Câu chuyện thứ nhất - sẽ không còn công nhânCuối tháng 1/2024, Samsung vừa công bố sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip tự động hoàn toàn, tức là không có công nhân, chỉ vận hành với một vài kỹ sư vào năm 2030. Gần như chắc chắn là họ sẽ làm được, mà làm được thì có nghĩa là sẽ nhân rộng ra. Tức là chỉ khoảng hơn 10 năm nữa thôi, hàng trăm ngàn công nhân trong các nhà máy Samsung ở Việt Nam sẽ không còn việc làm. Và Samsung làm thì các doanh nghiệp khác cũng làm theo, không doanh nghiệp nào giảm được chi phí mà không làm cả. Như thế thì những thủ phủ khu công nghiệp của chúng ta như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên,... có thể trong tương lai sẽ đầy nhà máy mà không còn công nhân.
Đứng đầu bảng trong các nghề dễ bị mất việc theo chatGPT là công nhân trong dây chuyền. Như vậy nếu theo thống kê năm 2022, Việt Nam có khoảng 17 triệu công nhân trên tổng số khoảng 51 triệu lao động. Có nghĩa là nếu mà chatGPT nói đúng thì chỉ trong khoảng hơn 10 năm nữa thôi, khoảng 17 triệu công nhân Việt Nam sẽ bị sa thải. Điều này cũng sẽ xảy ra ở mọi nước đang phát triển khác. Thực sự chúng ta đang ở trong một khúc quanh lớn của nhân loại.
Câu chuyện thứ hai - công nhân cổ cồn sẽ phải chạy đua với AIDĩ nhiên các nước phát triển cũng bị ảnh hưởng mạnh. Công việc văn phòng, chuyên gia cũng đang bị thay thế bởi AI. Nếu như năm 2023 chứng kiến một số đợt sa thải trên cả 10.000 nhân viên của các hãng công nghệ lớn như Google, Microsoft, … với nguyên nhân chính là do tuyển dụng quá đà trong thời gian đại dịch Covid-19, thì những đợt sa thải nhỏ hơn diễn ra liên tục, từ công ty này qua công ty khác do AI thay thế công việc đã bắt đầu xuất hiện. Duolingo cắt giảm 10% lao động, Unity Software giảm 25% nhân viên hay Xerox giảm 3,450 người là những thông tin mới nhất.
Với AI, năng suất của nhân viên văn phòng tăng lên nhiều. Các doanh nghiệp sẽ không cần nhiều nhân viên như trước đây cho cùng một khối lượng công việc. Ở phía ngược lại, người lao động chỉ có một lựa chọn duy nhất: học thêm kiến thức AI để làm được nhiều hơn, trở nên cạnh tranh hơn và giữ những công việc còn lại của nghề.
Ngày nay ai cũng có thể có một từ điển sống là ChatGPT ở bên cần gì hỏi nấy. Do vậy, người lao động ngày nay cần phải biết sử dụng công cụ AI, làm việc song song với chúng như những trợ lý đích thực.
Tính trên cả hai nhóm lao động, công nhân nhà máy và công nhân cổ cồn, AI sẽ khiến cho một phần lớn mất việc. Nhưng nhìn ở góc độ khác thì để làm ra số lượng thực phẩm, đồ dùng đầy đủ cho nhân loại như hiện nay sẽ chỉ cần một phần nhỏ người lao động làm việc. Nếu như những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã giảm số lượng nông dân cần để làm ra lương thực nuôi sống nhân loại từ 90% xuống dưới 10%, thì Cuộc cách mạng 4.0 lần này sẽ giảm số lượng công nhân, nhân viên làm ra các sản phẩm công nghiệp, tiêu dùng theo đúng cách như vậy. Elon Musk, người giàu nhất hành tinh, đã nói đến việc “nhân loại sẽ không cần phải làm việc” theo nghĩa đó trong một bài báo tháng 11/2023 và gọi cuộc cách mạng AI là lực đẩy đảo lộn nhất trong lịch sử.
Ở một số nước phát triển người ta đã bắt đầu bàn luận đến việc con người làm ít đi,trước mắt là 3.5 ngày/tuần. AI lấy mất công việc của con người thì để chia sẻ với nhau, chúng ta làm ít đi để giảm số người bị thất nghiệp. Ở một góc độ khác thì đó là điều rất tốt đẹp. Công nghệ càng phát triển thì con người càng làm ra nhiều của cải hơn. Nhưng đến một lúc nào đó ai cũng có đầy đủ đồ dùng rồi thì cũng không cần nhiều hơn nữa. Mỗi người cũng chỉ ăn tối đa chừng đó gạo, thịt, cá,... hay dùng đến 3,4 tivi trong nhà là nhiều, hay sử dụng cùng lúc hai điện thoại smartphone chứ không hơn được. Trong tương lai rất gần thì những cánh đồng lúa sẽ được canh tác bởi máy cày, máy cấy, máy bay drone thả thuốc trừ sâu hay thu hoạch tự động đưa về kho. Tất cả đều tự động, tự lái, tự bay phối hợp đồng bộ với nhau điều khiển bởi AI. Những hạt gạo ta ăn sẽ không còn “thấm đẫm mồ hôi của người nông dân” như hàng nghìn năm nay nữa. AI làm ra đấy, AI không biết mệt bao giờ. Chăn nuôi cũng vậy, những chung cư nuôi lợn tự động điều hành bởi AI đã xuất hiện rồi. Còn tivi, điện thoại thì chúng ta thấy rõ trong kế hoạch nhà máy của Samsung nói trên. AI sẽ tạo ra mọi hàng hóa, từ nông sản cho đến hàng tiêu dùng, đủ cho tất cả mọi người với chi phí rất thấp và một lượng lao động tối thiểu. Đây là thời điểm đầu tiên trong lịch sử mà con người đủ ăn, đủ dùng thực sự.
