Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Mỹ, đã tìm ra cách mới để bảo quản phổi hiến tặng để cấy ghép.
Theo bài báo của nhóm nghiên cứu trên Science Advances, tỉ lệ dùng phổi từ người hiến tặng để cấy ghép khá thấp, chỉ khoảng 25%.
Trở ngại chính là do thời gian để phổi hiến tặng bảo đảm đủ tiêu chuẩn cấy ghép không dài, chỉ có khoảng 6 tiếng, ngay cả với những cách bảo quản tốt nhất hiện nay. Sau khung thời gian đó, phổi bắt đầu xuất hiện tổn thương và không phù hợp để sử dụng trong thủ thuật cấy ghép vốn đã rất khó khăn.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phát triển phương pháp tuần hoàn chéo để nối hệ tuần hoàn của một con lợn còn sống với lá phổi được lấy ra từ người hiến tạng. Phương pháp này không khác mấy so với qui trình được sử dụng trong một số ca phẫu thuật tim hở, khi các bác sĩ thực hiện truyền máu tại chỗ và hệ tuần hoàn của người hiến máu được nối với hệ tuần hoàn của bệnh nhân để cung cấp máu giàu oxy.
Nghiên cứu cho thấy phương pháp mới không chỉ giúp kéo dài thời gian để phổi dùng được, mà còn giúp phục hồi những lá phổi lẽ ra phải bỏ đi.
Mặc dù lá phổi khỏe hơn để cấy ghép, nhưng một vấn đề mới lại xuất hiện.
Ở người nhận ghép tạng vốn có phản ứng đào thải mạnh với bộ phận cấy ghép, và các nhà nghiên cứu thấy rằng trong các lá phổi được bảo quản bằng máu lợn có hiện tượng thâm nhiễm tế bào và lắng đọng kháng thể lợn.
Nhóm nghiên cứu đã giải quyết vấn đề lắng đọng nhờ sử dụng yếu tố CVF (hay yếu tố nọc rắn hổ mang), một protein không độc trong nọc của loài rắn hổ mang Naja kaouthia.
Nghiên cứu trước đây cho thấy protein thành phần của nọc rắn hổ mang có tính ổn định hơn so với protein tương tự trong hệ miễn dịch của người. Trong khi phiên bản có ở người chỉ tồn tại lâu nhất là vài phút, thì yếu tố CVF ổn định trong vài giờ và rất lý tưởng cho ứng dụng này.
Sau 24 tiếng thực hiện tuần hoàn chéo khác loài, phổi của người hiến vẫn giữ được cấu trúc chung và vẻ ngoài được cải thiện, các phần hư hoại cũng được phục hồi. Theo thời gian, phổi thậm chí còn tăng khả năng phù hợp để cấy ghép, trái ngược với điều thường xảy ra trong các kỹ thuật bảo quản cấy ghép thông thường.
Đây là kết quả đầy ấn tượng của một nghiên cứu mang tính minh chứng khái niệm, và các nghiên cứu trong tương lai sẽ tiếp tục cải tiến phương pháp này. Một hướng đi mà các nhà nghiên cứu muốn theo đuổi là phát triển mô hình lợn suy giảm miễn dịch di truyền để tránh kháng thể của lợn xâm nhập vào phổi hiến tặng.
Nguồn:
Đào Liên