Một hành trình thám hiểm vào đại dương sâu thẳm đã tiết lộ rằng Trái đất thực sự có một lục địa thứ Tám.

Một chuyến đi kéo dài chín tuần đã đưa các nhà khoa học trên khắp thế giới thám hiểm đáy đại dương ở New Zealand và nước Australia. Họ đã tìm thấy bằng chứng về các hóa thạch từng ở trên đất liền và tiết lộ về một vùng đất cổ xưa không phải lúc nào cũng bị chìm dưới các con sóng.

Bà Jamie Allan - Giám đốc chương trình Khoa học đại dương của Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ - cho hay: "Zealandia là một lục địa bị chìm dưới đáy đại dương từ lâu, và nó đang dần từ bỏ việc lưu giữ các bí mật khoảng 60 triệu năm tuổi do các công tác khoan thăm dò khoa học".

Hồi đầu năm nay, các nhà khoa học đã tranh luận về việc lục địa thứ bảy mà chúng ta đã biết còn có một người anh đã mất tích từ lâu - lục địa Zealandia - đó là một vùng đất hẹp bao quanh New Zealand và nằm ngoài khơi bờ biển phía đông của châu Úc, toàn bộ lục địa này rộng khoảng 1.000 m bên dưới mực nước biển. Trong số các bằng chứng về Zealandia, có bằng chứng cho thấy lớp vỏ tạo thành Zealandia nông hơn nhiều so với lớp vỏ đại dương xung quanh, và bề mặt địa chất của nó giống với lớp vỏ của lục địa hơn là của đại dương. Thêm vào đó, có một dải lớp vỏ đại dương hẹp chia tách châu Úc và Zealandia, cho thấy hai vùng đất này hoàn toàn tách biệt.

Tuy nhiên, khu vực này quá xa xôi nên có rất ít nhà địa chất từng thám hiểm ở đây.

Để trả lời các nghi vấn về lục địa bí ẩn này, các nhà khoa học trên tàu JOIDES Resolutioni - một con tàu khoan nghiên cứu khoa học - đã khoan lõi trầm tích ở sáu khu vực dọc theo đáy biển của Zealandia. Các lõi ở độ sâu 2.500 m bên dưới bề mặt này đã tiết lộ về 70 triệu năm lịch sử của lục địa cổ đại này.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một kho báu vật hóa thạch cho thấy không phải lúc nào Zealandia cũng chìm trong nước biển.

Ảnh minh họa.

Nhà khoa học Gerald Dickens tới từ Đại học Rice, Texas (Mỹ) cho biết: "Hơn 8.000 mẫu vật đã được nghiên cứu, và hàng trăm mẫu hóa thạch đã được xác định. Phát hiện về các mảnh vỏ cực nhỏ của các sinh vật từng sống ở những vùng nước nông ấm áp, và các bào tử và phấn hoa của thực vật trên đất liền, đã cho thấy địa lý và khí hậu của Zealandia trong quá khứ từng thay đổi rất lớn".

Khoảng 100 triệu năm trước, châu Úc, châu Nam Cực và Zealandia đều là một phần của một lục địa lớn. Các kết quả khoan thăm dò mới cho thấy, mặc dù Zealandia đã bị tách khỏi các khu vực này và chìm xuống nước khoảng 80 triệu năm trước, nhưng có thể khoảng 40 - 50 triệu năm trước, chuỗi núi lửa tạo nên “Vành đai Lửa” Thái Bình Dương đã khiến Zealandia bị oằn xuống và làm cảnh quan thay đổi rất lớn.

Phát hiện này có thể tiết lộ về mức độ phân tán của động thực vật trên khắp khu vực Nam Thái Bình Dương. Trong quá khứ, khu vực này từng có một số vùng biển cạn và các dải đất cho phép các loài vật di cư và di chuyển giữa các vùng.