Giáo dục đào tạo như thế nào để đón đầu điểm kì dịTrước hết về nghề nghiệp trong tương lai người lao động chỉ có hai nhóm công việc để lựa chọn: một là công việc liên quan chặt chẽ với AI, bao gồm làm ra và sử dụng các công cụ AI, hai là các công việc AI chưa thể thay thế con người.
Có thể thấy ngay những công việc còn lại này hầu hết đòi hỏi trình độ đại học hoặc cao hơn, ít nhất cũng là cao đẳng (như người chăm sóc sức khỏe), ngoài trừ nhóm nghề phục vụ. Đây chính là vấn đề lớn nhất của Việt Nam bởi tỷ lệ lao động phổ thông, chưa qua đào tạo của chúng ta còn rất cao.
Theo một báo cáo cơ cấu lao động theo trình độ của Bộ KH&ĐT, trong tổng số 55 triệu lao động thì tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2018 chiếm khoảng 22,5%, tương đương khoảng 12,5 triệu người.
Mặc dù tỷ lệ này tăng mạnh so với năm 2000 nhưng vẫn còn quá nhỏ so với các nước trong khu vực và các nước phát triển, phổ biến là 50%. Cụ thể với nước Mỹ, số liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ cho thấy đến năm 2016 tỷ lệ lao động tốt nghiệp cao đẳng, nghề là khoảng 28%, đại học là 24% còn trên đại học là 15%, cộng lại là 67% hay gần 2/3 tổng số lao động được đào tạo chuyên môn.
Như vậy ngay cả với nước phát triển như Mỹ với tỷ lệ lao động có đào tạo là 67% vẫn còn phải tăng lên nữa để chạy đua với AI, thì Việt Nam chúng ta hiện nay tỷ lệ lao động có đào tạo chưa đến 30% là rất đáng lo ngại. AI sẽ khiến cho chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề khi các công việc trong dây chuyền nhà máy sẽ không còn nữa. Và do vậy vấn đề lớn nhất của giáo dục đào tạo vẫn là tăng nhanh số lượng đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp.
Và trong quá trình đào tạo đại học chúng ta cũng cần hướng đến những nghề nghiệp, trong đó những kỹ năng về công nghệ thông tin và AI cần đặc biệt chú trọng. Những giải pháp cụ thể có thể là:
Thứ nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học cơ bản và ứng dụng (nhóm ngành STEM). Tăng cường đào tạo chuyên gia, kỹ sư AI trong các khoa CNTT, Toán, đồng thời kết hợp đào tạo liên ngành với các khoa khác như Vật lý, Điện tử, Tự động hóa, Sinh học,... Sự phát triển của công nghệ AI một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của khoa học, kỹ thuật trong cuộc sống. Với một số thành tựu khoa học mới gần đây như laser atto giây, máy tính lượng tử, công nghệ năng lượng hạt nhân nhỏ…, các công nghệ mới có thể ra đời liên tục làm thay đổi thế giới.
Thứ hai, đưa kiến thức AI trở thành cơ bản cho mỗi sinh viên đại học bao gồm cả khối kinh tế xã hội. Cụ thể là có thể bắt buộc học về dữ liệu, học máy và AI tương tự các môn Toán cơ bản (Giải tích, Đại số) ở bậc đại học. Thiết kế những giáo trình phù hợp cho học sinh phổ thông. Điều này giúp cho học sinh, sinh viên khi ra trường có kiến thức vững về AI bên cạnh chuyên ngành chính của mình để có thể làm việc năng suất hơn, sáng tạo hơn, giúp nâng cao sức cạnh tranh để không bị AI thay thế.
Thứ ba, đào tạo ngắn hạn phổ cập kiến thức AI, kỹ năng sử dụng công cụ AI như ChatGPT, midJourney, Bard, Claude,... cho nhân sự trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức,… để nhanh chóng đưa AI vào công việc và cuộc sống. Ngay cả đối với các nghề chưa bị AI thay thế như kinh tế quản trị, nghệ thuật,..., người lao động cũng phải trau dồi kiến thức về AI tốt nhất có thể. Bối cảnh nghề nghiệp như trên giúp chúng ta xem xét lại việc đào đào các thế hệ tương lai như thế nào?
Trước sự biến động sâu sắc của nền kinh tế toàn cầu do AI tạo ra, nếu chúng ta chủ động và tham gia sâu vào quá trình này sẽ giúp giữ được nhiều công việc hơn cho Việt Nam, giảm thiểu tác động sa thải của AI, đồng thời nâng cao năng suất lao động và đưa đất nước phát triển nhanh hơn. Tuy vậy chúng ta cũng cần phải dự đoán trước được nguy cơ sắp tới đó là số công việc AI tạo ra có thể thấp hơn số việc AI làm mất đi khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tương lai nghề nghiệp của thế hệ sau sẽ rất cạnh tranh hơn chúng ta hiện nay./.