Nghiên cứu mô phỏng cho thấy sau khi tiến hóa độc lập trong một khoảng thời gian dài ở hai bờ lục địa châu Phi, hai quần thể người có thể đã sáp nhập rồi tách ra thành các tiểu quần thể từ 120.000 năm trước.

Giả thuyết kinh điển về việc di cư từ châu Phi cho rằng loài người, Homo sapiens, đã tiến hóa từ một dòng giống duy nhất cách đây khoảng 150.000 năm, trước khi bắt đầu lan ra châu Âu và xa hơn.

Thuyết cổ điển cho rằng con người xuất hiện lần đầu tại Đông hoặc Nam Phi. Nhưng giả thuyết này khó tương thích với một số bằng chứng hóa thạch và khảo cổ học tìm thấy ở những địa điểm cách xa nhau, chúng chỉ ra rằng loài Homo sapiens đã sống khắp lục địa này tù 300.000 năm trước. Các hóa thạch cổ đại nhất của châu Phi trông giống loài người chúng ta đã được tìm thấy ở Morocco, Ethiopia và Nam Phi, nhưng chưa rõ nơi đâu trong số đó là cái nôi thực sự của loài người.

Các mô hình mô phỏng có sử dụng những bộ gene mới giải mã từ 44 người Nama từng sống tại vùng Kuboes tại biên giới Nam Phi và Namibia. Ảnh: Brenna Henn
Các mô hình mô phỏng có sử dụng những bộ gene mới giải mã từ 44 người Nama từng sống tại vùng Kuboes tại biên giới Nam Phi và Namibia. Ảnh: Brenna Henn

Song, còn một câu chuyện khác là giả thuyết đa vùng, cho rằng trước khi loài người rời châu Phi sang châu Âu, đã có sự phát tán gene liên tụcgiữa ít nhất hai quần thể khác nhau.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học McGill (Canada) và Đại học California-Davis (Mỹ) đã so sánh bộ gene của 290 người hiện nay ở Nam Phi, Sierra Leone, Ethiopia và lục địa Á-Âu và tìm thấy bằng chứng về việc phát tán gene mạnh giữa các tổ tiên của họ tại Đông và Tây Phi. Nghiên cứu cũng bao gồm thông tin di truyền của các cá nhân người Anh để đại diện cho dòng gene chảy ngược lại về châu Phi trong quá trình xâm chiếm thuộc địa, cũng như một hệ gene của người Neanderthal cổ từ Croatia được nghiên cứu kĩ để giải thích cho những gene từ Neanderthal hòa trộn với con người bên ngoài châu Phi.

Từ đó, mô hình về sự di cư liên tục cho thấy có thể có 2 nhánh chính tạo nên bộ gene của những người sống ở châu Phi hiện nay. Hai nhánh này đại diện cho các quần thể tách biệt sống ở những vùng khác nhau của châu Phi vào khoảng 400.000 năm trước. Các mô hình cho thấy sau khi tiến hóa độc lập trong một khoảng thời gian dài ở hai bờ lục địa, hai quần thể này có thể đã sáp nhập rồi tách ra thành các tiểu quần thể từ 120.000 năm trước.

Theo các nhà nghiên cứu, sự luân chuyển giữa các điều kiện khô và ẩm khắp châu Phi vào khoảng 100-140 nghìn năm trước có thể đã thúc đẩy các sự kiện sáp nhập. Dòng giống hòa huyếtnày có thể đã rời châu Phi tới châu Âu vào khoảng 50.000 năm trước.


Các mô hình khái niệm về lịch sử ban đầu của loài người tại châu Phi: a) Mở rộng gần đây; b) Mở rộng gần đây nhưng vẫn duy trì tại chỗ; c) Trộn lẫn cổ xưa; d) Đa vùng tại châu Phi. Ảnh: Ragsdale
Các mô hình khái niệm về lịch sử ban đầu của loài người tại châu Phi: a) Mở rộng gần đây; b) Mở rộng gần đây nhưng vẫn duy trì tại chỗ; c) Trộn lẫn cổ xưa; d) Đa vùng tại châu Phi. Ảnh: Ragsdale

Tuy vậy, mô hình xem xét hệ gene của những người có nguồn gốc châu Âu lại dự đoán rằng những người đầu tiên ở châu Phi tới châu Âu muộn hơn 10.000 năm. Và một số nghiên cứu khác gần đây còn cho rằng đã có nhiều đợt di cư từ châu Phi tới châu Âu.

Với số mẫu hóa thạch ít ỏi, việc giải mã gene đã trở thành công cụ rất hữu ích để truy cứu gốc tích của loài người chúng ta. Và càng có được nhiều thông tin di truyền, các nhà khoa học càng nhận thấy câu chuyện này phức tạp đến nhường nào.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.