Bên cạnh chính sách thúc đẩy của nhà nước, những giải pháp chủ động và sáng tạo của các viện, trường đã góp phần không nhỏ trong việc tăng cường đăng ký bảo hộ sáng chế cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ trong những năm gần đây.

Khơi thông những “điểm nghẽn”

Cho đến nay, hầu hết sáng chế được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam hiện nay vẫn thuộc về chủ đơn nước ngoài. “Số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số đơn đăng ký, đây là điều mà chúng ta rất cần lưu tâm”, ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh tại hội thảo về khai thác tài sản trí tuệ trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2021.

Phát triển xe tự hành ở trường ĐH Phenikaa. Nguồn: Phenikaa-X

Không dễ để chỉ ra tường tận nguyên nhân của tình trạng này - dường như khi bắt tay vào bất cứ bước nào, người ta cũng đều thấy vướng mắc: từ nghiên cứu phát triển sản phẩm, đăng ký bảo hộ SHTT cho đến chuyển giao, thương mại hóa ra thị trường… Đơn cử như viết bản mô tả sáng chế - một trong những công đoạn quan trọng bậc nhất trong quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế, tuy đã được bàn luận và tìm giải pháp trong rất nhiều hội thảo trước đây, song vẫn là một thách thức không nhỏ với các nhà nghiên cứu. Dù các lớp đào tạo, tập huấn của Cục SHTT đã góp phần gỡ bỏ vướng mắc này song có lẽ vẫn chưa đủ: “Khi chúng ta tìm hiểu, được hướng dẫn thì có thể thấy nó đơn giản, dễ thực hiện, nhưng với những thầy cô chuyên về nghiên cứu thì vẫn gặp nhiều khó khăn”, ông Hồ Văn Thái, ban chuyên trách về SHTT, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết.

Những viện, trường có đơn vị chuyên trách hỗ trợ đăng ký như trường ĐH Phenikaa cũng không phải là ngoại lệ: “Các thầy cô là người nắm rõ về bản chất công nghệ nhất, nhưng khi ngồi viết sáng chế cũng mất rất nhiều thời gian, vì bản mô tả sáng chế có những yêu cầu riêng biệt. Chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn viết, cũng may có phần mềm hỗ trợ của Cục SHTT, giúp các nhà nghiên cứu nắm được hình thức mẫu nhưng viết cũng chưa tốt lắm, nhiều khi không đúng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng bảo hộ của sáng chế mà cũng rất khó cho thẩm định viên”, TS. Vũ Ngọc Hải, Trưởng phòng KHCN&HTQT, trường ĐH Phenikaa thẳng thắn chỉ ra.

Các viện, trường không phải là nơi duy nhất rơi vào tình cảnh này. Ngay cả những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm đăng ký bảo hộ sáng chế cũng khó tránh khỏi: “Khâu đăng kí SHTT thực sự rất khó khăn cho các doanh nghiệp bởi vì các quy định về mẫu, cách thức viết ra các bản mô tả rất khó, giai đoạn đầu chúng tôi phải thuê các đơn vị tư vấn. Hơn nữa, việc đăng kí cũng tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc. Với mỗi lần đăng ký sáng chế, các đơn vị tư vấn thường yêu cầu 40-50 triệu đồng một lần mà chưa biết có chắc chắn được hay không”, ông Hồ Xuân Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, nổi tiếng với nhiều sáng chế về máy xây dựng và nông nghiệp cho biết.

Trước thực tế này, bên cạnh sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhiều viện, trường đã chủ động phát triển các giải pháp riêng. “Chúng tôi đã tìm cách xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tập hợp những nhà nghiên cứu đã có kinh nghiệm đăng ký, viết bản mô tả tốt để giúp đỡ những người chưa biết. Ngoài ra, nhà trường cũng phát triển một phần mềm đăng ký bảo hộ các đối tượng SHTT, khi giảng viên/sinh viên đăng nhập vào sẽ có sẵn form mẫu, chỉ cần nhập thông tin yêu cầu sẵn, không phải viết bản kê khai rườm rà”, ông Hồ Văn Thái nói.

Những nỗ lực này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. “Trong 5 năm gần đây, số lượng bằng sáng chế của trường chúng tôi đã tăng rất mạnh”, ông Hồ Văn Thái cho biết. Nếu như trước đây, số lượng “sáng chế, giải pháp hữu ích của chúng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay”, theo PGS.TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thì “trong giai đoạn 2019-2020, từ 4 sáng chế, giải pháp hữu ích ban đầu đã tăng lên thành 30, trong năm 2021 chúng tôi đã nộp một loạt đơn và cũng nhận được thông báo chấp nhận đơn”.

Việc xác lập những tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích mới chỉ là điểm khởi đầu trên hành trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trong đó, rào cản lớn hơn mà các viện, trường phải đối mặt là bước chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Tại sao các viện, trường và doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thể “gặp nhau” trong quá trình này là câu hỏi được đặt ra từ nhiều năm nay. Thực ra, nguyên nhân chẳng có gì bí ẩn: “Chúng ta đang bán cái chúng ta có chứ chưa bán cái thị trường cần. Nhà trường vẫn còn thiếu kết nối với doanh nghiệp để nhận biết nhu cầu thị trường, để doanh nghiệp đặt hàng nhà khoa học. Hệ quả là đa số sản phẩm đã công bố bị chuyển giao chậm, hoặc sớm bị lỗi thời”, bà Lê Thị Thanh Tâm, phụ trách đào tạo ở Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (ĐHQG-TP.HCM) phân tích.

Ngoài việc lãng phí những kết quả có tiềm năng ứng dụng cao, tình trạng này còn khiến sự kết nối giữa hai bên vốn được coi có mối quan hệ “cung - cầu” ngày càng trở nên mờ nhạt. Kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI thực hiện năm 2018 cho thấy, chỉ có gần 14% doanh nghiệp tìm đến viện trường khi cần đổi mới công nghệ, còn 86% tìm đến chỗ khác.

Làm thế nào để thúc đẩy sự liên kết giữa hai nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không chỉ là vấn đề đang được nhà nước tìm cách giải quyết qua hàng loạt chính sách, mà bản thân các viện, trường cũng đang loay hoay tìm lối thoát riêng. Chẳng hạn như ở ĐHQG-TP.HCM, “chúng tôi cho rằng phải tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để cùng nhận biết nhu cầu thị trường. Đồng thời phải tinh giản thủ tục giao kết nhằm tăng sức hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư”, theo bà Lê Thị Thanh Tâm. Hầu hết các viện, trường khác cũng đi theo hướng này. Thậm chí, nhiều đơn vị không chỉ dừng lại ở hợp tác trong giải quyết bài toán của doanh nghiệp hay nghiên cứu, đào tạo mà còn tương tác ở nhiều khía cạnh khác. Đơn cử như trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, “chúng tôi còn hỗ trợ đăng ký tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp ngoài trường, “trong phần mềm của chúng tôi có thiết kế cả phần hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế ngoài trường, ai có nhu cầu chỉ cần nhấn vào nút đăng ký, sẽ xuất hiện các nội dung yêu cầu kê khai thông tin, rất rõ ràng và đơn giản”, ông Hồ Văn Thái nói.

Chuyển hướng đầu tư cho nghiên cứu

Những “điểm nghẽn” trong quá trình bảo hộ và khai thác sáng chế có thể khiến không ít nhà nghiên cứu ngần ngại. Do vậy, để tạo động lực cho các nhà nghiên cứu, một số viện, trường đã có quy định khen thưởng cho các tác giả sáng chế. Đơn cử như trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có mức khen thưởng 25 triệu đồng/bằng sáng chế, 20 triệu đồng/bằng giải pháp hữu ích. Một số trường có nguồn lực mạnh như Phenikaa cũng đưa ra mức thưởng rất cao: “Để thúc đẩy số lượng sáng chế, chúng tôi đưa ra mức thưởng tương đương với bài báo quốc tế, cụ thể hơn 100 triệu đồng/sáng chế, và khoảng 80 triệu/giải pháp hữu ích”, TS. Vũ Ngọc Hải cho biết. Đây là điểm khá mới - “xét thưởng cho bài báo hầu như trường nào cũng có, nhưng về SHTT lại rất ít hoặc không”, ông Hồ Văn Thái nhận xét.

