Chuột đồng thảo nguyên là loài gặm nhấm rắn chắc. Đây là những nhà vô địch đào hầm, chuyên sục sạo ở những khu vực rậm cỏ, dùng hàm răng sắc nhọn của mình để gặm cỏ, rễ cây và hạt. Bọn chuột này là nguồn cơn đau đầu của nông dân và thợ làm vườn.
Thế mà với Larry Young, những con chuột này lại là bí quyết để hiểu được sự lãng mạn và tình yêu. Ông dùng chuột đồng thảo nguyên trong một loạt thí nghiệm hé lộ quá trình hóa học cho những cảm xúc rung động trong tim. Trong số các loài gặm nhấm, chúng là loài chung thủy sống một vợ một chồng, tạo thành gia đình để cùng nhau nuôi dưỡng đời sau. “Nếu bạn mang bạn đời của chúng đi, chuột đồng thảo nguyên sẽ cho thấy hành vi tương tự với trầm cảm”, giáo sư Young cho biết. Điều đó khiến chúng là đối tượng lý tưởng để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhằm tìm hiểu hóa học của tình yêu.
Sinh ra và lớn lên tại một trang trại ở Sylvester, Georgia, Young vô cùng yêu quý các con vật và dự định trở thành bác sĩ thú y. Thế nhưng, ý định này đã chuyển hướng khi ông tham dự các lớp sinh hóa tại Đại học Georgia. Di truyền học và cách tự nhiên chuyển một chuỗi ký tự thành các hành vi cần thiết cho sinh tồn đã khiến Young mê mẩn.
Ở trường, Young làm việc trong một phòng nghiên cứu tìm hiểu peptide trong não muỗi, thứ kiểm soát hành vi kiếm ăn của loài côn trùng này. Peptide là một chuỗi dài các axit amin mà cơ thể tạo ra giúp tổng hợp các loại protein. Khi một cố vấn nói với Young rằng ông không thể nghiên cứu sinh hóa của hành vi, ông đã tới thư viện tìm hiểu và tình cờ vớ được một cuốn sách có nội dung về cách hormone định hình hành vi giao phối ở cá và các loài động vật khác. Young lập tức liên hệ với biên tập viên của cuốn sách là David Crews, hiện nay là giáo sư động vật học và tâm lý học Ashbel Smith tại Đại học Texas ở Austin. Năm 1989, Young gia nhập phòng thí nghiệm của Crew để học tiến sĩ. Khởi đầu, Young nghiên cứu cách thụ thể hormone steroid sinh dục ảnh hưởng tới việc giao phối ở hai loài thằn lằn sinh sản đơn tính (
Anolis carolinensis).
Sau khi tốt nghiệp, Young chuyển tới Đại học Emory (Atlanta) để làm việc với Thomas Insel, sau này là giáo sư tâm thần học, về vai trò của peptide vasopressin với khả năng ghép đôi của chuột đồng thảo nguyên. Chuột đồng thảo nguyên là loài duy nhất trong họ của nó chung tình với bạn đời và cùng nhau nuôi con. Các loài chuột đồng khác, như chuột đồng núi, giao phối bừa bãi và ít có tính xã hội hơn nhiều. Hóa ra, chuột đồng thảo nguyên và chuột đồng núi có sự phân bổ thụ thể oxytocin và vasopressin khác nhau, như Insel và các đồng nghiệp phát hiện được.
Youngbắt đầu thử điều khiển những hành vi này. Ông cùng đồng nghiệp bổ sung thêm bản sao gene thụ thể vasopressin (
Avpr1a) vào vùng bụng nhân cầu nhạt của chuột đồng cỏ. Kết quả là loài động vật thường sống đơn độc này đã đi tìm kiếm bạn đời. Họ cũng phát hiện việc loại bỏ thụ thể oxytocinkhiến động vật thiếu hụt tương tác xã hội. Tạp chí
Discover đã ca ngợi khám phá này là một trong 100 khám phá hàng đầu trong năm 2004. Ông tiếp tục chỉ ra rằng biến đổi trong yếu tố ADN lặp lại ở vùng điều hòa không mã hóa của
Avpr1ađã góp phần tạo nên tính đa dạng trong các kiểu biểu hiện của não và hành vi xã hội, mang lại một cơ chế tinh tế mà nhờ đó chọn lọc tự nhiên có thể định hình một hành vi phức tạp như vậy. Đây là một ý tưởng cách mạng vào thời điểm ấy, khi hầu hết lý giải cho hành vi điển hình của loài đều tập trung vào cấu trúc protein.
Cuối cùng, Youngcông bố các đánh giá chi tiết về sinh học thần kinh của ghép đôi và gắn bó. “Đó là những công trình có ảnh hưởng lớn đã vượt qua thử thách của thời gian”, theo nhận định của Stephanie Preston, giáo sư tâm lý học của Đại học Michigan, người làm việc với Young tại Đại học Emory vào giữa những năm 1990.