Tập khảo cứu của nhà nghiên cứu Võ Hà khắc họa Đà Nẵng trong giai đoạn trước năm 1975 như một “đô thị sân bay”, “đô thị biển”, với nhiều sự kiện còn chưa được biết đến rộng rãi.
Qua 10 biên khảo với các nguồn dữ liệu từ sách, luận văn, báo, tạp chí, cùng rất nhiều tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TPHCM), tác giả Võ Hà (1984) - người con xứ Quảng dành phần lớn thời gian sinh sống, làm việc ở Đà Nẵng - đã trình hiện một Đà Nẵng khác biệt với hiện tại.
Trước hết, đó từng là một “đô thị sân bay”, “đô thị biển” mang tính quân sự, kể từ khi người Pháp sang cho đến khi người Mỹ rút đi. Các chính sách quân sự được thực hiện xuyên suốt gần một thế kỷ để giành đất mở rộng sân bay, đã gây ra cho thành phố những hậu quả khó lường và dẫn đến các sự kiện tàn bạo. Chẳng hạn, Võ Hà cho biết, khi người dân đưa ra những yêu cầu đòi bồi thường tiền dời nhà, mồ mả, hoa màu, cấp tôn và vận chuyển đồ đạc của họ đến nơi ở mới, thì trong khi những yêu cầu trên còn chưa được giải quyết, nhà của họ đã bị cày ủi.
Theo Võ Hà, tuy có vị trí địa lý và nhiều yếu tố thuận lợi giống Hong Kong, nhưng vị thế của hai nơi chốn lại rất khác nhau trong giai đoạn trước 1975 bởi tính chất quân sự chủ chốt khác biệt của Đà Nẵng. Trong bài Kinh tế biển Đà Nẵng 1954-1975, vai trò đô thị biển - cảng biển quan trọng nhất ở khu vực miền Trung của Đà Nẵng đã được khảo sát và đánh giá lại.
Không chỉ tái hiện những nét cơ bản về bức tranh kinh tế biển phục vụ quân sự hơn là thông thương hàng hóa, bài biên khảo này còn liên hệ tới việc giữ vững chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trong các hoạt động của chính quyền miền Nam Việt Nam như khai thác phốt-phát để sản xuất phân bón tại quần đảo này. Thông qua mối bang giao kinh tế, gần 25 quốc gia nhập khẩu phân bón từ quần đảo Hoàng Sa đã gián tiếp công nhận chủ quyền hiển nhiên của Việt Nam đối với quần đảo. Hợp nhất với một tác phẩm trước đó cũng của Võ Hà là Trường Sa 1988 – Hồ sơ một sự kiện lịch sử, cả hai góp phần khẳng định thêm chủ quyền biển đảo của đất nước ta.
Trong Đà Nẵng ngày tháng cũ & những câu chuyện miền Nam giai đoạn 1954-1975, Võ Hà còn khảo cứu nhiều sự kiện chưa được biết đến rộng rãi, chẳng hạn như ở Đà Nẵng từng có hai công trình có quy mô lớn được dự định xây dựng, thể hiện một tầm nhìn toàn diện hơn về mối liên hệ giữa yếu tố kinh tế và an ninh chính trị đối với việc khai thác thủy điện và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đầu tiên là dự án thủy điện Nhơn Trạch trên sông Thu Bồn. Sau khi nhà máy thủy điện Đa Nhim được khởi công thì ngay trong năm đó (1962), chính quyền miền Nam Việt Nam được “tư vấn” để nghiên cứu xây dựng dự án nhà máy thủy điện Nhơn Trạch, nhằm bảo đảm nguồn điện cho Quảng Nam và Đà Nẵng. Dù vậy, dự án cuối cùng đã không được thực hiện được vì nhiều lý do, nhất là ảnh hưởng của cuộc chiến tranh, trong đó khu vực Quảng Nam rất khốc liệt.
Công trình thứ hai là tuyến đường sắt Đà Nẵng - Miến Điện, xuất phát từ hải cảng Đà Nẵng, xuyên qua các nước Lào, Thái Lan, Miến Điện. Tuy có nhiều yếu tố thuận lợi về mặt địa lý và bối cảnh, thế nhưng cuối cùng dự án cũng không thành hiện thực và một trong những nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế của chính quyền đương thời không cho phép. Nếu được thực hiện thì đây sẽ là dự án có yếu tố quân sự và chính trị rất cao đối với chiến trường Việt - Lào - Thái - Miến, đồng thời có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển Trung bộ và Cao Nguyên Trung phần.
Một điểm cộng khác của Đà Nẵng ngày tháng cũ, đó là Võ Hà đã đưa ra những lý giải có phần hợp lý về động cơ của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974. Anh đặt câu hỏi, liệu quyết định bắt làm tù binh những người lính Việt Nam Cộng hòa xuất phát từ cấp có thẩm quyền cao nhất của Trung Quốc là Chỉ huy trưởng lực lượng tham chiến tại Hoàng Sa, hay chỉ là quyết định của các thuyền trưởng riêng lẻ trong lực lượng Hải quân Trung Quốc? Việc có một “chỉ thị” nhất quán sẽ nói lên những hàm ý về tính chất của tranh chấp.
Võ Hà chỉ ra, trên thực tế, những người lính bị bắt chủ yếu là địa phương quân, nhân viên khí tượng… đóng quân trên quần đảo Hoàng Sa. Như vậy, hải quân Trung Quốc không bắt những người lính trực tiếp tham chiến, mà chỉ nhằm vào những người lính hậu cần. Điều này cho thấy một sự e dè nhất định của Trung Quốc tại thời điểm đó, với mong muốn “tuyên truyền chính trị” nhằm xuyên tạc những sự thật lịch sử là chính.
Tinh thần quật khởi của người dân Đà Nẵng trong việc giữ vững chủ quyền biển đảo còn tiếp tục được khảo cứu trong nhiều trang viết khác. Võ Hà cho biết, trong trong giai đoạn trước năm 1975, quần đảo Hoàng Sa đã được bảo vệ bởi các lực lượng như Bảo an đoàn, Thủy quân lục chiến, Địa phương quân… cùng nghĩa quân đóng trú trên các đảo khác nhau, chủ yếu có quê quán tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Còn với những người bình thường, Hoàng Sa luôn là một phần lãnh thổ máu thịt, không thể chia cắt trong ý thức của họ. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc nhiều ngư dân miền Trung liên tiếp qua các đời đều hiện diện đánh bắt, khai thác hải sản tại quần đảo, nhiều gia đình đã cho con em của mình ra canh giữ Hoàng Sa.
Bằng lối viết điềm tĩnh, thận trọng, ngôn từ trong sáng và giản dị, Võ Hà cho người đọc thấy một Đà Nẵng khác trong quá khứ, để từ đó hiểu hơn về quá trình hình thành, vươn đến vị trí “trung tâm kinh tế miền Trung” hay một trong những “thành phố đáng sống nhất” ở Việt Nam như ngày nay.