Việc khen thưởng là điều cần thiết, nhưng nếu không có cách làm hợp lý sẽ dẫn đến phản tác dụng. “Chính sách khen thưởng thực sự cũng có điểm lợi bất cập hại, có nhiều thầy cô chuyên đi viết sáng chế để lấy tiền thưởng. Các thầy cô nhiều khi một năm viết mấy chục đơn, trường hoặc đơn vị trực thuộc phải chi kinh phí cho đăng ký và thẩm định đơn rất lớn”, TS. Vũ Ngọc Hải cho biết. Do vậy, “gần đây chúng tôi phải sửa lại quy chế, các nhà nghiên cứu sẽ tạm ứng tiền thẩm định trước, khi nào được cấp bằng nhà trường sẽ thanh toán cả tiền thẩm định và tiền thưởng luôn, hạn chế việc đi đăng ký sáng chế với mục tiêu lấy tiền thưởng”.

Dù đưa ra rất nhiều biện pháp thúc đẩy đăng ký bảo hộ sáng chế, song nhiều chuyên gia trong hội thảo cũng chỉ ra rằng, gốc rễ để có được tài sản trí tuệ nằm ở việc đầu tư nghiên cứu. “Ở các trường đại học, việc tập trung vào nghiên cứu, đào tạo như một hoạt động hỗ trợ, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu mới là cách làm gắn với đổi mới sáng tạo, SHTT và chuyển giao công nghệ”, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT nhận định.

Trong khi hầu hết các trường đại học ở các nước phát triển trên thế giới đã hoạt động theo xu hướng này từ lâu thì Việt Nam mới ở giai đoạn manh nha, nhưng cũng đã có một số thành công nhất định. Tiêu biểu như Phenikaa, “là một trường non trẻ, chúng tôi xác định phải tập trung đầu tư cho khoa học và công nghệ, khi đó mới có tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo. Do vậy chúng tôi thành lập rất nhiều nhóm nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung đầu tư trang thiết bị, thu hút nhân lực chất lượng cao. Các nhóm nghiên cứu ứng dụng được đầu tư rất nhiều tiền, tương ứng phải cam kết sản phẩm đầu ra, ví dụ một nhóm nghiên cứu mạnh tối đa một năm phải chuyển giao công nghệ được hơn 500 triệu đồng”, TS. Vũ Ngọc Hải cho biết.
Có thể thấy, những bước đi này đã theo đúng hướng. “Không phải ngẫu nhiên mà một trường đại học mới hoạt động khoảng bốn năm mà đã đứng trong top 10 trường đại học có số lượng đơn sáng chế nhiều nhất cả nước”, ông Trần Lê Hồng nhận xét. Không những vậy, “tất cả những sáng chế của chúng tôi đều nằm trong các công ty spin off, startup, tức là các bằng sáng chế đều có giá trị sử dụng, chuyển giao”, theo TS. Vũ Ngọc Hải.

Dù thấy rằng “Phenikaa là một điển hình rất hay”, song hầu hết các viện, trường ở Việt Nam với nguồn lực hạn chế khó có thể chuyển hướng như vậy trong một sớm một chiều, mà cần có lộ trình trong lâu dài - PGS.TS. Vũ Huy Đại, Trưởng phòng KH&CN, trường ĐH Lâm nghiệp nhận xét. Còn trước mắt, “các trường có thể cùng hợp tác xây dựng một hệ thống, hoặc công ty chung để thúc đẩy thương mại hóa sáng chế và giải quyết các bài toán của thị trường.