Từ ca bệnh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, các nhà khoa học đã xác định được một đột biến hiếm gặp mới trong gen ABCA12 liên quan đến bệnh Harlequin Ichthyosis (hay còn gọi là bệnh da vảy cá)

Phả hệ gia đình bệnh nhân gồm cha mẹ, chị gái mất vì mắc HI, thai chết lưu ở tuần thứ 12, hai anh chị em khoẻ mạnh mang gen đột biến, bệnh nhân.   Kết quả giải trình tự của các thành viên trong gia đình bệnh nhân cho thấy cha mẹ, anh trai và chị gái của bệnh nhân mang đột biến dị hợp tử (C.6353C > G) trong gen ABCA12. Bệnh nhân mang đột biến đồng hợp tử (C.6353C > G) và người anh trai khoẻ mạnh khác sinh năm 2013 không mang đột biến.
(A) Phả hệ gia đình bệnh nhân gồm cha mẹ, chị gái mất vì mắc HI, thai chết lưu ở tuần thứ 12, hai anh chị em khoẻ mạnh mang gen đột biến, bệnh nhân.
(B) Kết quả giải trình tự của các thành viên trong gia đình bệnh nhân cho thấy cha mẹ, anh trai và chị gái của bệnh nhân mang đột biến dị hợp tử (C.6353C > G) trong gen ABCA12. Bệnh nhân mang đột biến đồng hợp tử (C.6353C > G) và người anh trai khoẻ mạnh khác sinh năm 2013 không mang đột biến. Ảnh:BGI Genomics

Harlequin ichthyosis (HI) còn được biết đến với tên gọi khác như Harlequin-type ichthyosis, Harlequin baby, Harlequin ichthyosis, hay bệnh da vảy cá. Đây một chứng rối loạn da di truyền nghiêm trọng khiến toàn bộ cơ thể của trẻ sơ sinh bị bao phủ bởi các mảng dày màu trắng, nâu hoặc nâu sẫm. HI có tỷ lệ mắc thấp với 1/300.000 ca sinh, nhưng lại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh về da.

HI bắt nguồn từ một đột biến trong gen ABCA12, có vai trò mã hóa một loại protein vận chuyển lipid cần thiết cho sự hình thành lớp “hàng rào” bảo vệ da. Việc thiếu hụt protein này làm cho lipid không được vận chuyển, dẫn đến sự biến đổi nghiêm trọng các khu vực ở da

Mới đây, GS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân, TS. Nguyễn Thị Kim Liên, (Viện nghiên cứu Hệ gen, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), PGS.TS. BS Trần Vân Khánh, GS.TS Tạ Thành Văn (ĐH Y Hà Nội), TS. Thomas Qiu (BGI Genomics) và các đồng nghiệp đã công bố trên tạp chí Frontiers in Pediatrics về trường hợp một trẻ sinh non tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, nặng 2,2 kg, da được bao phủ bởi một tấm màng dày giống như vảy, với các vết nứt sâu màu đỏ sẫm trên da. Em bé sau đó được chẩn đoán mắc chứng rối loạn HI.

5 ngày sau sinh, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nhiễm trùng nặng, kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp khác, khó thở và tử vong sau 15 giờ.

Trẻ sơ sinh có một chị gái, sinh non 8 tháng, qua đời khi được 2,5 tuần tuổi với các triệu chứng HI và một anh trai chết lưu khi thai được 12 tuần. Bé còn có hai anh trai và một chị gái khác, sức khỏe bình thường. Bệnh nhi được lấy mẫu máu, giải trình tự toàn bộ exome (WES) để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Toàn bộ kết quả giải trình tự cho thấy một đột biến đồng hợp tử (c.6353C > G, p.S2118X) dẫn đến protein ABCA12 bị cắt ngắn - một dấu hiệu thường được ghi nhận trong các trường hợp mắc HI. Protein được hình thành bị rối loạn chức năng nghiêm trọng, dẫn đến rối loạn kiểu hình nghiêm trọng ở bệnh nhân. Đáng chú ý, đột biến c.6353C > G (p.S2118X) chưa từng được báo cáo trong các nghiên cứu trước đây và trong cơ sở dữ liệu (1.000 Genome, gnomAD, NCBI, HGMD, UCSC, ExAc và NHLBI).

Vị trí đột biến trong mô hình cấu trúc của gen ABCA12 và protein ABCA12.
Vị trí đột biến trong mô hình cấu trúc của gen ABCA12 và protein ABCA12. Ảnh:BGI Genomics

Giải trình tự toàn bộ exome cũng cho thấy các thành viên trong gia đình mang đột biến ở trạng thái dị hợp tử không biểu hiện các triệu chứng HI ra ngoài, do đó các gia đình có tiền sử mắc bệnh này cần sàng lọc di truyền và chẩn đoán trước sinh.

“Mặc dù chứng rối loạn HI có tỷ lệ tử vong cao, nhưng việc can thiệp sớm bằng retinoid có thể giúp cải thiện tỷ lệ sống sót. Việc nghiên cứu sâu hơn về cơ chế phát sinh bệnh của HI và phát triển các liệu pháp mới đóng vai trò quan trọng để cải thiện tình trạng của những người bị ảnh hưởng bởi HI”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Nguồn: