Mảnh xương sọ và xương ống chân cho thấy có thể những người hiện đại đầu tiên đã di cư qua Đông Nam Á sớm hơn giả thuyết trước đây.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hai mảnh xương mới trong một hang động ở phía bắc Lào, gợi ý rằng loài Homo sapiens đã đi quanh Đông Nam Á cách đây đến 86.000 năm. Như vậy, con người đã di cư qua khu vực này sớm hơn chúng ta nghĩ.

Hơn một thập niên trước, các cuộc khai quật tại hang Tam Pà Ling đã tìm ra 7 mảnh xương nằm giữa các lớp đất sét. Sau khi đào sâu 7m, việc khai quật cuối cùng đã hoàn thành khi chạm phải nền đá. Và các nhà nghiên cứu của Đại học Illinois Urbana-Champaign đã tái lập toàn bộ niên biểu của hang. Trầm tích và xương tìm thấy trong hang cho thấy người hiện đại đã sinh sống ở vùng núi này trong ít nhất 68.000 năm, và đã di cư qua đây thậm chí là sớm hơn thế. Theo các nhà khoa học, đây là điểm mới trong bản đồ di cư của người hiện đại đầu tiên tại Đông Nam Á.

Các mảnh xương mới được phát hiện là một miếng xương sọ nhỏ và một mảnh xương ống chân. Những phần khác có thể đã bị lũ cuốn vào sâu trong hang không người ở. Các nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp cộng hưởng thuận từ và chuỗi uranium để xác định tuổi của hàm răng thuộc loài ăn cỏ tìm thấy cùng hóa thạch người. Họ cũng ước tính tuổi của trầm tích hang động bằng phương pháp xác định niên đại phát quang.

Kết quả cho thấy tuổi của mảnh sọ và xương ống chân là khoảng 70.000 và 77.000 năm. Nhưng mảnh xương ống chân thậm chí có thể xuất hiện từ 86.000 năm trước. Tuổi này lớn hơn rất nhiều so với hóa thạch đầu tiên được tìm thấy ở đây hơn một thập niên trước. Đó là mảng sọ được ước tính 46.000 năm tuổi. Nó cũng lâu đời hơn các xương khác trong hang (hai mảnh xương hàm, một xương sườn và một xương bàn chân) có niên đại từ 46.000 đến 70.000 năm.

Các nhà nghiên cứu tỉ mỉ lọc từng xô đất sét và dùng ngón tay để tìm các mảnh xương. Ảnh: Fabrice Demeter
Các nhà nghiên cứu tỉ mỉ lọc từng xô đất sét và dùng ngón tay để tìm các mảnh xương. Ảnh: Fabrice Demeter

Lưu trữ hóa thạch ở Đông Nam Á không có nhiều, một phần do khí hậu nhiệt đới khiến hầu hết xương phân hủy. Theo các nhà nghiên cứu, các chi tiết về việc những người đầu tiên đến khu vực này khi nào, từ chỗ nào và di cư tới đâu vẫn gây tranh luận. Lào có khả năng nằm trong tuyến đường di cư tới Úc, nơi địa điểm khảo cổ có niên đại lâu nhất là khoảng 65.000 năm. Bên cạnh đóng góp dữ liệu cho một khu vực ít được tìm hiểu, hang Tam Pà Ling còn cung cấp cái nhìn sâu hơn về thời điểm diễn ra cuộc di cư qua khu vực này.

Một số giả thuyết về quá trình di cư của loài người dựa vào phân tích DNA cho rằng Homo sapiens đã tản cư trong một khoảng thời gian ngắn duy nhất sau thời kỳ địa chất Giai đoạn đồng vị biển 5, kéo dài từ 130.000 đến 80.000 năm trước. Nhưng các hóa thạch ở Tam Pà Ling không khớp với những giả thuyết này. Thay vào đó, hóa thạch đề xuất việc tản cư diễn ra trước khi Giai đoạn đồng vị biển 5 kết thúc.

Hình dạng hóa thạch tại Tam Pà Ling cũng khiến cho câu chuyện phức tạp hơn. Tuy đều đến từ Homo sapiens, nhưng mảnh xương ít tuổi nhất - mảnh xương sọ 46.000 năm tuổi – lại pha trộn đặc điểm của cả người hiện đại lẫn người cổ đại, trong khi các hóa thạch cổ nhất lại có các đặc điểm hiện đại hơn. Chẳng hạn, mảnh sọ cổ hơn không có xương mày rõ như ở người cổ đại, nhưng đặc điểm này lại phần nào quan sát thấy ở hóa thạch ít tuổi hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, điều này thật khác thường và cho thấy các hóa thạch cổ hơn có thể không tiến hóa từ một quần thể bản địa, mà đại diện cho các nhóm người hiện đại đầu tiên di cư qua khu vực này.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khai quật hang động để tìm thêm hóa thạch. Họ cũng đang cố khôi phục DNA môi trường từ đất sét, vì đây có thể là nguồn thông tin về thảm thực vật và động vật sống quanh khu vực này hàng chục nghìn năm trước. Các phát hiện bên ngoài hang động cũng có thể cung cấp hiểu biết về những cư dân đầu tiên của vùng.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Nguồn: