Các nhà khoa học Mỹ đang lo ngại, cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ của Mỹ có thể có những tác động tiềm năng lên ngân sách đầu tư cho khoa học của liên bang và chính sách hợp tác quốc tế trong khoa học với sự giám sát chặt chẽ của Lưỡng Viện.

Giữa những lo ngại về lạm phát, sự phân cực của những người bỏ phiếu thì các nhà khoa học quan tâm đến cán cân quyền lực giữa Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua kết quả bỏ phiếu tại một số bang. Bởi nó có thể dẫn đến thay đổi quan điểm về đầu tư cho khoa học và chính sách hợp tác quốc tế.

Tổng thống Biden nghe tiến sĩ Kizzmekia S. Corbett (phải) trình bày về các nghiên cứu liên quan đến virus SARS-CoV-2 khi đi thị sát Phòng thí nghiệm Các mầm bệnh virus tại Viện Sức khỏe quốc gia vào tháng 6/2021.

Cuộc thăm dò ý kiến trước khi bỏ phiếu cho thấy Đảng Cộng hòa dường như có khả năng nắm quyền kiểm soát Hạ viện hơn là Thượng viện (và ngay cả trường hợp không nắm quyền kiểm soát Thượng viện), điều này có thể đem đến tác động rất lớn với khoa học.

Đảng Dân chủ hiện nay nắm giữ đa số phiếu bầu với cách biệt không lớn so với Đảng Cộng hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện. Có rất nhiều dự án khoa học quy mô lớn do chính quyền Biden đề xuất được Đảng Dân chủ ủng hộ, ví dụ như Đạo luật Chip và Khoa học Mỹ với tổng kinh phí đầu tư 170 tỉ USD đã được Quốc hội chấp thuận. Các khoản ngân sách đầu tư cho khoa học cũng được gia tăng, bao gồm các chương trình R&D và tăng cường sức cạnh tranh của ngành công nghiệp, ngân sách cho Quỹ Khoa học quốc gia, Viện Sức khỏe quốc gia, Bộ Năng lượng… cũng góp phần tạo điều kiện kết nối mối quan hệ hợp tác với các nhà khoa học quốc tế.

“Vấn đề lớn nhất là liệu sự nhất trí của hai đảng có vào mùa hè năm 2022 và đạt tới đỉnh điểm khi thông qua Đạo luật Chip và khoa học 2022 có còn tồn tại nữa hay không? Theo Stephen Ezell, phó chủ tịch chính sách đổi mới sáng tạo toàn cầu tại Quỹ Công nghệ thông tin và Đổi mới sáng tạo, một think tank về chính sách khoa học và kinh tế có trụ sở tại Washington, DC. Đạo luật Chip đã được thông qua trên cơ sở nhất trí cao của hai đảng, vì vậy ông nghĩ là Quốc hội sẽ phân bổ phần lớn kinh phí cho các chương trình quốc gia, bất chấp kết quả bỏ phiếu giữa kỳ như thế nào.

Tuy nhiên, có thể thấy là nếu Đảng Cộng hòa thắng thế thì có một số bất lợi khác xảy ra làm xáo trộn cộng đồng khoa học. Một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở Hạ viện kêu gọi mở một cuộc điều tra về Jane Lubchenco, một nhà khoa học khí hậu hàng đầu ở Văn phòng chính sách KH&CN của Nhà Trắng. Bà đã bị Viện Hàn lâm KH&CN quốc gia Mỹ phạt vào tháng tám do vi phạm các nguyên tắc về liêm chính khoa học (bà bình duyệt một bài báo do một thành viên trong gia đình viết và xuất bản trên tạp chí chuyên ngành của Viện vào năm 2020). Những người quan sát nói với Nature là đây có thể chỉ là điểm bắt đầu, nếu Đảng Cộng hòa nắm quyền.

