Trong đó, 5 loại ung thư sẽ chiếm khoảng một nửa chi phí.

Nghiên cứu được công bố trên JAMA Oncology vào tháng trước cho thấy những bệnh ung thư "đắt đỏ" nhất lần lượt là ung thư khí quản, phế quản và phổi là những bệnh ung thư kéo theo chi phí cao nhất; tiếp đến là ung thư ruột kết và trực tràng, ung thư vú, ung thư gan, và ung thư máu hay bệnh bạch cầu.

Chỉ riêng những bệnh ung thư này sẽ tiêu tốn khoảng 12 nghìn tỷ đô-la quốc tế (Int$) trong 30 năm tới. Và chi phí của tất cả các bệnh ung thư nói chung trong cùng khoảng thời gian sẽ là 25,2 nghìn tỷ Int$. Int$ là một loại tiền tệ giả định thường được sử dụng trong các phân tích và so sánh kinh tế giữa các quốc gia.

Một phân tích dự đoán rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ chịu phần lớn gánh nặng kinh tế của bệnh ung thư.

Các nghiên cứu trước đây đã ước tính chi phí toàn cầu của bệnh ung thư - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới - nhưng chủ yếu xem xét một số bệnh ung thư nhất định. Để có được bức tranh toàn cảnh hơn, nhóm Simiao Chen, nhà kinh tế học sức khỏe tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Heidelberg, Đức, đã thu thập dữ liệu kinh tế và sức khỏe từ khắp nơi trên thế giới.

Sau đó, họ lập mô hình chi phí ung thư trong tương lai, chia nhỏ dữ liệu giữa các quốc gia và loại ung thư. Ngoài chi phí điều trị trực tiếp, các ca chẩn đoán còn ảnh hưởng đến nền kinh tế theo cách buộc bệnh nhân phải nghỉ làm và dành tiền tiết kiệm để điều trị.

Phân tích ước tính, nếu không đầu tư thêm vào nghiên cứu và phòng ngừa, ung thư sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu phải trả giá bằng 25,2 nghìn tỷ Int$ từ chi phí y tế, thu nhập bị hụt do mất sức lao động và các khoản tiết kiệm phải chi dùng trong 30 năm tới. Khoản này tương đương với việc thế giới mất đi giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong cùng khoảng thời gian.

Mặc dù 3/4 số ca tử vong do ung thư xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, phân tích cho thấy hơn một nửa chi phí toàn cầu cho bệnh ung thư sẽ rơi vào các nước có thu nhập cao, trong đó Trung Quốc và Mỹ chịu gánh nặng lớn nhất. Ở Trung Quốc, nguyên nhân là dân số đông. Ở Mỹ, nguyên nhân là chi phí chăm sóc sức khỏe cao.

Nghiên cứu cũng cho thấy tác động kinh tế của các bệnh ung thư khác nhau giữa các nước. Ở châu Phi cận Sahara, ung thư vú và cổ tử cung gây tác động kinh tế lớn nhất. Trong khi đó, các nước giàu sẽ phải trả chi phí cao nhất cho các bệnh ung thư chủ yếu ảnh hưởng đến dân số già, chẳng hạn như ung thư phổi.

Theo Chen, những thông tin trong nghiên cứu có thể giúp các nhà hoạch định chính sách biết nên nhắm mục tiêu vào loại ung thư nào trong chính sách hỗ trợ, đầu tư nghiên cứu và phòng ngừa. “Rất tốn kém để tìm cách giải quyết ung thư. Nhưng chi phí của việc không giải quyết ung thư thậm chí còn cao hơn", Chen lưu ý.

Chen chỉ ra, ở các quốc gia như Trung Quốc, nơi bệnh ung thư phổi phổ biến, các chính sách nhằm hạn chế sử dụng thuốc lá có thể tạo ra sự thay đổi lớn. Robin Yabroff, nhà nghiên cứu dịch vụ y tế tại Hiệp hội Ung thư Mỹ, cũng cho biết nhiều căn bệnh tốn kém có thể được giải quyết nhờ phòng ngừa, chẳng hạn như tiêm vaccine ngừa virus u nhú ở người - loại virus liên quan đến ung thư cổ tử cung, hoặc khám sàng lọc ung thư thường xuyên.

Nguồn: