay thế kháng sinh. Việc tuân thủ các quy tắc an toàn sinh học trong nuôi trồng thủy sản là xu hướng mà các quốc gia phát triển trên thế giới đã thực hành từ lâu. Tuy nhiên, đây là điều thách thức ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam - chủ yếu là nuôi trồng ở quy mô nuôi nhỏ lẻ nên “vấn đề an toàn sinh học hiện nay đa số chưa được quan tâm nhiều, chỉ một số tập đoàn lớn có điều kiện đã thực hiện quy hoạch và đầu tư quy trình an toàn sinh học trong nuôi trồng, sản xuất với những trang trại lớn đặt ở vùng nuôi độc lập của họ”, TS. Trương Đình Hoài cho biết.

Nếu giải pháp nuôi trồng an toàn sinh học cần nhiều đầu tư và thời gian, thì có lẽ việc thay đổi thói quen sử dụng kháng sinh là điều người nuôi trồng thủy sản sẽ dễ dàng thực hiện hơn? Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân khó có thể thay đổi thói quen này khi mà họ có vẻ vẫn đang khá “bơ vơ” trong công tác phòng trị dịch bệnh. Qua những chuyến khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu thấy rằng “người nuôi trồng thủy thủy sản thường bối rối nếu có dịch bệnh xảy ra, khi cá nhiễm bệnh họ không biết 'kêu ai'. thông thường, nhân viên kinh doanh thuốc, thức ăn là những người cứu cánh. Tuy nhiên không phải ai trong số họ cũng có chuyên môn sâu về thủy sản hay quản lý dịch bệnh thủy sản” nên thường xảy ra tình trạng “thà giết nhầm hơn bỏ sót”, dẫn đến việc sử dụng kháng sinh rất bừa bãi, kể cả kháng sinh cấm,... Tình trạng kiểm soát chất lượng và việc mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh như hiện nay dẫn đến thực tế “không có nơi nào mua thuốc kháng sinh dễ như Việt Nam”, TS. Trương Đình Hoài nhận xét. “Ở hầu hết các quốc gia phát triển, người, thú và động vật thủy sản muốn mua và được điều trị bằng kháng sinh cần được bác sỹ, hoặc người có chuyên môn quyết định và có đơn thuốc kèm theo”.

Do vậy, việc tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý, người nuôi trồng thủy sản, các chuyên gia có chuyên môn và các công ty hỗ trợ liên quan (thuốc thú ý, thức ăn thủy sản,...) là điều cần thiết để công tác phòng chống dịch bệnh bệnh tốt hơn, từ đó giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện nay. Cụ thể, “cơ quan quản lý phải xây dựng hệ thống cảnh báo dịch bệnh, hệ thống tiếp nhận thông tin để khi xảy ra dịch bệnh xảy ra, nhất là đối với các bệnh thuộc danh mục bệnh nguy hiểm và cần được kiểm dịch, người nuôi trồng thủy sản có thể nhanh chóng khai báo. Đáp lại, cơ quan quản lý, đội ngũ chuyên gia của cơ quan quản lý cũng phải “phản hồi” hỗ trợ họ, không để tình trạng 'trên không biết' và 'dưới bơ vơ' như hiện nay. Nếu người nuôi được hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả thì lúc xảy ra dịch bệnh họ sẽ báo ngay, khi đó hệ thống quản lý dịch bệnh và các hoạt động phòng chống dịch bệnh mới đi vào thực tiễn và thực sự có ý nghĩa”, anh phân tích.

Ngoài việc yêu cầu các bên phải đồng thuận ngồi lại với nhau, mô hình này chỉ khả thi nếu chúng ta tăng cường đầu tư năng lực cho các phòng thí nghiệm trong lĩnh vực thủy sản, bao gồm cả nhân lực và trang thiết bị. Bởi lẽ, dịch bệnh thủy sản thường diễn biến nhanh, đòi hỏi phải sớm có kết quả chấn đoán và đưa ra phương án hỗ trợ kịp thời. Chẳng hạn ở Nhật Bản, “nếu một vùng nuôi xuất hiện dịch bệnh, quản lý và chuyên gia phụ trách vùng phải có mặt trong vòng 24 giờ, thu mẫu, xét nghiệm, sau đó trả kết quả, viết đơn thuốc và hướng dẫn xử lý luôn”, TS. Trương Đình Hoài cho biết. “Chúng ta có nhiều phòng xét nghiệm bệnh thủy sản, nhưng hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu về tốc độ xét nghiệm do nhiều nguyên nhân như cơ chế hành chính, thời gian trả kết quả > 2 ngày, trong thời gian đó có khi cá đã chết rất nhiều. Ngoài ra kết quả chủ yếu là nêu ra dương tính/âm tính, chưa có tư vấn và hỗ trợ nên thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu của người nuôi và thực tiễn trong xử lý dịch bệnh thủy sản”. Điều này dẫn đến việc họ tự tìm đến một biện pháp nhanh chóng và thuận tiện hơn là kháng sinh, và khiến “vòng lặp” kháng kháng sinh vẫn mãi tiếp tục.


Việc tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý, người nuôi trồng thủy sản, các chuyên gia và các công ty hỗ trợ liên quan (thuốc thú ý, thức ăn thủy sản,...) là điều cấp thiết để giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh bừa bãi cũng như phòng trừ dịch bệnh thủy sản hiệu quả.