Nếu trường hợp Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện xảy ra thì rất có thể, nhiều khoản đầu tư cho khoa học trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng – nếu chúng ở mức đủ lớn. Đảng Cộng hòa đã từng sẵn sàng chống lại nhiều dự án khoa học tiên tiến của chính quyền ông Biden. Ngay cả sự đồng thuận của họ cũng không mấy rõ ràng, Đạo luật Chip và khoa học được Hạ viện thông qua với 243 phiếu ủng hộ và 187 phiếu chống, nghĩa là chỉ có 24 nghị sĩ Đảng Cộng hòa là đồng ý với nó. Còn tại Thượng viện thì chính sách này được thông qua với 64 phiếu thuận và 33 phiếu chống.

“Nếu Quốc hội bị chia rẽ, dường như sẽ không xuất hiện những thay đổi luật pháp lớn của Quốc hội hay những thay đổi đáng kể về việc phân bổ ngân sách”, Ezell dự đoán. “Nếu Đảng Cộng hòa chiếm cả Thượng viện và Hạ viện thì họ dường như có xu hướng sẽ giám sát đến một số chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu cụ thể mà pháp luật quy định”.

Một tổ chức khoa học khác của Mỹ cũng có thể phải chịu ảnh hưởng nặng nề là Viện Sức khỏe Mỹ (NIH), Allen Segal, giám đốc của Hội vi sinh vật Mỹ ở Washington DC, nhận định. Hạ viện có thể ngay lập tức phê duyệt kế hoạch điều tra về việc giám sát của NIH với Viện Vi trùng Vũ Hán ở Trung Quốc, khi cơ quan này tài trợ cho nhiều nghiên cứu ở Vũ Hán trước khi đại dịch COVID xảy ra. Một số thành viên Đảng Cộng hòa đến thời điểm hiện tại vẫn còn cho là có thể virus SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm này, và họ vẫn giữ nghi ngờ là NIH chưa giám sát một cách đúng đắn các nghiên cứu có nguy cơ rủi ro bệnh tật. Nhiều nhà vi trùng học và sinh học tiến hóa phản đối thuyết âm mưu này khi chỉ ra là vẫn còn thiếu bằng chứng trực tiếp để dẫn đến kết luận.

Mặt khác, sự giám sát của Đảng Cộng hòa về các mối hợp tác quốc tế trong khoa học sẽ tập trung nhiều hơn vào mối quan hệ Mỹ – Trung hơn so với quan hệ của Mỹ với quốc gia khác. “Không có lý do nào để cho là họ sẽ tập trung vào những mối quan hệ hợp tác quốc tế khác”, Ezell nói.

Lo ngại này nảy sinh trong quá trình các chính trị gia bỏ phiếu thông qua Đạo luật Chip, ví dụ, Chris Jacobs, một thành viên Đảng Cộng hòa từ New York, nói trong một thông cáo báo chí là khi đạo luật được thông qua nó có thể khiến cho nước Mỹ có thể “chủ động trong tái sản xuất và tăng cường khả năng sản xuất nội địa sẽ giúp thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Lo ngại về kết quả bỏ phiếu tín nhiệm và những tác động lên khoa học và tài trợ cho khoa học cũng như gìn giữ sức mạnh của Mỹ trong nghiên cứu đã là nguyên nhân thúc đẩy 30 doanh nhân Mỹ và những người đứng đầu về an ninh quốc gia viết một bức thư gửi Quốc hội vào ngày 20/10. Trong thư đề nghị cần đầu tư một cách đầy đủ ngân sách năm 2023 cho Quỹ Khoa học quốc gia với tổng ngân sách là 11,89 tỉ USD. Giữa những người ký tên vào bức thư có các giám đốc điều hành của IBM, Texas Instruments, AMD, Cleveland Clinic và Amazon Web Services.

“Sau khi quan sát và học hỏi, nhiều quốc gia khác đang đầu tư rất nhiều vào các hệ thống đổi mới sáng tạo của họ, thu hút nhân tài, mở mang hiểu biết và tăng cường nguồn nhân lực công nghệ, và cấu trúc cơ sở hạ tầng số và vật lý tiên tiến cần thiết để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và các năng lực quốc phòng”, trong thư có đoạn viết.

“Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu đang ngày một gia tăng này, Mỹ giờ đây nhận thấy vai trò dẫn dắt KH&CN toàn cầu của mình ngày càng đối diện với rủi ro. Chúng ta không thể để mất vai trò dẫn dắt của mình”.

Nguồn: sciencebusiness.net; nature.com