Cuộc chiến giữa Othniel Charles Marsh (1831-1899) và Edward Drinker Cope (1840-1897) – ngày nay thường được biết đến với tên gọi Cuộc chiến Xương(Bone Wars) - là một trong những cuộc xung đột gay gắt và lố bịch nhất từng được ghi nhận giữa hai nhà khoa học. Mặc dù danh tiếng của cả hai “thợ săn xương” cuối cùng đều bị hủy hoại, nhưng các nỗ lực khai quật của họ đã góp phần khám phá hơn 100 loài khủng long như Stegosaurus, Brontosaurus và Triceratops, giúp đặt nền móng cho sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về các loài khủng long thời tiền sử.
Cuộc chiến Xươngliên quan đến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Marsh và Cope trong hành trình khám phá các hóa thạch khủng long ở miền Tây nước Mỹ từ những năm 1870 cho đến những năm 1890. Hai nhà khoa học – để thỏa mãn cái tôi cá nhân và mong muốn được ghi danh vào sử sách – đã dùng đến những thủ đoạn bẩn thỉu để làm suy yếu đối phương bao gồm hối lộ, gián điệp, trộm cắp xương và thậm chí phá hủy hóa thạch.
Tuy nhiên, mối quan hệ của họ không phải lúc nào cũng là thù địch. Họ gặp nhau lần đầu vào những năm 1860 khi đang nghiên cứu cổ sinh vật học ở Đức, nơi họ dường như có một tình bạn tốt đẹp. Họ thậm chí còn đặt tên cho một số loài động vật mới khám phá theo tên của nhau. Sau khi Cope đặt tên cho một hóa thạch lưỡng cư là Ptyonius marshii để bày tỏ lòng kính trọng Marsh, thì Marsh đã trả ơn bằng cách đặt tên một loài bò sát biển đã tuyệt chủng là Mosasaurus copeanus theo tên của Cope.
Các nỗ lực khai quật hóa thạch của Marsh và Cope đã góp phần khám phá hơn 100 loài khủng long chưa được biết đến trước đây như Stegosaurus, Brontosaurus và Triceratops, giúp đặt nền móng cho sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về các loài khủng long thời tiền sử.
|
Mọi chuyện trở nên tồi tệ khi cả hai cùng trở về Mỹ. Năm 1868, Cope đưa Marsh đi tham quan một mỏ đá hóa thạch ở Haddonfield, bang New Jersey. Mặc dù không hỏi ý kiến của Cope, nhưng Marsh đã bí mật trả tiền cho chủ mỏ đá để gửi bất kỳ khám phá hóa thạch mới nào đến văn phòng làm việc của ông tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Peabody ở Yale. Bảo tàng này do người chú giàu có của Marsh tên là George Peabody xây dựng.
Cope cảm thấy rất khó chịu khi vô tình phát hiện ra sự phản bội của người bạn nhưng vẫn quyết định bỏ qua.
Tình bạn tiếp tục bị rạn nứt vào năm 1868 khi Cope công bố một nghiên cứu mới về loài bò sát biển đã tuyệt chủng mới được phát hiện Elasmosaurus platyurus. Điều đáng tiếc là Cope hoàn toàn hiểu sai về cấu trúc giải phẫu của con vật, và ông đã đặt hóa thạch hộp sọ vào cuối phần đuôi của nó.
Trong chuyến thăm Học viện Khoa học Tự nhiênở Philadelphia để kiểm tra việc Cope lắp ráp mẫu hóa thạch Elasmosaurus platyurus, Marsh đã chỉ ra sai lầm của Cope – một sai sót cũng được một nhà khoa học người Mỹ khác tên là Joseph Leidy xác nhận. Do cảm thấy quá xấu hổ, Cope ngay lập tức đăng bản đính chính, thậm chí cố gắng mua lại hết tất cả các bản in của tạp chí American Philosophical Society có đăng tải thông tin về nghiên cứu của ông, nhưng mọi chuyện đã quá muộn.
Marsh sau đó đã viết trong một bức thư gửi tờ báo New York Herald vào năm 1890: “Khi tôi thông báo cho giáo sư Cope về điều đó, lòng tự trọng của ông ấy đã bị tổn thương và phải chịu đựng một cú sốc lớn, không bao giờ có thể hồi phục. Kể từ đó, Cope và tôi giống như trở thành kẻ thù của nhau”.
Cùng với sự ra đời của tuyến đường sắt xuyên lục địa, khu vực miền Tây nước Mỹ trở nên dễ tiếp cận hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho Marsh và Cope tiến hành nghiên cứu cổ sinh vật học. Hai nhà khoa học đã triển khai các dự án khai quật riêng biệt và có nhiều khám phá hóa thạch quan trọng vào thời điểm này. Họ gấp rút công bố chúng trên các tạp chí khoa học, với hy vọng vượt qua nhau.
Marsh thường xuyên công kích công trình nghiên cứu của Cope, tuyên bố chúng không có gì mới mẻ hay đặc biệt. Để chiếm ưu thế trong cuộc đua xuất bản các bài báo, Cope thậm chí đã mua lại tạp chí khoa học American Naturalist.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào năm 1877 khi các công nhân đường sắt phát hiện hóa thạch khủng long ở Como Bluff nằm gần thị trấn Medicine Bow, Wyoming. Đây là nơi chứa rất nhiều hóa thạch khủng long được bảo tồn cực kỳ tốt. Khi nghe thông tin về phát hiện mới, Marsh nhanh chóng cử một nhóm khảo cổ đến hiện trường để tiến hành nghiên cứu. Đến tháng 12/1877, Marsh đã mô tả và đặt tên cho một số loài khủng long được khai quật tại địa điểm này bao gồm Stegosaurus, Allosaurus và Apatosaurus.
Tuy nhiên, Cope cũng biết thông tin liên quan đến hóa thạch khủng long tại Como Bluff. Ông đã cử người đến khu vực đó và thiết lập một địa điểm khai quật riêng. Chỗ đóng trại của Marsh và Cope chỉ cách nhau một đoạn ngắn, đủ gần để hai nhóm khảo cổ kình địch thường xuyên chạm mặt nhau.
Trong khi những cuộc ẩu đả và ném đá giữa hai bên diễn ra triền miên, nhiều người bị buộc tội làm gián điệp cho nhóm khảo cổ của đối phương. Cope thậm chí còn tố cáo Marsh phá hủy những dấu vết hóa thạch còn sót lại để ngăn cản đội của ông thu thập thông tin, trong khi Marsh lại cáo buộc Cope xâm phạm trái phép địa điểm khai quật của họ.
Nếu phải tìm ra một người chiến thắng trong Cuộc chiến Xương(Bone Wars) thì đó có thể là Marsh. Cope rơi vào thời kỳ khó khăn khi phung phí phần lớn tiền của mình vào các mỏ khai thác bạc ở New Mexico và cuối cùng bị phá sản. Trong khi đó, Marsh đảm nhiệm vị trí Trưởng nhóm Cổ sinh vật học Động vật có xương sống của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
Tuy nhiên, cuối cùng cả hai đều qua đời trong cảnh túng quẫn và cô đơn, để lại một di sản có phần gây tranh cãi. Dù họ đã có những đóng góp quan trọng, giúp chúng ta hiểu biết thêm rất nhiều về khủng long, nhưng cách họ cạnh tranh không lành mạnh không phải là cách quảng bá tốt cho lĩnh vực cổ sinh vật học mới nổi.
Câu chuyện giữa Marsh và Cope cũng là một lời nhắc nhở chúng ta rằng lĩnh vực khoa học – dù mang tính khách quan và logic đến mấy – cuối cùng vẫn là do con người thực hiện. Mà con người thì không hoàn hảo, ai cũng có cái “tôi”, sự lo lắng và định kiến riêng. Việc trở thành một nhà khoa học vĩ đại không phải lúc nào cũng đồng nghĩa bạn là một người tuyệt vời.
Theo iflscience